Tuy tỷ lệ bệnh viêm màng não ở trẻ em mắc phải không cao nhưng đây lại là căn bệnh hết sức nguy hiểm vì chúng dễ lây lan thành dịch và có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Chẩn đoán viêm màng não ở trẻ thế nào?
Để chẩn đoán bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng (sốt, nôn mửa, chán ăn, quấy khóc,…) và bệnh sử, khám lâm sàng và một số xét nghiệm chẩn đoán.
Ngoài ra, bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng xung quanh đầu, tai, cổ họng và da dọc theo cột sống. Tùy vào từng độ tuổi mà bé có thể được làm một số xét nghiệm chẩn đoán sau đây:
- Xét nghiệm máu: Để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn. Máu lấy từ tĩnh mạch được gửi đến phòng thí nghiệm và được nuôi cấy trong môi trường đặc biệt để xem có chứa vi sinh vật, nhất là vi khuẩn hay không. Bên cạnh việc nuôi cấy, một phương pháp khác cũng được sử dụng là đem đi nhuộm Gram, sau đó kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định loại vi khuẩn.
- Chụp X-Quang và chụp CT: X-quang và chụp cắt lớp vi tính (CT scan) vùng đầu, ngực, xoang có thể cho thấy tình trạng sưng hoặc viêm của bé. Những xét nghiệm này cũng giúp bác sĩ tìm kiếm ổ nhiễm tại các khu vực khác của cơ thể bé yêu có liên quan đến viêm màng não.
- Xét nghiệm dịch não tủy: (CSF) bằng cách chọc hút dịch não tủy qua thắt lưng. Bác sĩ sẽ dùng một ống kim đặc biệt chọc vào vùng thắt lưng bé để rút dịch não tủy ra. Mẹ hãy yên tâm vì đây là một kỹ thuật rất an toàn, trong đó mẫu được lấy từ khoang dưới nhện cột sống thắt lưng (chọc ống sống thắt lưng), vì vậy ít nguy cơ gây chấn thương thần kinh tủy. Ở những bé bị viêm màng não, thông thường lượng đường (glucose) trong CSF giảm nhưng số lượng tế bào bạch cầu và protein lại tăng. Phân tích dịch não tủy cũng có thể giúp bác sĩ xác định chính xác loại vi khuẩn gây ra bệnh.
Nếu bác sĩ nghi ngờ bé bị viêm màng não do vi rút, bé sẽ được yêu cầu tiến hành các xét nghiệm DNA bằng phản ứng khuếch đại dây chuyền polymerase (PCR). Các xét nghiệm này nhằm kiểm tra bé có kháng thể chống lại vi rút không và xác định nguyên nhân cụ thể của bệnh để có hướng điều trị thích hợp.
Điều trị viêm màng não ở trẻ dựa vào nguyên nhân gây bệnh
Tùy nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau:
Viêm màng não gây ra bởi vi khuẩn: Khi bị viêm màng não do vi khuẩn, bé cần nhập viện để truyền dịch và kháng sinh đường tĩnh mạch, đồng thời theo dõi sát các biến chứng. Trong những ngày điều trị đầu tiên, nhiều bé không thể ăn hay uống, vì vậy dịch truyền tĩnh mạch sẽ cung cấp các loại thuốc và dinh dưỡng cần thiết cho bé. Một số loại viêm màng não cần truyền dịch và thuốc trong khoảng từ 7-21 ngày. Vì có rất nhiều loại vi khuẩn gây ra viêm màng não, do đó, tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh và độ tuổi của bé mà bác sĩ sẽ cho bé uống loại kháng sinh phù hợp. Mẹ không nên tự ý cho bé uống bất kì loại thuốc kháng sinh nào khi chưa có sự cho phép của bác sĩ nhé. Dưới đây là một số kháng sinh thường dùng trong điều trị viêm màng não cho bé mà mẹ có thể tham khảo:
- Nếu viêm màng não do liên cầu nhóm B, L. monocytogenes thì nên dùng phối hợp Ampicillin (Ampicillin, Ampifap, Franpicin, Seachic, Apicaps) tiêm tĩnh mạch cùng Gentamycin (Gentamicin 0.3%, Bactigen eye/ear drops) tiêm bắp hoặc có thể dùng Cefotaxime (Beartaxim Inj Braciti, Cefacyxim 1g Inj).
- Nếu viêm màng não do vi khuẩn như E.coli thì nên chọn các Cephalosporine thế hệ 3 như Cefotaxime, Ceftriaxone (Aciphin, Alcizon, Aximaron, Beecefrex).
Trẻ trên 3 tháng và trong độ tuổi đến trường bị viêm màng não thường do H. influenzae nhưng hiện nay vi khuẩn này đã kháng với Ampicillin và Chloramphenicol. Vì vậy kháng sinh được đề nghị hàng đầu là: Ceftazidime (Bactadim, Bestum, Betazidim).
Viêm màng não gây ra bởi vi rút: Trong trường hợp viêm màng não ở trẻ em gây ra bởi vi rút thì việc điều trị bằng kháng sinh thường không có hiệu quả đâu mẹ à. Phần lớn các bé mắc bệnh viêm màng não do vi rút thường sẽ tự hồi phục từ 7-10 ngày, tuy nhiên những bé bị viêm màng não gây ra bởi Herpesvi rút và vi rút Influenza (vi rút gây ra bệnh cúm) cần được điều trị bằng thuốc kháng vi rút. Bé sơ sinh hoặc các bé có hệ miễn dịch yếu nên được nhập viện để tiện cho việc theo dõi và điều trị vì bệnh có nguy cơ tiến triển nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, mẹ cũng nên cho bé nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt để giúp bé mau phục hồi.
Phòng ngừa viêm màng não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Phòng ngừa viêm màng não gây ra bởi vi khuẩn: Tiêm vắc xin cho bé là cách tốt nhất và hữu hiệu nhất để giúp bé tránh xa bệnh viêm màng não do vi khuẩn gây ra. (Xem thêm: 18 bệnh dịch cần tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ)
- Vắc xin HIB (Haemophilus influenzae type b): Vắc xin HIB giúp giảm nguy cơ bé bị nhiễm Haemophilus influenzae type b (Hib), đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ em trước khi có vắc xin. Bé nên được tiêm từ 3 đến 4 mũi tại thời điểm 2 tháng, 4 tháng và 6 tháng tuổi sau đó là mũi tiêm cuối lúc bé được 12 -15 tháng.
- Vắc xin PNEUMOCOCCUS: Vắc xin này có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiều bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do phế cầu, bao gồm viêm màng não cũng như nhiễm trùng huyết (tình trạng nhiễm trùng trong máu), viêm phổi. Loại vắc xin này được tiêm cho bé từ 2 tháng tuổi và tiêm bổ sung vào tháng thứ 4, thứ 6 và mũi cuối khi trẻ được khoảng 12 – 15 tháng tuổi. Một số bé có nguy cơ nhiễm bệnh viêm màng não cao (như có hệ miễn dịch hoạt động bất thường, bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm, các vấn đề về thận và các bệnh mãn tính khác) có thể được tiêm thêm 1 liều vắc xin kháng phế cầu khuẩn khi bé được 2 – 5 tuổi.
- Vắc xin MENINGOCOCCAL: Đây là vắc xin kết hợp ngừa viêm màng não mô cầu (Meningococcal conjugate vắc xin _MCV4). Mặc dù nó có thể ngăn ngừa bốn loại bệnh viêm màng não nhưng những bé nhỏ không nên dùng vắc xin này, chỉ dùng cho thanh thiếu niên (11-12 tuổi) hoặc thanh thiếu niên trung học (15 tuổi).
Phòng ngừa viêm màng não do vi rút: Không có vắc xin cho bệnh viêm màng não do vi rút, vì vậy, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh viêm màng não ở trẻ em do vi rút là ngăn chặn sự lây lan của vi rút. Tuy nhiên, điều đó có thể khó khăn vì đôi khi người bị nhiễm vi rút không có biểu hiện bệnh, nhưng họ vẫn có thể lây lan cho người khác. Mẹ có thể thực hiện các bước sau đây để giúp bé giảm nguy cơ bị nhiễm vi rút:
- Mẹ hãy rửa tay thật kỹ và thường xuyên, đặc biệt là sau khi thay tã, sử dụng nhà vệ sinh, ho hay hỉ mũi nhé.
- Khử trùng các bề mặt mẹ thường tiếp xúc, chẳng hạn như tay nắm cửa và TV, điều khiển từ xa.
- Hãy chắc chắn rằng mẹ và bé được tiêm phòng theo đúng lịch trình, điều này giúp bé chống lại một số bệnh có thể dẫn đến viêm màng não vi rút. Bao gồm các loại vắc xin chống lại bệnh sởi và quai bị (MMR vắc xin) và thủy đậu (vắc xin varicella-zoster).
- Tránh vết cắn của muỗi và côn trùng khác mang bệnh có thể lây sang người.
- Diệt chuột hoặc các loài gặm nhấm quanh nhà thường xuyên.
Xem thêm: Hãy đề phòng bệnh viêm màng não ở trẻ em