Ý nghĩa ngày 20-11 bạn có thực sự hiểu rõ hay chưa? Và làm sao để truyền đạt cho trẻ hiểu rõ ý nghĩa ngày nhà giáo Việt Nam chính xác nhất? Đó là băn khoăn của khá nhiều bậc cha mẹ trong những ngày gần đây.
Thời gian này, câu chuyện quà tặng 20-11 cho thầy cô giáo đang được các mẹ bàn luận rất nhiều trên các diễn đàn. Có khá đông các phụ huynh không đồng ý thương mại hóa làm mất đi ý nghĩa ngày 20-11. Bên cạnh đó, cũng có không ít phụ huynh được nhiều người tán đồng khi họ đưa ra quan điểm chính đáng cho việc biếu phong bì cho thầy cô giáo.
Không phải ai cũng thích tiền
Chị N.N.T, nhà ngụ tại Q7 tâm sự: 20-11 năm ngoái khi vừa đến trường đón con, chị đã thấy con trai chị nước mắt ngắn, nước mắt dài, nhìn chị mà nói: Mẹ bảo ai cũng thích tiền nhưng cô giáo con sao lại không thích, cô trả lại phong bì cho con ngay trên lớp. Con bị các bạn trêu. Từ mai con không đến lớp nữa đâu.
Với suy nghĩ đơn giản như mọi năm tặng phong bì để thầy cô giáo có thể tự mình lựa chọn món quà mà họ yêu thích. Chị không ngờ cô giáo lớp 3 của con trai chị lại thẳng tính như vậy. Sau khi trả lại phong bì cho con trai chị mang về. Cô giáo vẫn gọi điện thoại để cảm ơn. Sau lần đó, chị T chợt suy ngẫm không biết từ khi nào bản thân chị lại bị xã hội hóa đến thực dụng như vậy.
Chị đã dùng tiền để thể hiện lòng biết ơn của mình đến thầy cô của con mình mà không đặt mình vào vị trí của họ để nghĩ rằng bản thân người thầy, người cô có thật đồng tình với việc chị làm hay không. Nếu năm ngoái, không có cô giáo dám mạnh dạn trả lại phong bì tiền cho con trai chị, có lẽ năm nay chị lại tiếp tục theo đường mòn của mà làm. Lúc đó chị mới ngộ nhận ra ý nghĩa ngày 20-11 thực sự là như thế nào.
Tặng tiền cũng là một ý tốt
Việc phụ huynh tặng tiền cho thầy cô giáo trong các dịp lễ như 8-3; 20-10; 20-11 không phải là điều sai trái. Với mức lương căn bản khá thấp, cuộc sống của đa số người làm nghề giáo cũng gặp nhiều khó khăn nên nhiều phụ huynh nghĩ đến việc tặng tiền vào các dịp lễ để giáo viên cải thiện cuộc sống cũng là một ý tốt.
Nhưng việc gì cũng có mặt trái của nó, phụ huynh dùng tiền thành quà tặng sẽ tạo thành thói quen không hay cho chính con mình. Trẻ sẽ vô tình hiểu rằng, tiền có thể giải quyết được mọi vấn đề.
Lâu dần sẽ khiến chúng trở nên vô cảm hơn với mọi việc. Trẻ sẽ không hiểu đúng ý nghĩa ngày 20-11, không hiểu được thế nào là truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt nam. Trong suy nghĩ non nớt của trẻ có thể sẽ hình thành ý niệm: “thầy cô mình cho mình kiến thức, cha mẹ mình cho lại phong bì vậy là sòng phẳng không ai nợ ai”.
Tệ hại hơn, khi chúng lớn lên cũng với suy nghĩ này chúng sẽ áp dụng lại với cha mẹ mình: “cha mẹ sinh mình ra, nuôi mình ăn học thành tài, mình dùng tiền kiếm được để báo hiếu cha mẹ. Khi cha mẹ già có thể dùng tiền để đưa họ vào viện dưỡng lão để có người chăm sóc. Khi cha mẹ bệnh có thể dùng tiền để thuê người chăm sóc họ”. Các mẹ có từng nghĩ đến hệ quả đằng sau chiếc phong bì mình tặng cho thầy cô giáo mỗi năm?
Tuy vậy, tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, người thì vô tư tặng, người lại vô tư nhận và không nhiều người can đảm từ chối như cô giáo của con trai chị T. Lâu dần xã hội sẽ không chỉ trở nên vô cảm mà còn tạo cơ hội cho nạn tham nhũng tự nhiên phát triển trong xã hội.
Còn rất nhiều món quà giá trị hơn tiền
Quay lại với câu chuyện của chị T, chị chia sẻ thêm: Rút kinh nghiệm của năm ngoái, năm nay chị bàn bạc cùng với một số phụ huynh của lớp không tặng quà hay biếu phong bì mà tặng cô giáo phiếu quà tặng là một chuyến du lịch biển Phan Thiết, 3 ngày 2 đêm cho hai người vào dịp hè.
Chị nghĩ món quà này không quá đắt tiền, lại thiết thực, mang giá trị tinh thần cao, đồng thời vẫn thể hiện được tấm lòng của chị cũng như các phụ huynh khác đến cô giáo.