Để giúp con giải quyết mâu thuẫn với giáo viên, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp can thiệp đúng đắn để tránh dẫn đến những hậu quả không đáng có
Hẳn cô bé cậu bé nào cũng từng nhớ lời bài hát mình từng nghêu ngao một thuở “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền…”, vì thế mà giáo viên là những người đáng nhận được sự tôn trọng và ngưỡng mộ của học sinh và phụ huynh.
Tuy nhiên, đôi khi giữa con trẻ và giáo viên sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn. Lúc này, câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh băn khoăn có lẽ là “Tôi nên can thiệp vào chuyện này khi nào?”. Để giải giúp con giải quyết mâu thuẫn với giáo viên, trong một số trường hợp bạn cần phải thay mặt con trẻ lên tiếng, đặc biệt là khi giáo viên cố tình làm trẻ xấu hổ trước mặt các bạn học khác, hoặc khi con bạn đã rất nhiều lần lên tiếng cần sự trợ giúp từ giáo viên nhưng lại không được đáp ứng.
Lúc này, bạn cần gặp giáo viên của con để giải thích vấn đề mà con bạn đang gặp phải. Cần hạn chế sự trách móc hoặc dùng từ xúc phạm đến giáo viên. Hãy để giáo viên của con kể lại câu chuyện, vì đôi khi việc nghe từ một phía ở con sẽ không khách quan. Đây là một vấn đề mà nhiều bậc cha mẹ hay “bỏ quên”, vì họ quá thương con nên khi nghe trẻ nói gì họ cũng tin mà không chịu tìm hiểu ngọn ngành sự việc và dẫn đến hậu quả là ảnh hưởng đến cả trẻ lẫn giáo viên của trẻ.
Nếu chuyện không có gì lớn thì bạn hãy để con trẻ tự giải quyết vấn đề của bản thân. Bởi vì, trẻ lúc này đã đủ lớn để xử lý những vấn đề nhỏ của mình. Hãy cho trẻ lời khuyên chứ đừng giúp trẻ giải quyết vấn đề. Một trong những bài học mà trẻ cần phải biết đó là cha và mẹ không phải lúc nào cũng có thể giúp con làm hết tất cả mọi thứ.
Khi con mâu thuẫn với giáo viên khá nghiêm trọng thì cách tốt nhất để bắt đầu cuộc trò chuyện cùng giáo viên về vấn đề đó là “Vậy tôi có thể làm gì?” . Câu hỏi này sẽ làm cho giáo viên hiểu rằng bạn không có ý mong chờ giáo viên giải quyết vấn đề này một mình.
Trong trường hợp vẫn không thể giải quyết được vấn đề, bạn có thể tìm đến giáo viên phụ trách của trường, phó hiệu trưởng… như một người trung gian để giải quyết vấn đề. Hoặc trong trường hợp vẫn không giải quyết được vấn đề thì có thể bạn nên nói trực tiếp với hiệu trưởng trường.
Để giúp trẻ giải quyết mâu thuẫn với giáo viên, mẹ có thể tìm gặp giáo viên, hiệu trưởng…
Bạn cũng cần lưu ý là hãy thận trọng trong lời ăn tiếng nói của mình. Dù cho bạn đang suy nghĩ không hay về giáo viên của trẻ thì cũng không nên để trẻ nhận thấy điều đó. Hãy tôn trọng giáo viên của con bởi vì họ có thể sẽ đối xử với con bạn như cách mà bạn đối xử với họ.
Khi con tỏ vẻ không thích một giáo viên nào đó. Hãy nhắc nhở trẻ rằng trẻ sẽ có nhiều giáo viên trong suốt của đời và rằng không phải giáo viên nào cũng hợp với tính cách của trẻ. Hãy giúp trẻ nhận ra rằng trẻ có thể học hỏi được nhiều điều từ những phong cách khác nhau của giáo viên. Hoặc khi trẻ nói với bạn rằng “cô giáo không thích con” thì hãy hỏi trẻ để đưa ra một số ví dụ cụ thể. Sau đó bạn có thể xác định xem trẻ có đang phóng đại vấn đề hay không để tìm cách giải quyết phù hợp. Khi con bạn ghét một giáo viên nào đó và tin rằng giáo viên cũng ghét trẻ thì điều này có thể làm cho tất cả mọi người cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy, hãy cố gắng để nói chuyện với con để tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn đó. Hãy thể hiện rằng bạn luôn quan tâm đến cảm xúc của trẻ ngay cả khi trẻ đang gặp khó khăn nhất.