Lòng tự trọng giúp trẻ vị thành niên đối mặt với tất cả các thử thách, sự đau khổ và duy trì cảm giác hài lòng, hạnh phúc. Vì vậy, việc giúp con xây dựng lòng tự trọng là một việc rất quan trọng đấy cha mẹ ạ.
Biểu hiện của những trẻ có lòng tự trọng thấp
Chúng ta thường dùng các từ “lòng tự trọng cao”, “lòng tự trọng thấp” để chỉ sự tự đánh giá về giá trị của mỗi người. Khi một người có lòng tự trọng cao, họ thường nhìn cuộc sống theo góc nhìn tích cực, nhìn thấy giá trị tiềm năng của bản thân. Lòng tự trọng thấp làm cho người ta cảm thấy rằng tất cả mọi thứ họ làm trong cuộc sống đều thất bại và rằng họ luôn luôn bị thiệt thòi, bị đối xử bất công.
Lòng tự trọng giúp chúng ta đối mặt với tất cả các thử thách, sự đau khổ và duy trì cảm giác hài lòng, hạnh phúc. Lòng tự trọng cũng có thể bị ảnh hưởng rất lớn bởi những sự kiện xảy ra trong cuộc đời. Nhiều tình huống có thể góp phần tạo nên lòng tự trọng thấp ở trẻ vị thành niên như: cha mẹ ly hôn, rối loạn học tập, thiếu bạn bè, bệnh tật, bị lạm dụng (về thể chất lẫn tinh thần), cha mẹ ốm đau, người thân mất…
Những trẻ vị thành niên có lòng tự trọng thấp thường cần sự chấp nhận từ bạn bè nhiều hơn, dễ dàng bị ảnh hưởng bởi áp lực tiêu cực từ bạn bè và có khả năng bị trầm cảm, rối loạn ăn uống, nghiện rượu, ma túy nhiều hơn những trẻ có lòng tự trọng cao. Trẻ có lòng tự trọng thấp thường có những biểu hiện như:
- Từ bỏ những trò chơi hay nhiệm vụ khi trẻ bắt đầu cảm thấy thất vọng
- Tránh né các nhiệm vụ hoặc thử thách, lo sợ bị thất bại
- Gian lận hoặc nói dối khi thua một trò chơi hay thể thao
- Có những hành vi thoái lui: hành động thiếu suy nghĩ hoặc hành động như trẻ con
- Thường hống hách hoặc khó nghe lời, để bù đắp cho cảm giác thiếu tự tin
- Hợp lý hóa những sai lầm và thiếu sót của mình bằng cách đổ lỗi cho người khác
- Quy cho những thành công trong cuộc sống của trẻ là do sự may rủi hoặc do số phận, chứ không phải là sự cố gắng và khả năng của bản thân.
- Không có hứng thú học tập hay thiếu quan tâm đến các hoạt động thường ngày
- Ít đi chơi với bạn bè
- Cảm xúc thất thường, như là buồn bã, khóc lóc, có nhiều cơn tức giận, thất vọng hoặc thờ ơ.
- Có khuynh hướng tự chỉ trích bản thân hoặc có những suy nghĩ tiêu cực như là “Con không thể làm tốt việc này”, “Không ai thích con cả”, “Con là người ngu ngốc” .
- Khó chấp nhận sự chỉ trích hay tâng bốc từ người khác.
- Cực kì quan tâm và nhạy cảm với việc người khác nghĩ gì về mình.
Hầu hết trẻ em đều thể hiện những hành vi này, nhưng tùy vào thời kì và tình huống cụ thể mà cha mẹ có thể xem xét có phải con có lòng tự trọng thấp hay không. Nhưng nếu trẻ ở tuổi vị thành niên thường xuyên hành động như vậy thì có lẽ cha mẹ cần giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng và phát triển chúng.
Giúp trẻ xây dựng và phát triển lòng tự trọng
Không chỉ giúp trẻ vị thành niên xây dựng lòng tự trọng, mà cha mẹ còn phải giúp trẻ phát triển tốt lòng tự trọng của mình nữa. Để làm được điều này, cha mẹ không nên tập trung vào các hành vi tiêu cực của trẻ mà nên tìm cách giúp trẻ hiểu thêm về bản thân. Dưới đây là một số bước để giúp con xây dựng và phát triển lòng tự trọng, cha mẹ có thể tham khảo:
- Nhấn mạnh điểm mạnh của trẻ, như là cách trẻ thể hiện cảm xúc và suy nghĩ, cách trẻ đánh giá, những kĩ năng mà trẻ có, những tiến bộ của trẻ.
- Tập trung vào những gì trẻ đã làm được và chúc mừng con, nhắc nhở con hàng ngày về những việc con đã làm tốt và khuyến khích con tiếp tục.
- Giúp trẻ trong độ tuổi vị thành niên thực tế hơn và chấp nhận rằng không ai hoàn hảo cả.
- Dạy con biết lạc quan khi thất vọng, coi như đó là cơ hội để hiểu rõ bản thân và phát triển.
- Giúp con tìm được những người sẵn sàng lắng nghe khi con cần.
- Khen ngợi con nhiều hơn: Không chỉ khen những gì con làm được mà khen ngợi cả những nỗ lực của con cho dù kết quả không được như mong đợi. Cha mẹ hãy khuyến khích để trẻ cảm thấy tự hào về bản thân. Niềm tự hào cần được xây dựng từ bên trong trẻ chứ không phải là tự hào nhờ phản ứng của mọi người. Tuy nhiên, trẻ vị thành niên có lòng tự trọng thấp thường ngại ngùng khi được khen ngợi. Nếu con bạn cũng cảm thấy như vậy thì đừng khen con quá nhiều vì trẻ sẽ cảm thấy đó là giả dối, rằng cha mẹ chỉ cố gắng làm trẻ cảm thấy tốt hơn thôi.
- Chê con khi cần thiết và có tính xây dựng, đừng bao giờ làm trẻ tổn thương hay hạ thấp bản thân trẻ. Thay vì cha mẹ nói: “Sao mà con cứ làm sai bài kiểm tra Hóa hoài vậy?” thì hãy nói: “Con gần có câu trả lời rồi. Chỉ cần học thêm nhiều hơn một chút, mẹ tin chắc lần sau con sẽ làm tốt hơn.”
- Hỏi ý kiến của con: Thanh thiếu niên không hề thiếu ý tưởng. Do đó, cha mẹ nên hỏi ý kiến của con về những vấn đề thường ngày trong cuộc sống, như là mua một chiếc ghế bành cho phòng khách chẳng hạn. Điều này sẽ khiến trẻ vị thành niên cảm thấy tuyệt vời và hãnh diện vì được đối xử như một người trưởng thành.
- Khuyến khích con trẻ trau đồi tài năng và sở thích của mình: mỗi người đều giỏi ở một lĩnh vực nào đó, và mỗi người cần giỏi ở một lĩnh vực nhất định. Hãy để con bạn theo đuổi đam mê, bất kể đó là gì. Thậm chí những sở thích mà bạn cho là ngớ ngẩn có thể giúp con bạn thành công và được bạn bè chấp nhận.
Việc ủng hộ sở thích của con sẽ không ảnh hưởng đến việc học. Nếu cha mẹ đồng ý cho trẻ vị thành niên theo đuổi sở thích của mình, điều đó sẽ giúp trẻ tìm được những cách thức tích cực trong việc xây dựng lòng tự trọng và khám phá bản sắc của mình. Khi trẻ theo đuổi những sở thích lành mạnh như nhảy, chơi đàn, chơi thể thao,… có thể giúp con tránh xa những trò tiêu khiển nguy hiểm.
Tuy nhiên, cha mẹ hãy xem xét đó có phải sở thích nhất thời của trẻ hay không nhé. Chỉ khi trẻ chứng minh được đó là một lời cam kết nghiêm túc thì bạn có thể mua những thiết bị đắt tiền cho con.