Bước vào tuổi thanh thiếu niên, trẻ tách dần khỏi cha mẹ và trở nên độc lập hơn, có những thứ trẻ chỉ muốn giữ cho riêng mình. Vì vậy, cha mẹ cần tôn trọng quyền riêng tư của con cái, vẫn quan tâm con, nhưng cũng phải để cho trẻ không gian riêng để trẻ tự khám phá bản thân mình nữa nhé!
Dạo gần đây chị Mai đâm ra ngán ngẩm khi bé Thảo dán ngay trước cửa phòng mình một tấm bảng to tướng với các dòng chữ như đập vào mắt người nhìn.
“Xin ba mẹ hãy tôn trọng quyền riêng tư của con!
- Gõ cửa trước khi vào phòng.
- Không lên facebook của con.
- Không lục lọi cặp sách, sách vở, thư từ.
- Không tra hỏi về bạn bè của con.”
Chị đâm ra hoang mang không hiểu hai vợ chồng mình đã làm gì sai mà con nỡ đối xử như vậy với mình. Là người mẹ, hành động của con khiến chị đau xót vô cùng. Bé Thảo còn dành phần lớn thời gian trong phòng và khóa trái cửa lại. Chị càng đâm ra lo lắng, không hiểu con bé làm gì trong đó mà lâu thế, lại còn khóa cửa nữa chứ, cứ như đang làm điều gì mờ ám lắm. Chị sợ con mình bị trầm cảm nhưng bé Thảo chỉ nói là con muốn được là chính mình và có sự riêng tư.
Thật ra đối với thanh thiếu niên, việc trẻ thường xuyên ở một mình trong phòng riêng không có nghĩa là trẻ có dấu hiệu của trầm cảm. Phòng ngủ là không gian riêng, là nơi ẩn náu an toàn cho trẻ sau một ngày dài đầy áp lực mà trẻ phải đối mặt, cũng như là nơi để trẻ tự do khám phá bản thân. Do đó, cha mẹ cần nắm được tâm lý của trẻ ở độ tuổi này và có những cách cư xử không làm mếch lòng trẻ, đồng thời vẫn làm cho trẻ gắn bó với bạn và trẻ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
Tôn trọng quyền riêng tư của con cái
Các bậc cha mẹ nên tôn trọng quyền riêng tư của con cái. Nếu cửa phòng của trẻ đóng, bạn hãy gõ cửa và đợi sự đồng ý của trẻ trước khi vào phòng, mọi người trong nhà cũng nên tuân theo quy tắc này. Còn gì làm trẻ xấu hổ hơn nếu bạn bước vào phòng và thấy trẻ đang đánh một cây đàn ghita tưởng tượng theo một bài hát trên radio hay đang tập hôn với một cái gối… Bạn không biết, trẻ cũng không muốn bạn biết những điều trẻ làm trong thế giới bí mật của chúng.
Hãy tôn trọng quyền riêng tư của con cái nhé!
Ngoài ra, các trẻ ở lứa tuổi vị thành niên cũng có quyền được giữ sự riêng tư về mặt cảm xúc. Các bậc cha mẹ cũng nên tôn trọng quyền riêng tư của con, không nên cố gắng khai thác những điều mà trẻ hoàn toàn không muốn chia sẻ. Điều này không có nghĩa là bỏ rơi trẻ mà hãy luôn theo sát để biết được những gì đang xảy ra xung quanh trẻ.
Một số trẻ khi được cha mẹ quan tâm thì sẽ gắt gỏng lên rằng “Mẹ đừng xen vào chuyện của con nữa”. Nhưng tự sâu thẳm tâm hồn trẻ sẽ nghĩ rằng “Tại vì mẹ hỏi con những chuyện quá riêng tư hoặc có những chuyện làm con xấu hổ khi chia sẻ cùng mẹ. Nhưng thật ra con rất vui vì biết mẹ vẫn luôn quan tâm và yêu thương con”.
Cách giải quyết ngắn gọn mà hiệu quả nhất là bạn nên nói với trẻ rằng “Nếu con không muốn chia sẻ với mẹ ngay lúc này thì cũng không sao cả, nhưng nếu bất kì lúc nào con cần thì mẹ sẽ luôn ở đây để lắng nghe con”. Lúc này trẻ có thể sẽ mở lòng ra và sẽ giải bày tâm sự cùng bạn.
Ngoài ra, việc tôn trọng quyền tư và không tò mò chuyện của con cũng là cách ứng xử tốt để xây dựng niềm tin ở con bạn. Điều này sẽ giúp con bạn cảm thấy cha mẹ luôn tôn trọng quyền riêng tư của mình và sẽ dần chia sẻ những điều thầm kín với cha mẹ đấy.
Luôn theo sát trẻ nhưng không tò mò
Nếu bạn là người thường xuyên lục tủ đồ, ngăn kéo trong phòng mỗi khi con đi vắng để xem con đang cất giữ vật gì bí mật hay thư từ gì không, hay thường xuyên kiểm tra điện thoại để xem con thường nói chuyện, nhắn tin với số điện thoại nào,… Đó không chỉ là việc làm của nhiều bà mẹ khi muốn kiểm soát con cái mà một số ông bố đôi khi cũng làm như vậy. Dù biết rằng cha mẹ chỉ muốn tốt cho con cái nhưng bạn có biết không trẻ sẽ tổn thương ghê lắm nếu biết cha mẹ chẳng tôn trọng quyền riêng tư của mình. Có lẽ sẽ rất kinh khủng với trẻ. Hãy tự đặt mình vào vị trí của trẻ và hãy nghĩ nếu ai đó cũng làm những việc này với bạn, bạn sẽ như thế nào?
Điều quan trọng cha mẹ hãy tôn trọng quyền riêng tư của con cái, và nếu muốn kiểm soát được hành vi của con thì hãy thể hiện sự quan tâm, tôn trọng con bằng cách luôn bên cạnh nhưng không quá tò mò về cuộc sống riêng tư của con.
Có thể người làm cha mẹ sẽ khó chấp nhận việc một phần cuộc sống của trẻ đã tách rời khỏi bạn. Khi con còn nhỏ, dù con ở đâu, chơi với ai, làm gì bạn cũng có thể biết được. Tuy nhiên, khi trẻ bước vào cấp 2 hay cấp 3, lúc này trẻ chơi với rất nhiều bạn và cha mẹ không biết gì nhiều hơn ngoài cái tên của chúng. Trẻ có thể đi đến một số nơi vô cùng xa lạ mà chỉ chia sẻ rất ít thông tin cho cha mẹ biết.
Việc trẻ có bạn bè và hay tham gia các hoạt động ngoài phạm vi ảnh hưởng của cha mẹ là một điều lành mạnh. Tuy nhiên, điều làm cho các bậc cha mẹ trở nên khó xử là làm thế nào để tránh xâm phạm vào quyền riêng tư của trẻ mà vẫn có thể biết được những điều trẻ đang làm.
Cách tốt nhất là hãy tìm mọi cách để giữ cho trẻ trong tầm kiểm soát của bạn nhiều nhất có thể bằng cách cho trẻ dẫn bạn về nhà chơi. Bạn hãy luôn chào đón, có thái độ niềm nở đón tiếp bạn của con, trữ nhiều đồ ăn trong tủ lạnh… Trẻ có xu hướng sẽ không đến chơi ở nhà ai mà chúng cảm thấy rằng người lớn không chào đón họ.
Tất nhiên bạn có thể sẽ cảm thấy đôi chút phiền toái khi đám trẻ con đến chơi nhà nhưng hãy nghĩ rằng đây chỉ là một sự hy sinh nho nhỏ để giúp bạn và con cái gắn kết với nhau. Điều này không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về con mà còn là cơ hội giúp bạn biết về những người bạn của con nữa.
Hãy đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu và cảm thông với những suy nghĩ và việc làm của con, khi đó bạn sẽ có cách nuôi dạy con cái tốt hơn ấy. Chúc bạn thành công!