Khi con bạn có rối loạn lo âu xã hội hay ám ảnh sợ xã hội, ngoài sự trợ giúp từ các nhà chuyên môn, bạn cũng có thể hỗ trợ trẻ bằng nhiều cách, trong đó, khích lệ trẻ và tránh chê bai con là những việc quan trọng mà cha mẹ cần nhớ.
Nếu con bạn đang trải qua những lo âu của ám ảnh sợ xã hội, trẻ sẽ mong đợi sự trợ giúp và động viên từ bạn. Bạn có thể làm được rất nhiều thứ cho con, như:
- Chuẩn bị trước cho con những tình huống khiến con cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi. Thực hành trước tình huống đó ở nhà và thử làm những điều con có thể để giúp cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.
- Đừng bắt con bạn phải nói chuyện hoặc làm gì đó trước mặt những người khác. Khi có thêm những người khác, hãy tránh nói những câu như “Đến đây nào. Con chào cô đi. Đừng rụt rè như thế chứ!”.
- Nếu con bạn đang phải xoay sở để chế ngự điều gì đó mà thường làm trẻ cảm thấy lo lắng – như nói chuyện qua điện thoại – thì hãy công nhận sự nỗ lực đó của trẻ bằng những lời khen và sự khích lệ. Hãy nói với con rằng, bạn thực sự tự hào vì những cố gắng hết mình của con, và mô tả thật chi tiết những nỗ lực của con. Nếu có người khác đang ở đó, hãy khen ngợi trẻ một cách kín đáo và khen lớn khi chỉ còn lại bạn với con.
Công nhận và khen ngợi những nỗ lực của con
- Nếu con bạn có phản ứng lo âu đối với một tình huống, thì bạn cùng đừng lo lắng. Hãy thử cho trẻ đối mặt lại với tình huống đó lần nữa vào thời điểm khác với sự chuẩn bị kĩ càng hơn. Đừng trách phạt hay quở mắng nếu con bạn vẫn “thất bại”.
- Hãy nói chuyện với con về nỗi lo âu đồng thời giúp trẻ hiểu được những gì bạn sẽ làm để hỗ trợ trẻ. Bằng cách này, những người khác trong môi trường tương tác của trẻ cũng có thể cung cấp cho trẻ sự trợ giúp phù hợp.
- Nhẹ nhàng khuyến khích con tham gia vào các tình huống xã hội và bắt đầu những hoạt động mới lạ. Việc né tránh những tình huống xã hội có thể khiến cho tình trạng của chứng ám ảnh sợ xã hội của con bạn trở nên tồi tệ hơn.
- Dù bạn có cảm thấy thất vọng thế nào đi nữa, cũng đừng chỉ trích con hoặc có thái độ tiêu cực với những khó khăn của con trong các tình huống xã hội.
- Hãy kể cho con nghe về những lần mà bạn từng cảm thấy lo lắng khi đối diện với những tình huống xã hội. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu được rằng mọi chuyện đều ổn nếu được thảo luận về những cảm giác lo âu. Trẻ sẽ cảm nhận được sự thấu hiểu và động viên từ bạn.
- Hãy đọc sách hoặc tự tạo ra những câu chuyện nói về sự rụt rè, nạn bắt nạt và lòng tự trọng cho con bạn nghe. Ví dụ, “Ngày xửa ngày xưa, có một chú vịt nhỏ không thích bơi giống như những con vịt khác. Một ngày nọ, chú bắt đầu cảm thấy lo sợ bị người khác chê cười.”… Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy được mình không đơn độc trong nỗi lo lắng và sợ hãi về các tình huống xã hội.
Khuyến khích con đọc sách
- Cố gắng thực hiện những việc làm đúng để nuôi dưỡng lòng tự trọng của con bằng cách khen ngợi và dành cho con thật nhiều sự quan tâm tích cực.
- Tránh nói con là “một đứa bé nhút nhát”. Nếu những người khác bình luận về hành vi của con trong các tình huống xã hội, thì bạn có thể nói những câu chẳng hạn như “Thực ra bé rất dễ gần với những ai thân thuộc với bé”.
Chỉ bạn là người hiểu rõ con mình nhất. Nếu bạn lo lắng về chứng ám ảnh sợ xã hội của con và cảm thấy rằng nó đang làm ảnh hưởng đến sự thoải mái trong cuộc sống của con, thì hãy tìm đến sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn, như là:
- Chuyên viên tư vấn học đường
- Bác sĩ điều trị của con hoặc bác sĩ nhi (người này có thể giới thiệu con bạn đến chuyên gia tâm lý trẻ em)
- Trung tâm sức khỏe cộng đồng hoặc nhi khoa ở địa phương
- Phòng khám chuyên khoa về rối loạn lo âu (thường là phòng khám hoặc khoa tâm thần nhi của các bệnh viện).
Với những sự gợi ý trên, hy vọng bạn sẽ có thêm niềm tin để đồng hành và giúp đỡ những thiên thần nhỏ của mình vượt qua được nỗi sợ hãi do ám ảnh sợ xã hội mang lại nhé.
Xem thêm: Điều trị ám ảnh sợ xã hội