Tuy lo lắng về chất lượng vacxin nhưng các bố mẹ trên cả nước vẫn cố gắng tiêm phòng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đúng theo lịch tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam. Chúng mình cùng tìm hiểu một số thắc mắc thường gặp trong quá trình đưa con đi tiêm nhé!
Nên đưa con đi tiêm vacxin theo lịch tiêm chủng vào buổi sáng hay buổi chiều?
Bạn nên tiêm phòng cho trẻ sơ sinh vào buổi sáng là tốt nhất bởi nếu tiêm vào buổi chiều, mẹ sẽ rất vất vả nếu trẻ xảy ra các phản ứng xấu như khóc quấy, sốt vào ban đêm. Trẻ nhỏ cũng vậy.
Cơ sở tiêm phòng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ làm gì?
- Khám phân loại trước khi tiêm để: hoãn tiêm cho trẻ bị sốt hoặc nhiễm trùng cấp tính, không tiêm cho trẻ đã từng xảy ra phản ứng mạnh với liều vacxin cùng loại.
- Tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất về bảo quản và sử dụng vacxin
- Kiểm tra nhãn, hạn sử dụng, chỉ thị nhiệt độ của lọ vacxin
- Đối với vacxin pha hồi chỉnh: Y tá tiêm phải dùng đúng loại dung môi của nhà sản xuất cho mỗi loại vacxin; Vacxin đã pha hồi chỉnh BCG chỉ sử dụng trong vòng 4h, vacxin sởi chỉ sử dụng trong vòng 6h.
- Người tiêm cần rửa tay bằng xà phòng trước khi tiêm
- Sử dụng bơm kim tiêm vô trùng còn hạn sử dụng cho mỗi mũi tiêm
- Lắc đều lọ vacxin trước khi sử dụng
- Không hút sẵn vacxin vào bơm tiêm
- Không lưu kim tiêm ở nắp lọ vacxin
- Giữ trẻ đúng tư thế khi tiêm
- Tiêm đúng vị trí, đúng kĩ thuật
- Không đậy nắp kim tiêm sau sử dụng mà bỏ ngay vào hộp an toàn.
Có rất nhiều điều cần lưu ý khi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh và trẻ em.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ sau khi tiêm chủng, bố mẹ cần làm gì?
- Đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng thời gian, địa điểm đã được thông báo để đảm bảo điểm tiêm chủng không quá đông và cán bộ y tế thuận tiện thực hành tiêm chủng cho trẻ, nhất là các bé sơ sinh được an toàn.
- Mang theo sổ tiêm chủng cá nhân cho trẻ, nhất là bé sơ sinh.
- Chủ động đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi tiêm.
- Chủ động thông báo cho y tá, bác sĩ về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt, tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoăc có bất thường gì khác.
- Yêu cầu các cán bộ y tế thông báo về các loại vacxin tiêm chủng cho trẻ và hướng dẫn theo dõi trẻ sau tiêm chủng.
- Quan sát loại vacxin sẽ tiêm cho con mình theo lịch tiêm chủng mở rộng hay tiêm chủng dịch vụ.
Trong quá trình tiêm vacxin cho trẻ, bố mẹ cần quan sát những gì?
Mẹ nên chú ý quan sát kỹ:
- Vacxin của con có được lấy nguyên hộp từ tủ lạnh không hay đã mở sẵn trước đó?
- Hạn sử dụng của vacxin, tên và nước sản xuất vacxin. Bố mẹ có thể giữ lại vỏ thuốc để nếu có xảy ra phản ứng phụ sau khi tiêm còn kiểm tra được.
- Ống nước pha và quy trình pha thuốc của y tá thực hiện tiêm có đúng không.
Bố mẹ có thể phát hiện sớm những phản ứng sau tiêm chủng cho trẻ không?
- Sau khi tiêm chủng, trẻ cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.
- Trong vòng 1 ngày sau khi tiêm, các mẹ cần theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà về các dấu hiệu sau: toàn trạng, tinh thần, ăn ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm. Cần chú ý đo thân nhiệt để xem trẻ có bị sốt sau khi tiêm hay không.
- Cho trẻ bú nhiều hơn, hoặc uống bổ sung nhiều nước hơn bình thường
- Không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.
- Khi trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát, chỉ dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. Nếu trẻ vẫn không hạ sốt, mẹ cần nhanh chóng đưa rẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Trước khi rời phòng tiêm, mẹ cần hỏi bác sĩ những gì?
Các mẹ nên đặt các câu hỏi:
- Bé có thể bị các tác dụng phụ nào?
- Tôi nên làm gì nếu bé xuất hiện các tác dụng phụ đó?
- Dấu hiệu nào đáng lo?
- Khi nào con tôi tiêm phòng mũi tiếp theo và ghi lịch những liều đã và sắp tiêm cẩn thận.
Những biểu hiện nào sau tiêm chủng là bất thường? Và khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?
Cần đưa trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế ngay nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như:
- Sốt cao trên 39°C
- Co giật
- Khóc thét hoặc quấy khóc kéo dài
- Bú kém, bỏ bú
- Khó thở, tím tái
- Ngủ li bì
- Phát ban
- Hoặc khi các phản ứng thông thường kéo dài quá 1 ngày.
Nếu bố mẹ không yên tâm về những phản ứng của con sau khi tiêm chủng có thể trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách theo dõi và chăm sóc trẻ.
Có thể trì hoãn việc tiêm vacxin cho con được không? Và trì hoãn trong bao lâu?
Bố mẹ nên cho con tham gia tiêm vacxin đúng theo thời hạn của lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Tuy nhiên, đúng là việc tiêm vacxin có thể trì hoãn. Trên thực tế, số lượng trẻ sơ sinh được tiêm đúng ngày là không nhiều. Nếu trẻ chưa được tiêm, mẹ có thể cho bé tiêm lùi lại sau. Tuy nhiên, bố mẹ nhớ đừng trì hoãn quá lâu và cần hỏi ý kiến bác sĩ cũng như thông báo thời gian muộn cụ thể của bé trước khi tiêm vì ở mỗi độ tuổi, số lượng mũi tiêm đối với từng loại vacxin có thể khác nhau.
Nếu lần đầu đưa con đi tiêm vacxin bị sốt thì lần sau có bị sốt không? Nếu có thì có nên đưa con đi tiêm tiếp không?
Việc trẻ bị sốt tùy thuộc vào nhiều yếu tố, do đó rất có thể mũi 1 con bị sốt nhưng mũi 2 sẽ không sốt nữa. Nói chung, mẹ vẫn nên đưa con đi tiêm, vì việc tiêm phòng sẽ giúp con giảm nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ nhỏ.
Có khi nào sau khi tiêm vacxin, vài ngày sau trẻ mới sốt?
Cũng có trường hợp, tiêm vacxin sau 5-12 ngày trẻ mới bị sốt: thông thường chứng sốt muộn này xảy ra sau khi tiêm phòng bệnh sởi, đôi khi tiêm phòng bệnh quai bị.
Tiêm nhiều loại vacxin cùng một lúc có làm tăng nguy cơ khiến trẻ bị ốm, sốt hay quá tải hệ miễn dịch không?
KHÔNG!
Khoa học đã chứng minh rằng tiêm cho trẻ nhiều loại vacxin cùng lúc không gây tác dụng phụ lên hệ miễn dịch của trẻ.
Nếu tiêm phòng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ lần đầu mà bị sốt thì lần sau bé sẽ không bị sốt nữa đâu mẹ ạ! Mẹ vẫn nên cho bé đi tiêm đúng lịch nhé!
Trẻ tiếp xúc với hàng trăm chất ở bên ngoài kích thích đáp ứng miễn dịch hàng ngày, cũng sản sinh ra kháng nguyên trong cơ thể và vi khuẩn sinh sống ở miệng và mũi. Trẻ tiếp xúc với kháng nguyên từ cảm cúm thông thường hoặc viêm họng nhiều hơn là từ vacxin.
Khi cho trẻ tiêm nhiều loại vacxin cùng một lúc, mẹ sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, trẻ cũng sẽ sớm hoàn thành lịch tiêm chủng và quan trọng là hạn chế số lần tiêm, vốn là điều trẻ rất sợ. Vì vậy, ngày nay khá nhiều thuốc tiêm chứa nhiều hơn một loại vacxin phòng bệnh như vacxin 5 trong 1, vacxin 6 trong 1. Tuy nhiên, việc kết hợp tiêm bao nhiêu loại vacxin 1 ngày hoặc 1 đợt phải theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.
Con tôi tiêm phòng vacxin 5 trong 1 mũi thứ nhất về chỉ hơi khó chịu cằn nhằn bứt rứt, mũi thứ hai thì bị sốt đến mũi thứ 3 thì không có biểu hiện gì cả. Vậy thuốc có tác dụng không?
Câu trả lời là CÓ. Sau tiêm vacxin 5 trong 1, nhất là vacxin Quinvaxim trong lịch tiêm chủng mở rộng, trường hợp trẻ không có biểu hiện sốt không có nghĩa là cơ thể trẻ không sinh miễn dịch phòng bệnh. Nếu con bạn được tiêm 3 mũi vacxin 5 trong 1 theo đúng lịch tiêm chủng thì khả năng con bạn được phòng bệnh đã lên đến 95% rồi.