Bệnh huyết áp cao khi mang thai, mẹ có thể bị sinh non, sinh nhẹ cân, thậm chí gây tiền sản giật hay nhiễm độc thai nghén đe dọa tính mạng của cả hai mẹ con đấy. Mẹ nên cẩn thận nhé!
Bệnh huyết áp cao khi mang thai khá nguy hiểm, đặc biệt nếu ở giai đoạn mãn tính có thể gây nhiều tổn hại từ nhẹ đến nặng cho thận và các cơ quan khác của cơ thể. Nếu bị cao huyết áp nặng khi mang thai, mẹ có thể bị sinh sớm, sinh nhẹ cân, thậm chí bệnh có thể gây tiền sản giật, hay nhiễm độc thai nghén đe dọa tính mạng của cả hai mẹ con. Trước khi muốn có con, mẹ cần biết về những nguy cơ và cách khắc phục để có một thai kỳ an toàn hơn nhé!
Dấu hiệu huyết áp cao khi mang thai
Phụ nữ lớn tuổi mang thai ngày càng nhiều và kéo theo đó là ngày càng nhiều mẹ huyết áp cao khi mang thai hơn. Khi mang thai mà mẹ bị huyết áp cao thì khả năng bé yêu gặp rủi ro sẽ cao hơn. Vì vậy, mẹ cần phải đi khám thường xuyên hơn và nỗ lực tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ. Việc kiểm soát huyết áp tốt và chăm sóc cẩn thận sẽ giúp mẹ có một thai kỳ an toàn và đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con, mẹ hãy khám bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu như:
- Đau đầu, đặc biệt khi cơn đau trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài.
- Tim đập nhanh bất thường, tức ngực.
- Chóng mặt.
- Sưng mặt hoặc bọng quanh mắt, sưng nhiều hoặc đột ngột ở mắt cá chân, bắp chân hoặc bàn chân.
- Tăng cân nhiều hơn 2kg/tuần.
- Thị lực thay đổi, mắt nhòe, song thị (nhìn 1 thành 2), thấy những vết lóa hoặc đốm, nhạy cảm với ánh sáng hoặc tạm thời mất thị lực.
- Vùng bụng trên bị đau dữ dội hoặc có cảm giác quá mềm.
- Buồn nôn hay ói mửa (trừ ốm nghén vào thời gian đầu thai kỳ).
Mẹ bị cao huyết áp khi mang thai cần lưu ý những vấn đề này nè:
- Có đội ngũ y tế giỏi: Bác sĩ theo dõi sức khỏe cho mẹ phải là người có nhiều kinh nghiệm với những với những trường hợp huyết áp cao khi mang thai.
- Giám sát y tế chặt chẽ: Bác sĩ có thể thăm khám mẹ thường xuyên hơn so với các mẹ khác và sẽ chỉ định nhiều xét nghiệm hơn. Cao huyết áp khi mang thai làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật cũng như nhiều biến chứng thai kỳ khác như sinh non, nhau bong non, hạn chế tăng trưởng trong tử cung và thai chết lưu, vì vậy bác sĩ sẽ đặc biệt chú ý và theo dõi mẹ trong suốt thai kì.
- Thư giãn: Thư giãn giúp làm dịu cảm xúc và tâm trạng của thai phụ, đồng thời lại đặc biệt hữu ích với mẹ nào đang bị cao huyết áp khi mang thai. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, những bài tập thư giãn có thể thực sự làm giảm huyết áp đấy.
- Sử dụng các phương pháp tiếp cận thay thế khác: Mẹ hãy thử bất cứ kỹ thuật CAM (phương pháp y tế bổ sung và thay thế) nào được bác sĩ khuyên, ví dụ như liệu pháp phản hồi sinh học (biofeedback), châm cứu và mát xa.
- Nghỉ ngơi nhiều: Gia tăng căng thẳng về cảm xúc lẫn tinh thần có thể làm tăng huyết áp, vì vậy không nên làm điều gì quá sức mẹ nhé. Thay vào đó, mẹ hãy nghỉ ngơi thường xuyên trong ngày (khi nghỉ nhớ kê chân lên cao một chút). Nếu mẹ có một công việc đòi hỏi áp lực cao và không thể nghỉ ngơi, hãy cân nhắc xem mẹ có thể xin nghỉ việc hay giảm giờ làm cho tới khi sinh con không. Hoặc nếu mẹ bận chăm sóc những đứa trẻ khác ở nhà thì hãy nhờ sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè càng nhiều càng tốt.
- Kiểm tra huyết áp: Mẹ có thể sẽ được yêu cầu để theo dõi huyết áp tại nhà đấy. Hãy thực hiện khi mẹ cảm thấy thư giãn và thoải mái nhất nhé. Để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh, mẹ nên mua cho mình một máy đo huyết áp tại nhà, hiện ở Việt nam hay bán máy đo huyết áp Omron khá nhỏ gọn và thuận tiện lắm.
- Chế độ ăn uống thích hợp: Nếu mẹ đang có một chế độ ăn uống lành mạnh dành cho thai phụ thì rất tốt. Nhưng nếu cần thì hãy điều chỉnh khẩu phần lại với sự giúp đỡ của bác sĩ sao cho hợp lý nhé. Ăn nhiều trái cây và rau củ, những thực phẩm ít hoặc không chứa chất béo từ các sản phẩm có nguồn gốc sữa và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp mẹ giữ huyết áp ổn định. Đặc biệt, trước khi mang thai, mẹ không nên ăn nhiều muối, tránh uống rượu, hút thuốc lá và hãy giảm cân nếu đang thừa cân rồi mới mang thai mẹ nhé.
- Uống nước đầy đủ: Uống ít nhất 8 ly nước một ngày sẽ giúp mẹ giảm các triệu chứng sưng nhẹ ở chân và mắt cá. Trong hầu hết các trường hợp, mẹ không nên dùng thuốc lợi tiểu nếu huyết áp cao khi mang thai.
- Chỉ uống thuốc theo toa: Trong thời gian mang thai, việc mẹ có phải thay đổi thuốc uống hay không sẽ dựa trên việc mẹ đang dùng loại thuốc gì. Một số thuốc được xem là an toàn đối với bà mẹ mang thai nhưng một số khác thì không. Vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ về bất cứ loại thuốc nào mẹ đang dùng hay dự định sẽ dùng trước hoặc trong thời gian mang thai.
Những chú ý sau sinh khi mẹ bị huyết áp cao
Nếu mẹ bị huyết áp cao khi mang thai thì sau khi sinh mẹ sẽ nằm trong nhóm có nguy cơ bị các biến chứng về hệ tim mạch. Vì vậy mẹ sẽ được theo dõi rất chặt chẽ, ít nhất là trong 48 giờ đầu sau sinh.
Ngoài ra, tiền sản giật có thể hình thành sau sinh, do đó hãy cho bác sĩ biết ngay nếu mẹ có các triệu chứng của tiền sản giật, ngay cả khi đã được xuất viện mẹ nhé. Qua đó, bác sĩ sẽ chỉ định cho mẹ việc bắt đầu dùng thuốc hạ huyết áp lại hay có sự điều chỉnh liều lượng thuốc nếu cần.
Nếu mẹ cho muốn con bú thì hãy cho bác sĩ biết sớm, vì điều này sẽ ảnh hưởng tới sự lựa chọn thuốc hạ huyết áp cho mẹ đấy. Duy trì lối sống lành mạnh, đặc biệt là chế độ ăn uống và cân nặng hợp lý, tránh thuốc lá và giới hạn uống rượu sẽ giúp rất nhiều cho sức khỏe của mẹ và bé yêu. Sau khi cơ thể mẹ hoàn toàn phục hồi, hãy hỏi bác sĩ loại hình thể dục thường xuyên nào là thích hợp nhất đối với mẹ nhé.