Chắp mắt ở trẻ em là một khối hoặc nang trên mí mắt của bé, chắp có thể bắt đầu là một nốt nhỏ và to lên bằng hạt đậu sau vài tuần. Khi tuyến sản xuất ra chất dầu ở vùng mi mắt (tuyến Meibomian) bị tắc nghẽn, chất dầu tụ lại dẫn đến hiện tượng viêm.
Trẻ bị chắp mắt thường có triệu chứng nào?
Chắp mắt là một bệnh không lây. Khi bị chắp mắt, các triệu chứng thường không giống nhau giữa các bé, nhưng một số triệu chứng chắp mắt ở trẻ em thường gặp bao gồm:
- Nốt sưng nhỏ mà bé có thể cảm nhận được ở vùng mí mắt
- Mí mắt sưng dần lên
- Cảm giác khó chịu ở mắt hoặc bị che khuất tầm nhìn nếu chắp lớn
- Thường không đau (trừ khi chắp bị nhiễm trùng).
Khá nhiều người nhầm lẫn giữa chắp mắt và lẹo mắt, đặc biệt là ở trẻ em khi các triệu chứng không rõ ràng, nhưng 2 bệnh này hoàn toàn khác nhau nhé!
Nguyên nhân gây chắp mắt ở trẻ em
Nguyên nhân gây ra chắp mắt ở trẻ em là do sự tắc nghẽn của một trong các tuyến Meibomian ở mí mắt. Sự tắc nghẽn này làm cho chất dịch mỡ tích tụ lại và làm cho tuyến này sưng lên thành một nang chứa dịch.
Chữa chắp mắt ở trẻ em khó hay dễ?
Nếu trẻ có một chắp nhỏ thì có thể tự khỏi trong một vài tuần hoặc vài tháng mà không cần điều trị. Tuy nhiên việc điều trị sẽ giúp chắp mau lành hơn. Nếu như chắp ở giai đoạn sớm bạn nên chườm nóng cho bé, việc chườm nóng sẽ khiến cho lớp dầu tắc nghẽn trong tuyến Meibomian mềm ra và làm thông đường đi của tuyến.
Điều trị nhiễm trùng chắp hoặc điều trị chắp lớn có thể được thực hiện với các bước như sau:
- Rửa tay bạn trước khi chạm vào vùng mắt bé để tránh việc nhiễm trùng. Rửa tay cho bé thường xuyên vì bé có thể sẽ vô ý dụi mắt.
- Giữ bé yên trên đùi sao cho bé thật thoải mái.
- Sử dụng gạc hoặc khăn sạch và nước thật ấm, đặt miếng gạc ấm và ướt lên mắt của bé trong thời gian khoảng 15 phút, làm nhiều lần trong ngày (ít nhất 4 lần) cho tới khi chắp lặn hẳn. Bạn nên thay nước liên tục để khăn lúc nào cũng ấm.
- Sau khi đắp ấm xong, bạn nên nhẹ nhàng xoa bóp vùng mắt xung quanh chắp để giúp tuyến bị tắc nghẽn dễ thông hơn, đừng cố nặn chắp ra.
- Bạn cũng có thể nhờ bác sĩ tư vấn về một số loại thuốc kháng sinh để nhỏ mắt hoặc bôi lên mí mắt cho bé nếu bé có dấu hiệu nhiễm trùng. Nhưng nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, tốt hơn bạn nên đưa bé đến bác sĩ.
Cách chữa chắp mắt ở trẻ em có quá khó?
Khi nào nên đưa bé đến bác sĩ?
Nếu như đã áp dụng những cách trên mà chắp mắt vẫn không hết hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, hãy đưa bé đến một bác sĩ chuyên về mắt.
Việc chẩn đoán chắp mắt khá đơn giản, chủ yêu dựa trên việc hỏi bệnh và thăm khám. Các xét nghiệm khác thường không cần thiết trong việc chẩn đoán.
Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ khám và quyết định có nên thực hiện các phương pháp điều trị khác cho bé hay không. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Tiêm steroid vào chắp. Có thể tiêm 1 hoặc 2 lần. Phương pháp này sẽ làm ngưng hiện tượng viêm và chắp mắt sẽ biến mất trong vòng 1 – 2 tuần.
- Phẫu thuật. Phương pháp này được cân nhắc sử dụng nếu như tiêm thuốc vào chắp không có tác dụng. Trừ phi chắp quá lớn làm ảnh hưởng đến chức năng nhìn của bé, nếu không bạn nên chờ đến khi bé lớn (bắt đầu đi học) và có thể ngồi yên để thực hiện phương pháp phẫu thuật với thuốc tê.
Nên thường xuyên vệ sinh mí mắt
Một khi đã bị chắp thì bé sẽ dễ bị tái phát. Một số bác sĩ cho rằng không thể phòng ngừa chắp ở những người có xu hướng hay bị bệnh về mắt, ví dụ như bé bị viêm bờ mi mạn tính sẽ dễ bị chắp hơn những bé khác.
Việc thường xuyên vệ sinh mí mắt (nhằm loại bỏ vi khuẩn và da chết để lỗ thông của các tuyến không bị tắc nghẽn) sẽ giúp phòng ngừa bệnh chắp mắt tốt hơn.