Khi mang thai tháng thứ 4, mẹ cần khám và kiểm tra một số yếu tố để xác định tình trạng sức khỏe của mẹ và bé yêu trong bụng. Ngoài ra, mẹ có thể phải làm thêm một số xét nghiệm khi mang thai tháng thứ 4 nữa đấy, tham khảo ngay nhé!
Cần khám những gì khi mang thai tháng thứ 4?
Mặc dù không nhất thiết và có thể thay đổi tùy thuộc vào những nhu cầu cụ thể của mẹ và phong cách khám của mỗi bác sĩ, tuy nhiên, mẹ sẽ được bác sĩ khám và kiểm tra những điều sau đây:
- Đo các chỉ số cân nặng và huyết áp
- Xét nghiệm nước tiểu đánh giá về lượng đường và protein
- Nghe tim thai
- Đánh giá kích thước của tử cung bằng cách sờ và cảm nhận ngoài da
- Đo chiều cao của tử cung (đáy tử cung)
- Khám bàn tay và bàn chân xem có sưng không, khám chân để xem có giãn tĩnh mạch chân không
- Các triệu chứng khác thường
- Ngoài ra bác sĩ còn có thể trả lời các câu hỏi hoặc vấn đề mà mẹ muốn thảo luận, vì vậy mẹ hãy chuẩn bị sẵn sàng một danh sách những điều mẹ muốn thảo luận với bác sĩ nhé.
Những xét nghiệm nào cần thực hiện khi mẹ mang thai tháng thứ 4?
Dưới đây là một số xét nghiệm khi mang thai tháng thứ 4 mẹ có thể được bác sĩ đề nghị thực hiện:
Siêu âm thai nhi: Thường được đề nghị bắt đầu từ tuần 16 đến tuần 20. Siêu âm sử dụng các sóng âm để tái tạo nên hình ảnh của em bé trong tử cung của mẹ, các hình ảnh này mẹ có thể nhìn thấy trên màn hình của máy siêu âm. Siêu âm được sử dụng để xác định tuổi thai và có thể kiểm tra xem có bất kỳ bất thường nào quan trọng hay không. Siêu âm cũng có thể xác nhận tình trạng song thai và vị trí chính xác của nhau thai. Siêu âm được làm tốt nhất khi bàng quang của mẹ ở tình trạng đầy nước tiểu.
Xét nghiệm alpha-fetoprotein (AFP) để xem có dị dạng ống thần kinh hay không có thể được đề nghị khi mẹ mang thai tháng thứ 4 (vào khoảng tuần thứ 16). Xét nghiệm này là bước tiếp theo của quá trình sàng lọc tầm soát kết hợp từ tam cá nguyệt thứ nhất (siêu âm đo độ mờ da gáy và xét nghiệm máu) mà mẹ đã được làm từ tuần 11 đến tuần 13. Xét nghiệm AFP ở tuần 16 định lượng nồng độ của AFP trong máu mẹ.
Nếu nồng độ AFP máu cao, điều này có thể mang ý nghĩa rằng tiến trình mang thai của mẹ đang tiến triển ở mức cao hơn so với đánh giá trước đó, chẳng hạn như mẹ có thể đang mang song thai hoặc hiếm hơn là em bé có thể bị tật nứt đốt sống.
Nếu nồng độ AFP máu thấp, điều này có thể mang ý nghĩa rằng tiến trình mang thai của mẹ chưa đạt đến mức tiến triển như đánh giá trước đó hoặc hiếm hơn là em bé bị hội chứng Down. Nếu nồng độ AFP máu bất thường, mẹ sẽ được đề nghị làm siêu âm chi tiết hơn để kiểm tra cột sống của em bé.