Một nguyên nhân bé bị tiêu chảy có thể là do nhiễm ký sinh trùng Giardia lamblia. Loại ký sinh trùng này bám vào thành ruột non ở người, từ đó ảnh hưởng đến quá trình hấp thu chất béo và carbonhydrate từ thức ăn.
Triệu chứng khi bé bị tiêu chảy do Giardia lamblia
Nhiễm ký sinh trùng Giardia lamblia là một trong những nguyên nhân chính khiến bé bị tiêu chảy. Hơn hai phần ba số người bị nhiễm bệnh không có dấu hiệu hay triệu chứng gì, mặc dù các ký sinh trùng vẫn đang sống trong ruột của họ.
Khi có triệu chứng thì bệnh thường bắt đầu với việc trẻ bị tiêu chảy toé nước, không có máu hoặc chất nhầy. Bệnh ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất béo của cơ thể từ thức ăn, vì vậy trong phân có chứa chất béo. Phân sẽ nổi trên mặt nước, bóng như mỡ và có mùi rất hôi.
Các triệu chứng khác khi nhiễm ký sinh trùng Giardia lamblia bao gồm:
- Đau bụng
- Ứ khí trong đường ruột
- Bụng bị phình to do khí
- Chán ăn
- Buồn nôn và nôn
- Đôi khi bé bị sốt nhẹ.
Những triệu chứng này có thể kéo dài 5 – 7 ngày hoặc lâu hơn. Nếu chúng kéo dài, bé có thể bị sụt cân hoặc có dấu hiệu suy dinh dưỡng.
Đôi khi, sau khi các triệu chứng của nhiễm ký sinh trùng Giardia lamblia cấp tính qua đi, giai đoạn nhiễm mạn tính sẽ bắt đầu. Các triệu chứng của nhiễm Giardia mạn tính bao gồm:
- Có khí trong đường ruột
- Đau bụng ở phía trên rốn
- Đi cầu phân sệt, không đóng khuôn.
Bé bị tiêu chảy do nhiễm ký sinh trùng Giardia
Nguyên nhân nhiễm ký sinh trùng Giardia lamblia
Việc nhiễm Giardia xảy ra khi bé vô tình nuốt phải ký sinh trùng. Điều này có thể xảy ra khi:
- Uống phải nước bị nhiễm. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của nhiễm giardia. Ký sinh trùng Giardia được tìm thấy trong các hồ, ao, sông, suối trên toàn thế giới, cũng như ở các nguồn nước, giếng, bể chứa nước, hồ bơi, công viên nước và spa. Nước ngầm và nước bề mặt có thể bị ô nhiễm từ nước thải nông nghiệp hoặc phân động vật.
- Ăn thực phẩm bị nhiễm. Ký sinh trùng Giardia có thể lây lan qua thực phẩm. Điều này có thể do người chế biến thức ăn bị nhiễm Giardia mà chưa rửa tay trước khi chế biến, hay do rau củ quả được tưới hay rửa bằng nước bị nhiễm Giardia. Nấu chín thực phẩm có thể giúp tiêu diệt ký sinh trùng.
Nhiễm ký sinh trùng Giardia lamblia phổ biến ở bé em hơn là ở người lớn vì bé em có nhiều khả năng tiếp xúc với phân, đặc biệt nếu bé mang tã, ngồi lâu trong nhà vệ sinh hoặc vui chơi tại một trung tâm chăm sóc bé em. Những người sống hoặc làm việc với bé nhỏ cũng có nguy cơ nhiễm Giardia cao.
Chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng Giardia lamblia
Để chẩn đoán, các bác sĩ sẽ kiểm tra phân của bé để tìm ký sinh trùng Giardia. Tuy nhiên, nếu muốn chính xác hơn, có thể bạn phải thu mẫu phân của bé ở nhiều thời điểm trong ngày. Ngoài ra phương pháp này còn dùng để theo dõi hiệu quả của việc điều trị.
Điều trị nhiễm ký sinh trùng Giardia lamblia
Để đảm bảo bé không bị mất nước, nên cho bé uống nhiều nước theo hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa. Ngoài ra, bạn có thể cho bé dùng thuốc hoặc các dung dịch pha tại nhà để giúp bé bù lại nước. Bác sĩ cũng sẽ kê toa thuốc (phổ biến nhất là metronidazole, furazolidone, hoặc nitazoxanide) để điều trị cho bé, thông thường trong vòng 5 – 7 ngày.
Nếu bé có ký sinh trùng Giardia trong phân nhưng không có triệu chứng gì thì không cần thiết phải điều trị.
Để mẹ không còn phải lo sợ bé bị tiêu chảy do nhiễm ký sinh trùng Giardia lamblia nữa
Để không còn phải lo bé bị tiêu chảy do nhiễm ký sinh trùng Giardia lamblia nữa, mẹ cần lưu ý những điểm sau:
- Tập cho bé rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước. Đồ chơi bé hay ngậm vào miệng nên được rửa sạch và khử trùng.
- Nên rửa sạch, gọt vỏ trái cây và rau quả tươi trước khi ăn.
- Không nên uống nước chưa qua xử lý từ các dòng suối, ao hồ, sông ngòi. Dùng nước đóng chai trong các chuyến đi cắm trại hoặc đun sôi và lọc nước trước khi uống.