Khi biết con có chứng khó đọc, cha mẹ có thể hỗ trợ con phát triển khả năng đọc của mình bằng nhiều cách khác nhau, như đọc thành tiếng mỗi ngày, để sách mọi nơi hay cổ vũ về mặt tinh thần cũng là một cách giúp trẻ.
Vì biểu hiện ở mỗi bé có chứng khó đọc có thể khác nhau nên không phải tất cả các cách thức mà mẹ áp dụng hỗ trợ cho bé đều phù hợp. Đừng hoang mang nếu kế hoạch đầu tiên mẹ thử không hiệu quả như mong đợi. Mẹ có thể phải thử nhiều phương pháp khác nhau để tìm ra điều gì là tốt nhất cho bé. Dưới đây là một vài phương pháp mẹ có thể thử tại nhà:
- Đọc thành tiếng mỗi ngày. Nếu bé quá nhỏ, mẹ hãy đọc sách ảnh (picture book) cùng bé. Đối với các bé tiểu học hoặc trung học, mẹ hãy cho bé đọc truyện. Các bé lớn hơn nữa, mẹ có thể cho bé đọc tiêu đề báo, tạp chí hoặc có thể là một công thức, biển quảng cáo, biển giảm giá ở cửa hàng, các cẩm nang hướng dẫn. Điều này có thể làm bé tập trung vào việc hiểu nghĩa và mở rộng nền tảng kiến thức tổng quát. Hãy làm việc này bất kì khi nào mẹ có cơ hội.
- Chú trọng đến sở thích của bé. Cung cấp đa dạng các loại sách cho bé, như truyện tranh, những câu chuyện thần bí, công thức làm món ăn và các bài báo về thể thao hoặc ngôi sao ca nhạc. Chọn mua những quyển sách hay, phù hợp với khả năng của bé.
- Dùng sách nói. Mua các đĩa CD nghe kèm theo sách về các chủ đề mà bé yêu thích. Việc vừa nghe vừa nhìn vào các từ trong sách có thể giúp bé học cách kết nối giữa âm thanh bé đang nghe với từ mà bé đang thấy.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ đắc lực từ các chương trình ứng dụng và công nghệ cao. Bộ xử lý từ và kiểm tra chính tả có thể giúp ích cho những bé đang gặp khó khăn trong việc đọc và viết chính tả. Đối với các bé lớn hơn, phần mềm nhận diện giọng nói có thể giúp giải quyết bài tập viết bằng cách để máy thực hiện theo lời nói thay vì phải gõ chữ ra. Cũng có nhiều chương trình ứng dụng và các trò chơi trực tuyến có thể giúp bé xây dựng các kỹ năng đọc.
- Quan sát và ghi chú. Hãy quan sát kĩ và ghi chú lại những hành vi của bé để biết được những thói quen của bé, từ đó có thể đưa ra hướng giúp đỡ bé thích hợp. Ngoài ra, những ghi chú của mẹ cũng sẽ có ích khi mẹ muốn nói chuyện với giáo viên, bác sĩ hoặc các chuyên gia khác về chứng khó đọc của con.
- Tập trung vào sự nỗ lực, không phải là kết quả. Hãy luôn khen ngợi những nỗ lực của bé và nhấn mạnh rằng mọi người đều có thể mắc lỗi, kể cả bé. Thêm vào đó, mẹ có thể cho bé những cái ôm hoặc đặt ra các phần thưởng khác, ngay cả khi bé chỉ tiến bộ một chút ít.
- Đặt mình vào vị trí của bé. Hãy giao tiếp với bé bằng mắt, thông qua đó có thể phần nào hiểu được vấn đề mà bé đang gặp phải, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là sự cảm thông với những điều mà bé đang phải trải qua. Những điều này có thể làm bé thêm tự tin để tìm ra phương pháp luyện tập hiệu quả nhất.
- Để sách mọi nơi. Mẹ hãy để ít nhất một vài quyển sách hoặc tạp chí (những quyển mà mẹ nghĩ rằng bé có thể có hứng thú để đọc) ở tất cả các phòng trong nhà (bao gồm cả phòng tắm). Mang một quyển sách khi mẹ ra ngoài, đi ăn uống hay dã ngoại, và đọc cho mọi người trong gia đình nghe để các thành viên và bé có thể cùng nhau thảo luận về quyển sách đó. Kết hợp các trò chơi sáng tạo khác để khuyến khích bé đọc và viết tại nhà để cải thiện chứng khó đọc của bé.
- Tăng sự tự tin. Mẹ hãy cố gắng tìm ra và phát triển những sở thích cũng như những thế mạnh của bé, từ đó có thể giúp bé thêm tự tin và mạnh mẽ hơn.
Không phải chỉ luyện tập trong vòng một hoặc hai ngày thì khả năng đọc của bé đã tiến bộ, đây là một quá trình lâu dài và cần sự kiên trì của cả mẹ, bé, cũng như toàn gia đình. Vì vậy, hãy bên con và luôn sẵn sàng yêu thương, giúp đỡ con mẹ nhé, đây là một món quà tuyệt vời cho bất kì đứa trẻ nào đấy, mẹ ạ.
Mẹ xem thêm chủ đề này với chùm bài liên quan bên dưới nhé!
Chứng khó đọc ở trẻ em
Chẩn đoán và điều trị chứng khó đọc ở trẻ em