Khi bé đã thích nghi dần với việc bú mẹ thì hầu như mọi chuyện trở nên khá suôn sẻ, cho đến tận khi mẹ cai sữa cho bé. Nhưng thỉnh thoảng, một vài vấn đề có thể xuất hiện gây khó khăn khi cho con bú, cùng mekhonghoanhao điểm danh những vấn đề này nhé!
Tắc ống dẫn sữa
Đôi khi có một ống dẫn sữa bị tắc nghẽn làm sữa dồn ứ lại và khiến ngực mẹ bị đau thậm chí nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng vú. Vì vậy khi gặp tình trạng này mẹ cần phải giải quyết nhanh chóng để dòng sữa lưu thông trở lại:
Làm trống lượng sữa có trong ngực: Tốt nhất là mẹ cho em bé bú bên ngực có ống dẫn sữa bị tắc nghẽn trước và cho bé bú cạn bên ngực đó càng tốt. Nếu em bé không thể bú hết, mẹ hãy dùng tay hoặc dùng dụng cụ hút sữa để vắt lượng sữa còn lại ra. Hút cho đến khi sữa chỉ còn chảy nhỏ giọt chầm chậm ra thay vì chảy thành dòng đều đều.
Để ngực thoải mái: Đôi khi tình trạng tắc ống dẫn sữa trở nên tồi tệ hơn do lực ép từ bên ngoài (ví dụ, do mặc áo hoặc áo ngực quá chật). Tránh đè ép lên ống dẫn sữa bằng cách đảm bảo rằng áo ngực mẹ đang mặc không chật quá (tránh loại áo ngực có gọng ở thời điểm này).
Chọn áo ngực phù hợp sẽ giúp mẹ “tránh xa” những khó khăn khi cho con bú
Chuyển đổi giữa các tư thế: Thay đổi tư thế cho bú (từ “ôm ru” sang “ôm bóng” sang “ôm chéo”) để tất cả các ống dẫn sữa đều được kích thích như nhau và phân tán lực ép lên những ống dẫn sữa khác nhau.
Dùng nhiệt: Mẹ có thể sử dụng các túi chườm nóng hoặc những miếng gạc ấm (nhúng khăn vào nước ấm) đặt lên ngực trước khi cho em bé bú có thể giúp khơi thông dòng chảy của sữa. Một cách khác là tắm nước ấm chảy ra từ vòi hoa sen.
Mát xa: Tác động những lực nhẹ nhàng lên ống dẫn sữa bị tắt cả trước và trong thời gian cho bú có thể giúp làm thông dòng sữa.
Để em bé mát-xa cho mẹ: Nếu đặt cằm của em bé đúng tư thế khi bú sữa có thể giúp mát xa rất tốt cho ống dẫn sữa bị tắc nghẽn.
Mẹ không nên ngừng cho bé bú từ bầu ngực bị tắc nghẽn ống dẫn sữa. Việc tránh hoặc hạn chế cho bú từ bầu sữa bị tắc có thể thật sự làm vấn đề xấu hơn, làm nhiều sữa ứ lại hơn và tình trạng tắc nghẽn trở nên tệ hơn. Cách tốt nhất để giải quyết tình trạng tắc ống dẫn sữa là làm dòng sữa lưu thông trở lại.
Nhiễm trùng vú (viêm vú)
Một biến chứng nghiêm trọng hơn và ít phổ biến hơn của việc cho em bé bú là viêm vú hay nhiễm trùng vú. Nhưng thường thì chỉ ảnh hưởng đến một bên ngực, hiếm khi nhiễm trùng ở cả hai bên ngực cùng một lúc, thường hay xảy ra nhất vào khoảng thời gian 6 tuần đầu sau khi sinh (tuy nhiên, nó có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong thời gian cho con bú).
Thế nguyên nhân do đâu?
Có một số yếu tố có thể kết hợp lại để gây viêm vú như các mầm bệnh (hoặc là từ bề mặt da của mẹ hoặc là từ miệng em bé) xâm nhập được vào ngực qua các kẽ nứt ở đầu vú hoặc qua một trong các ống dẫn sữa và khả năng đề kháng của mẹ bị yếu đi do căng thẳng và mệt mỏi. Mẹ hiển nhiên có nguy cơ viêm vú cao nếu đầu vú bị nứt.
Ống dẫn sữa bị tắc nghẽn không được khơi thông cũng như mặc áo ngực quá chật, gây hạn chế dòng sữa chảy ra và dẫn đến viêm vú. Nếu từng bị viêm vú trước đây, mẹ có khả năng bị lại cao hơn.
Triệu chứng là gì?
Những triệu chứng thường gặp nhất của viêm vú là đau nhức dữ dội hoặc bầu ngực bị đau, căng cứng, đỏ, nóng, và sưng phù, cùng các triệu chứng giống cúm, những cơn ớn lạnh chung chung và sốt khoảng 38ºC hoặc hơn.
Mẹ cũng có thể cảm thấy rất mệt mỏi, kiệt sức, và thường yếu ớt. Bản thân việc cho bú có thể rất đau đớn (tức là một cảm giác nóng rát khi em bé bú sữa).
Phải làm gì đây?
Nếu có những triệu chứng như trên, mẹ hãy đi khám bác sĩ ngay. Mẹ cần được điều trị ngay lập tức và có thể phải nằm nghỉ ngơi, dùng kháng sinh, thuốc giảm đau, tăng lượng chất lỏng nạp vào cơ thể và áp dụng liệu pháp nhiệt dùng hơi ẩm.
Mẹ sẽ bắt đầu cảm thấy khá hơn hẳn trong vòng 36 đến 48 giờ sau khi bắt đầu sử dụng thuốc kháng sinh. Nếu không, mẹ hãy báo cho bác sĩ biết; có thể bác sĩ cần phải kê cho mẹ một loại thuốc kháng sinh khác.
Hãy tiếp tục cho em bé bú trong quá trình điều trị (điều này giúp loại bỏ nhiễm trùng). Ngay cả khi mẹ đang dùng kháng sinh, việc sử dụng thuốc và cả việc mẹ đang bị nhiễm trùng vú cũng không ảnh hưởng đến sức khoẻ của em bé đâu.
Hơn nữa, việc làm cạn bầu sữa sẽ giúp ngăn ngừa tắc nghẽn các ống dẫn sữa. Mẹ hãy cho em bé bú ở bên ngực bị viêm và dùng máy hút sữa để vắt hết ra lượng sữa em bé còn chừa lại. Nếu cơn đau trở nên quá trầm trọng đến nỗi không thể cho bú, mẹ hãy thử dùng tay vắt ra hoặc dùng máy hút sữa bằng tay (chọn bất kỳ cách nào ít đau hơn) trong khi nằm ngâm mình trong bồn nước ấm (Không được sử dụng máy hút sữa dùng điện trong bồn tắm).
Nếu điều trị trễ có sao không?
Chậm trễ trong điều trị viêm vú hoặc ngưng quá trình điều trị quá sớm có thể dẫn đến áp xe vú. Các triệu chứng áp-xe vú gồm: đau nhói rất dữ dội; sưng phù tại chỗ, rất đau khi chạm vào, nóng ở vùng bị áp xe và thân nhiệt dao động giữa 38ºC đến 39.5ºC.
Điều trị áp-xe vú bao gồm sử dụng thuốc kháng sinh và thường phải phẫu thuật để dẫn lưu mủ ra ngoài. Ống dẫn lưu có thể được lưu lại tại chỗ sau phẫu thuật. Việc cho bú ở bên ngực có ống dẫn lưu thường không thể tiếp tục ở hầu hết các trường hợp, nhưng mẹ vẫn có thể cho em bé bú ở bên ngực còn lại cho đến khi cai sữa cho bé.