Nhiều mẹ đang khổ sở vì bị chuột rút khi mang thai tháng thứ 6 khiến mẹ mất ngủ nhiều đêm. Chúng thường “hỏi thăm” mẹ vào khoảng 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Thế nguyên nhân do đâu? Và có cách nào giúp mẹ khắc phục nếu chúng “hỏi thăm” khi mẹ đang “vác ba lô ngược”?
Mẹ bầu “méo mặt” vì bị chuột rút khi mang thai
Trong lúc tâm trí đang bị quá tải và bụng thì đang to dần ra, mẹ sẽ khó có thể ngủ được yên giấc, chưa kể đến việc bị chuột rút ở chân gây cản trở về mặt tư thế ngủ.
Thật không may, những cơn đau co thắt này tỏa lên trên và xuống phía dưới bắp chân của mẹ và chúng xảy ra thường xuyên nhất vào ban đêm, rất phổ biến ở phụ nữ mang thai trong khoảng ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ.
Vì đâu mẹ phải khổ sở thế?
Không ai hoàn toàn chắc chắn được những nguyên nhân khiến mẹ bầu bị chuột rút khi mang thai tháng thứ 6 (hoặc ở những tháng sau đó). Nhưng nhiều lý thuyết khác nhau cho rằng chuột rút khi mang thai là do sự mệt mỏi của mẹ khi phải mang thêm trọng lượng thai, các mạch máu ở chân bị nén, và có thể là chế độ ăn uống (dư thừa phốt pho và thiếu canxi hoặc magiê).
Vấn đề chuột rút này cũng có thể là do sự thay đổi của hormone, vì sự thay đổi hormone thường gây ra rất nhiều cơn đau nhức khi mang thai.
Mẹ bầu bị chuột rút khi mang thai, khắc phục thế nào?
Dù là nguyên nhân là gì thì vẫn có những cách để ngăn ngừa và làm giảm bớt chuột rút khi mang thai:
- Khi một chân bị chuột rút, hãy để thẳng chân của mẹ ra, gập mắt cá và ngón chân của mẹ từ từ về phía mũi của mình (không chỉa thẳng ngón chân ra). Điều này sẽ giảm bớt cơn đau. Làm điều này một vài lần với mỗi chân trước khi đi ngủ vào ban đêm thậm chí có thể giúp tránh chuột rút khi mang thai.
- Bài tập kéo căng cũng giúp ngăn chặn chứng chuột rút trước khi nó tấn công mẹ. Trước khi đi ngủ, mẹ hãy đứng cách xa bức tường khoảng 0.5m và đặt lòng bàn tay của mình lên tường. Nghiêng về phía trước, giữ cho gót chân của mẹ chạm sàn nhà. Giữ căng trong 10 giây, sau đó thư giãn trong 5 giây, mẹ có thể làm ba lần động tác này/tối.
- Để giảm bớt sự quá tải hàng ngày trên đôi chân, mẹ hãy nghỉ ngơi (ngồi hai chân không chạm đất) thường xuyên nhất mẹ có thể, luân phiên thời gian hoạt động, thời gian nghỉ ngơi và mang vớ hỗ trợ mỗi ngày. Nhớ co duỗi chân đều đặn nữa mẹ nhé.
- Hãy thử đứng trên một bề mặt lạnh, đôi khi nó có thể ngăn chặn sự co thắt.
- Mẹ có thể thử xoa bóp hoặc làm làm ấm chân để hỗ trợ thêm, nhưng không nên xoa bóp hoặc làm ấm nếu mẹ đã thử uốn gập chân và sàn lạnh đều không hiệu quả.
- Hãy chắc chắn rằng mẹ uống đủ nước, ít nhất tám ly một ngày.
- Ăn một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nhiều canxi và magiê, điều này sẽ giúp mẹ rất nhiều trong việc khắc phục chuột rút.
Bị chuột rút khi mang thai nặng có thể gây đau nhức cơ bắp kéo dài một vài ngày. Điều đó không có gì phải lo lắng. Nhưng nếu đau dữ dội và kéo dài sau đó, mẹ hãy đến bác sĩ ngay vì có khả năng đó là do cục máu đông đã phát triển trong tĩnh mạch, và điều này cần được điều trị kịp thời.
Những triệu chứng bất thường cần lưu ý
Một cơn đau nhói ở bụng đôi khi khiến mẹ thấy rất giống với cơn chuột rút và dễ bị bỏ qua, một sự thay đổi đột ngột trong dịch tiết âm đạo, đau phần thắt lưng hoặc vùng sàn xương chậu – hoặc có thể mẹ bị đau ở vùng nào đó không xác định mà thậm chí mẹ còn không thể đặt ngón tay lên đó.
Có thể đây chỉ là những dấu hiệu bình thườngkhi mang thai, nhưng để chắc chắn, hãy đến bác sĩ để kiểm tra thật kĩ mẹ nhé!
Ngoài ra, việc báo cho bác sĩ biết các triệu chứng bất thường có thể giúp xác định sớm các dấu hiệu của việc sinh non hoặc các biến chứng khi mang thai khác, những điều này có thể dẫn đến một sự khác biệt lớn trong thai kỳ của mẹ. Hãy nhớ rằng, mẹ là ngườihiểu cơ thể của mình tốt hơn ai hết.
Hãy lắng nghe cơ thể mình khi nó đang cố gắng nói với mẹ điều gì đó nhé!