6 tháng trôi qua, việc chuẩn bị đi làm lại sau khi sinh khiến không ít bà mẹ bỡ ngỡ và không muốn rời xa con. Nếu không chuẩn bị tốt, mẹ sẽ cảm thấy hụt hẫng, tự ti, thấy mình “tụt hậu”, thậm chí muốn chuyển đổi công việc khác ở mức thấp hơn, đơn giản hơn.
Tham khảo các lưu ý khi mẹ chuẩn bị đi làm lại sau khi sinh bên dưới nhé!
Trở lại công việc dần dần sau khi sinh
Sau khi sinh, bạn sẽ không thể ngay lập tức trở lại với công việc một cách toàn tâm toàn ý được. Đừng quá lo lắng, dần dần mọi việc sẽ ổn. Nếu quá khó khăn, có thể nhờ đồng nghiệp giúp đỡ. Nhờ đồng nghiệp hướng dẫn một số công việc đang triển khai, các thông tin mới để dễ dàng thích ứng lại. Trao đổi với cấp trên của bạn về số lượng công việc. Do đó, hãy trở lại với công việc một cách dần dần nhé.
Trước khi chuẩn bị đi làm lại sau sinh, nếu được, mẹ hãy thu xếp để ngày đi làm lại rơi vào giữa tuần. Việc này sẽ giúp mẹ lẫn bé thích nghi dễ hơn với lịch sinh hoạt mới mà không bị sốc.
Ví dụ: 1 tuần trước khi bạn chính thức đi làm lại, bạn thỏa thuận với sếp sẽ đi làm lại vào ngày thứ 5 trong tuần luôn. Và bạn sẽ chỉ làm việc nửa ngày thôi. Khi đó bé sẽ ở với người trông trẻ nửa ngày vào thứ 5 và thứ 6, đồng thời bạn cũng có cơ hội “chạy thử” lịch mới. Sau đó bạn dùng nửa ngày công thứ 5 và thứ 6 vừa rồi để bù thời gian cho những ngày đi làm chính thức sau đó. Vậy là trong tuần đầu tiên bạn chính thức đi làm lại, bạn chỉ cần làm 6 tiếng rưỡi mỗi ngày, rồi sau đó mới tăng lên 8 tiếng/tuần vào tuần tiếp theo.
Giữ thái độ chuyên nghiệp tại nơi làm việc
Có thể bạn đang lo âu, căng thẳng vì lo lắng về bé ở nhà, hay mệt mỏi, hay ngán ngẩm trước hàng đống công việc tồn đọng. Nhưng đừng để sếp nghi ngờ tinh thần của bạn. Hãy cố gắng hành xử thật chuyên nghiệp, giải quyết công việc nhanh gọn nhất có thể. Tạo thói quen ngăn nắp cho bản thân, sắp xếp bàn làm việc thật gọn gàng, khoa học, đảm bảo những thứ thường dùng luôn nằm trong tầm tay. Tránh than vãn quá mức với đồng nghiệp hay thậm chí cáu gắt vô cớ với cấp dưới.
Biết đâu, nhờ vậy bạn lại hoàn toàn có thể làm việc hiệu quả hơn nhờ biết phân công công việc rõ ràng hơn, hay giao việc cho đúng người hơn, thậm chí sáng tạo hơn trong cách giải quyết vấn đề.
Hẳn nhiên, sẽ có ngày bạn cảm thấy chịu hết nổi và muốn buông bỏ hết để về với con. Nhưng đừng bỏ cuộc. Ở lại một thời gian nữa để bản thân thích nghi xem sao, vì ai cũng cần có thời gian cả. Nếu sau đó, bạn vẫn không chịu nổi áp lực công việc hoặc thời gian, hãy thảo luận với sếp để có phương án tốt hơn, như lịch làm việc linh động hơn, một hai ngày/tuần làm việc tại nhà, hoặc bán thời gian. Trước khi đề xuất, mẹ hãy lên kế hoạch thật cụ thể, đồng thời cũng hãy chuẩn bị tâm lý sẽ bị từ chối. Trong trường hợp đó, có lẽ bạn sẽ phải cân nhắc lại xem đây có còn là công việc phủ hợp hay không. Suy cho cùng, khi đã là mẹ, mục tiêu của bạn là một cuộc sống cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp, không còn như trước nữa.
Hút sữa tại chỗ làm
Nếu trước kia mẹ chưa từng hoặc không có thói quen hút sữa, mẹ hãy bắt đầu tầm 1 tháng trước để chuẩn bị đi làm lại sau khi sinh. Việc này không chỉ giúp mẹ quen với cách thức, nhịp độ và thời gian hút sữa, mà còn trữ được một lượng sữa cho bé nữa. Mẹ cũng có thể bắt đầu tập cho bé bú bình, và để người khác cho bé bú.
Khi đi làm, hãy thảo luận trước với sếp về việc bạn sẽ cần nghỉ 2-3 lần mỗi ngày trong 15-20 phút để hút sữa. Nếu có điều kiện, công ty có thể sắp xếp riêng cho bạn 1 phòng nhỏ kín đáo để bạn yên tâm hút sữa. Nếu không, bạn có thể tìm 1 phòng họp trống trong công ty để sử dụng một lúc.
Hãy tranh thủ ngủ nghỉ càng nhiều càng tốt
Một trong những vấn đề đau đầu của mẹ chuẩn bị đi làm lại sau khi sinh là tình trạng mệt mỏi, kiệt sức. Khi mệt mỏi, bạn dễ làm hỏng việc hơn, và chăm sóc bé cũng không được tốt. Thời gian ngủ của bạn cần được đặt ưu tiên hàng đầu thay vì phải giặt giũ hay lau dọn. Vì vậy hãy bàn bạc với chồng về công việc nhà và việc chăm bé trước khi đi làm. Nên chia bớt công việc cho chồng.
Tập để cho bé theo bố, điều đó giúp bạn có thêm thời gian nghỉ ngơi và dành sức cho công việc. Bạn cũng nên đi ngủ sớm, lý tưởng là tầm 9h tối, để thức dậy tầm 1-2h khuya cho bé bú. Khi đó bạn đã ngủ được 4-5 tiếng rồi, và còn những 4 tiếng để ngủ đến sáng.
Chăm sóc bản thân
Công việc thì vô tận nhưng sức khỏe thì chỉ có hạn, bạn phải chăm sóc chính mình thì mới đủ sức khỏe chăm sóc con cái, gia đình, nhà cửa và công việc.