Có thể bạn chẳng mong muốn gì ngoài việc chuyển dạ, sinh nở được suôn sẻ. Tuy nhiên, một số trường hợp quá trình chuyển dạ kéo dài chậm chạp khiến chị em bối rối. Còn bạn, nếu rơi vào tình trạng này bạn sẽ làm gì? Tham khảo bài viết để xem những ý định của bạn có được khuyến khích không nhé!
Tại sao một số phụ nữ lại có quá trình chuyển dạ kéo dài chậm chạp?
Để quá trình chuyển dạ diễn ra tốt đẹp – và thường như thế – thì cần 3 yếu tố chính:
- Những cơn gò tử cung mạnh để làm giãn cổ tử cung một cách hiệu quả
- Em bé ở vị trí thuận lợi
- Vùng xương chậu đủ rộng cho em bé chui ra
Tuy nhiên, ở một số trường hợp, sự chuyển dạ không diễn ra theo quy luật, lý do vì cổ tử cung mất nhiều thời gian để giãn, em bé đi xuống vùng chậu chậm hơn mong đợi, hoặc việc rặn đẩy không tác động nhiều để đưa em bé ra.
Đôi khi, trong quá trình chuyển dạ các cơn co thắt cũng chậm lại sau khi gây tê ngoài màng cứng. Nhưng với những người được gây tê ngoài màng cứng, tiến trình chuyển dạ có thể diễn ra như bình thường (giai đoạn đầu và giai đoạn thứ hai có thể kéo dài lâu hơn, nhưng bạn không cần lo lắng).
Bác sĩ sẽ làm gì để thúc đẩy quá trình chuyển dạ?
Để làm quá trình chuyển dạ kéo dài trở nên nhanh hơn, sau đây là một số bước mà bác sĩ và bạn có thể thực hiện:
- Nếu bạn đang ở kỳ chuyển dạ đầu và cổ tử cung không giãn hoặc mỏng đi, bác sĩ có thể đề xuất bạn hoạt động (như đi dạo) hoặc ngược lại (ngủ và nghỉ ngơi, có thể kèm theo thực hiện các phương pháp giúp thư giãn). Việc này cũng giúp loại trừ khả năng chuyển dạ giả (những cơn gò chuyển dạ giả thường lắng xuống khi vận động hoặc ngủ một giấc ngắn).
- Nếu cổ tử cung của bạn vẫn không giãn hoặc mỏng đi với tốc độ như mong đợi, bác sĩ có thể cố làm mọi việc diễn ra nhanh hơn bằng cách cho dùng Pitocin (oxytocin), prostaglandin E, hoặc một chất kích thích chuyển dạ khác. Bác sĩ cũng có thể đề nghị một cách tăng chuyển dạ mà bạn (hoặc người hỗ trợ sinh của bạn) có thể tự làm là kích thích núm vú.
- Nếu đã ở trong kỳ chuyển dạ tích cực mà cổ tử cung của bạn vẫn đang giãn rất chậm (giãn dưới 1 – 1,2 cm/giờ ở những phụ nữ lần đầu sinh con (con so), và 1,5 cm/giờ ở những phụ nữ đã từng sinh nở trước đây), hoặc nếu em bé không đi xuống ống sinh với tốc độ trên 1 cm/giờ ở những phụ nữ mang con so, hoặc 2 cm/giờ ở những người khác, bác sĩ có thể gây vỡ ối và/hoặc tiếp tục cho dùng oxytocin.
- Nếu bạn đã rặn quá 2 tiếng (nếu đây là lần đầu tiên bạn sinh và không gây tê ngoài màng cứng) hoặc 3 tiếng (nếu bạn được gây tê ngoài màng cứng), bác sĩ sẽ đánh giá lại vị trí của em bé, xem bạn cảm thấy thế nào, có thể cố gắng đưa em bé ra bằng cách dùng giác hút hoặc (ít khả năng hơn) dùng kẹp lấy thai, hoặc quyết định cho sinh mổ.
Còn bạn, bạn nên làm gì?
Để mọi việc tiếp tục tiến triển suốt quá trình chuyển dạ, thỉnh thoảng bạn nhớ đi tiểu nhé, vì bàng quang đầy có thể cản trở em bé đi xuống đấy. (Nếu bạn được gây tê ngoài màng cứng, khả năng là bàng quang của bạn sẽ được làm trống bằng ống thông). Đường ruột đầy cũng có tác động tương tự làm quá trình chuyển dạ kéo dài, vì vậy, bạn hãy thử đi ngoài nếu chưa đi trong vòng 24 giờ.
Bạn cũng có thể cố làm sự chuyển dạ nhanh hơn bằng cách tận dụng trọng lực (ngồi thẳng, ngồi xổm, đứng, hoặc đi dạo). Làm tương tự ở kỳ rặn đẩy em bé ra. Tư thế nửa ngồi hoặc ngồi chồm hổm lưng chừng có thể hiệu quả nhất khi sinh bé. Mẹ tham khảo thêm một số gợi ý mẹ cần làm trong thời gian này nè:
>> Mẹ nên làm gì khi có dấu hiệu chuyển dạ đầu?
>> Mẹ nên làm gì khi có dấu hiệu chuyển dạ tích cực?
>> Mẹ nên làm gì khi có dấu hiệu chuyển dạ chuyển tiếp?
Nếu quá trình chuyển dạ kéo dài sau 24 giờ (đôi khi sớm hơn) mà chuyển dạ tích cực vẫn chưa tiến triển đủ, hầu hết các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, một số bác sĩ sẽ chờ lâu hơn, miễn là cả người mẹ và em bé vẫn khỏe.