Vỡ ối non là một biến chứng thai kỳ khá quan trọng mà mẹ cần lưu tâm, dù tần suất vỡ nước ối này xảy ra không nhiều nhưng nếu không được xử lý kịp thời thì nó có thể đem lại cho mẹ nhiều phiền toái đấy! Vậy phải làm gì khi vỡ ối? Xem bài viết để có cách xử trí phù hợp ba mẹ nhé.
Vỡ ối non là gì?
Vỡ ối non (tiếng anh là Preterm Premature rupture of the membranes – PPROM) là tình trạng màng ối hoặc túi ối vỡ trước tuần thứ 37 của thai kỳ (hay nói cách khác, thai được xem là non tháng, chưa trưởng thành).
Nguy cơ chủ yếu của tình trạng này là sinh non và các nguy cơ biến chứng mang thai khác bao gồm nhiễm trùng ối và sa dây rốn hoặc chèn ép dây rốn. Vỡ ối non (tiếng Anh là Premature rupture of the membranes – PROM) là ối vỡ sau 37 tuần của thai kỳ nhưng xảy ra trước khi chuyển dạ.
Nguyên nhân vỡ ối non là gì?
Khoảng 3% tổng số trường hợp mang thai gặp tình trạng này. Các mẹ có nguy cơ cao là những mẹ hút thuốc trong khi mang thai, mắc một số bệnh lây qua đường sinh dục, chảy máu âm đạo mãn tính hay nhau bong non, tiền căn đã từng bị vỡ ối non, viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc đa thai.
Hút thuốc là một trong những nguyên nhân gây vỡ ối non
Dấu hiệu và triệu chứng vỡ ối non
Các triệu chứng bao gồm nước ối rỉ hay chảy ối đột ngột từ âm đạo. Phân biệt nước rỉ ra từ âm đạo là nước ối hay nước tiểu bằng cách ngửi mùi:
- Nếu nước rỉ ra có mùi giống amoniac, nó có thể là nước tiểu.
- Còn nếu có mùi thơm ngọt thì nó có thể là nước ối (trừ khi bị nhiễm trùng, nước ối sẽ có mùi hôi). Và nếu mẹ nghi ngờ đây là nước ối, mẹ nên đến gặp bác sĩ.
Chẩn đoán vỡ ối non như thế nào?
Dưới đây là cách chẩn đoán vỡ ối non cho mẹ:
- Thực sự nhìn thấy nước ối chảy ra từ cổ tử cung cho chẩn đoán chính xác nhất. Khám âm đạo bằng mỏ vịt vô trùng để kiểm tra dịch chảy ra và dây rốn.
- Thử nghiệm Nitrazine có thể giúp xác định chẩn đoán. Tuy nhiên, sự hiện diện của nước tiểu, tinh dịch và chất gây ô nhiễm khác có thể cho kết quả xét nghiệm dương tính giả.
- Kiểm tra băng vệ sinh thường xuyên.
- Siêu âm có thể hữu ích để đánh giá tình trạng thai và lượng dịch.
Mẹ phải làm gì khi vỡ ối non?
Hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ nếu:
- Nghi ngờ ối vỡ non
- Nghi ngờ có tình trạng nhiễm trùng tăng dần: mẹ có nhịp tim nhanh hay tăng nhịp tim thai, mẹ tăng thân nhiệt hoặc đau bụng dưới.
Bị vỡ ối non, bác sĩ sẽ làm gì?
Dưới đây là một số trường hợp mẹ có thể gặp phải:
- Nếu ối vỡ sau tuần thứ 34, mẹ sẽ được các bác sĩ giải thích và chấm dứt thai kỳ bằng cách tiến hành cho sinh.
- Nếu thai quá non tháng để em bé sinh ra an toàn, mẹ sẽ được nhập viện theo dõi, nghỉ ngơi theo phương pháp bed rest và cho kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng, cũng như được cho thuốc steroid để giúp phổi thai nhi trưởng thành nhanh hơn, chuẩn bị cho việc sinh sớm diễn ra an toàn hơn.
- Nếu mẹ có các cơn gò tử cung mà thai quá non tháng để sinh, bác sĩ sẽ cho thuốc để dừng các cơn gò.
- Trong một số trường hợp hiếm hoi, màng ối vỡ sẽ tự lành và ngưng rỉ nước ối. Trong trường hợp đó, mẹ sẽ được xuất viện và tiếp tục thai kỳ bình thường, tuy nhiên mẹ vẫn có nguy cơ bị rỉ nước ối tái phát trong tương lai.
Có thể mẹ muốn biết?
Hiện chưa có đủ bằng chứng để hướng dẫn thực hành lâm sàng về những lợi ích và tác hại của chuyển dạ ngay so với việc kéo dài thai kỳ cho các mẹ bị vỡ ối non. Việc cho phép chuyển dạ sinh thường sẽ được xem xét tại tuần thứ 34.
Vỡ ối non là biến chứng thai kỳ khá quan trọng, mẹ cần lưu tâm
Nếu mẹ tiếp tục mang thai đến sau 36 tuần thì mẹ có nguy cơ gia tăng viêm màng ối và giảm nguy cơ gặp các vấn đề về đường hô hấp cho bé.
Các mẹ bị vỡ ối non (sau 37 tuần) được khuyến cáo rằng không nên trì hoãn việc chuyển dạ quá 96 giờ sau khi vỡ màng. Nguy cơ nhiễm trùng cho mẹ và bé tăng theo thời gian từ khi vỡ màng ối đến lúc bắt đầu chuyển dạ.
Ối vỡ non nếu được chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp, cả mẹ và bé đều sẽ khoẻ mạnh vượt qua biến chứng này khi mang thai, mặc dù vậy, nếu bé sinh non, bé sẽ cần phải được chăm sóc tại khoa chăm sóc sơ sinh trong một thời gian dài.