Các vết bầm tím trên da đặc biệt là ở vùng cẳng chân và vùng trán rất hay xảy ra với các bé ở độ tuổi mới biết đi. Nếu bé bị bầm tím, mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ khi nào?
Vết bầm tím là gì
Các vết bầm tím mà dân gian vẫn thường gọi là vết “ma ăn” xảy ra ở vết thương của bé khi các mao mạch dưới da bé bị đứt hoặc vỡ, khiến máu từ các mao mạch bị rò rỉ vào các mô mềm chung quanh. Kết quả là vùng da bị đổi màu và các vết bầm tím xuất hiện như chúng ta vẫn thường thấy. Nghe thì nghiêm trọng vậy thôi chứ phần lớn các vết bầm thường không khiến bé đau, và sẽ tự biến mất dần sau khoảng 1-2 tuần.
- Các vết bầm của bé ban đầu thường có màu hơi đỏ như máu do máu bị rò rỉ vẫn đang còn ở ngay dưới vùng da bầm tím.
- Sau khoảng từ 1-2 ngày các Hemoglobin trong máu (là một chất có chứa sắt làm nhiệm vụ vận chuyển oxy đi nuôi cơ thể) thay đổi, các vết bầm từ đó cũng chuyển sang màu xanh tím hoặc màu hơi đen.
- Vào khoảng ngày thứ 5-10, các vết bầm chuyển sang màu hơi xanh lá hoặc vàng
- Từ ngày thứ 10 – 14, các vết bầm tím chuyển sang màu vàng nâu hoặc nâu nhạt, cuối cùng là biến mất dần sau khoảng 2 tuần.
Vết bầm tím ban đầu có màu hơi đỏ
Lúc nào nên đưa bé đến gặp bác sĩ
Nếu bé bị bầm da sau khi gặp một tai nạn nào đó như khi bị té từ giường hay bậc thang xuống, mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện ngay để được kiểm tra kĩ càng hơn, nhằm phát hiện những tổn thương khác mà mẹ có thể khó nhận biết. Ngoài ra, mẹ cũng nên đưa bé đến gặp bác sĩ nếu:
- Bé bị đập đầu mạnh và có vết bầm tím sau tai. Đây có thể là dấu hiệu của nứt sọ não.
- Vết bầm tím xuất hiện sau khi bé bị tai nạn ở xung quanh vùng bụng
- Vết bầm của bé không phai màu hay biến mất trong vòng 2 tuần. Ví dụ một số bé bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu cứ liên tục xuất hiện các vết bầm tím trên da. Vì vậy, việc mang bé đi khám có thể giúp bác sĩ phát hiện ra những căn bệnh khác mà bố mẹ không ngờ tới.
- Bé có cảm giác đau và khó chịu quá 24 giờ đồng hồ
- Các vết bầm tím bị sưng lên và chứa đầy mủ đồng thời không có dấu hiệu thuyên giảm kể cả sau khi mẹ đã chườm đá cho bé.
- Bé bị sốt
- Cơ thể bé xuất hiện những nốt màu đen, xanh da trời hoặc màu đỏ tía hoặc các vết bầm tím không rõ nguyên nhân cũng như không liên quan gì đến vết thương. Điều này có thể cho thấy bé đang gặp vấn đề về rối loạn chảy máu.
Xem thêm: Chữa vết bầm tím cho bé ở nhà khó hay dễ