Địu là một phụ kiện tuyệt vời và quen thuộc với các gia đình các con nhỏ. Tuy vậy, không phải ai cũng biết cách sử dụng địu em bé sao cho an toàn.
Càng ngày, địu em bé càng trở nên quen thuộc và là một phụ kiện tuyệt vời cho bất cứ cha mẹ nào có sở thích đi đây đó cùng bé yêu hoặc những bà mẹ bận rộn quá nhiều với công việc. Việc vừa địu con vừa có thể thoái mái 2 tay khi đi dạo phố, vừa có thể làm những công việc khác trong lúc bận rộn thì thật sự hữu ích.
Sử dụng một chiếc địu không những tiện lợi cho bạn mà còn cho cả bé yêu. Bé sẽ được an toàn và có cảm giác an tâm khi được nép sát vào người cha mẹ. Các bé có xu hướng thích nhún nhảy và luôn có nhu cầu liên hệ, giao tiếp với mọi người nên khi được địu đi chơi, đi mua sắm bé sẽ vô cùng thích thú. Tuy vậy, không phải ai cũng biết cách sử dụng địu em bé sao cho an toàn với trẻ.
Những lưu ý khi mua địu cho bé
Địu em bé có 2 kiểu: địu trước và địu sau. Hai loại địu này rất phổ biến tuy nhiên phần lớn các bé đều có vẻ cao hơn chiếc địu trước khi chỉ mới 3 tháng tuổi.
Vì vậy để đảm bảo sự thoải mái, an toàn cho cả bé và bạn thì bạn nên lưu ý những hướng dẫn sau đây khi mua và sử dụng địu cho bé:
- Hãy đưa bé đi cùng bạn khi đi mua địu vì như vậy bạn có thể chọn được chiếc địu phù hợp với kích cỡ của bé.
- Phải đảm bảo chắc chắn rằng chiếc địu giúp đỡ lưng bé và khe để chân phải nhỏ vừa đủ để bé không thể bị tuột xuống qua lỗ hổng đó.
- Nếu bạn mua địu sau lưng, cần phải đảm bảo chắc chắn chiếc khung nhôm được bọc lót cẩn thận để bé không bị đau khi bé va đụng vào.
- Kiểm tra chiếc địu xem các vết rách, vết sứt chỉ ở các đường may và dây an toàn.
- Chọn địu có đệm ở đầu và lưng để đỡ bé được chắc chắn.
Hãy đưa bé đi cùng khi chọn địu cho con
Hướng dẫn cách sử dụng địu em bé
- Đối với trẻ sơ sinh sinh thiếu tháng hay có vấn đề về hô hấp không nên để bé ngồi trong chiếc địu sau hay ngồi vào những vật giúp giữ bé ở tư thế đứng thẳng vì nó có thể làm cho bé bị khó thở.
- Cần kiểm tra định kì chiếc địu xem các vết rách, vết sứt chỉ ở các đường may và dây an toàn.
- Cho đến khi bé được 5-6 tháng tuổi và có thể ngồi vững, bạn vẫn nên địu bé theo tư thế nằm của bé sẽ tốt hơn so với tư thế ngồi.
- Một số bé sẽ đạp căng chân để đẩy khung địu, thay đổi phân bổ trọng lượng cơ thể. Bạn nên cẩn trọng và chắc chắn rằng đã cho bé ngồi vào địu thật phù hợp trước khi bạn bước đi.
Địu trẻ phía trước
Túi địu trẻ phía trước thường dành cho trẻ sơ sinh và tới khi trẻ có thể tự ngồi thì chuyển sang dùng túi địu phía sau. Khi địu trẻ phía trước bạn nên chú ý những vấn đề sau:
Tư thế phù hợp: Địu bé trên cao và sát với ngực (sao cho mẹ có thể hôn được bé, đầu bé sát với cằm mẹ). Không để bé nằm ở phần hông hay eo và giữ bé thẳng người, bụng và ngực áp sát vào cơ thể mẹ.
Khi dùng địu, tốt nhất là trẻ phải được tựa vững chắc vào mẹ với tư thế ngồi hướng lên trên, sao cho cằm không bao giờ chạm vào ngực, thường xuyên kiểm tra tư thế của bé.
Không địu bé quá lâu: Mẹ không nên địu bé quá lâu tối đa là 2 giờ đồng hồ để bé không thấy khó chịu.
Cách sử dụng địu em bé – Địu trẻ phía trước đúng tư thế
Ôm chặt bé khi cúi hoặc nghiêng người: Luôn giữ chặt bé khi bạn cần cúi hoặc nghiêng người. Tuy nhiên tốt nhất khi muốn nhặt thứ gì đó thì chỉ nên khụy gối chứ đừng gập ở vùng eo nếu không bé có thể sẽ bị nhào ra khỏi chiếc địu và bạn có thể tự làm đau lưng mình.
Địu trẻ phía sau
Bé từ 12 – 30 tháng có thể được địu sau lưng, tuy nhiên, nhiều trẻ phát triển cứng cáp đã có thể được địu sau lưng khi chỉ mới 5 hoặc 6 tháng tuổi.
Việc lựa chọn một chiếc địu phù hợp cho cả bạn và bé thật sự không quá khó. Tuy nhiên với sự cải tiến và đa dạng mẫu mã, kiểu dáng của các loại địu hiện nay thì việc lựa chọn một chiếc địu thật sự tốt cần phải được thực kiện một cách kĩ càng hơn.
Một chiếc địu cho bé sẽ rất hữu ích thế nhưng nó cũng có thể mang lại những hậu quả khôn lường nếu như việc chọn lựa và sử dụng không đúng cách.
Hãy đảm bảo rằng chiếc địu bạn chọn hoàn toàn vừa vặn, thoải mái và an toàn cho bé, vừa phải phù hợp với các hoạt động của bạn khi địu bé. Đừng quên phải thật sự cẩn thận khi sử dụng địu cho bé nhé!
Xem thêm: