Nuôi con bằng sữa mẹ có khá nhiều tình huống khiến các mẹ cảm thấy khó xử lý, đặc biệt với những người lần đầu tiên làm mẹ. Sữa chảy quá nhiều khi mẹ cho con bú cũng là một trong số đó, vậy nguyên nhân do đâu? Và điều này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay tâm trạng của bé không? Cùng tìm hiểu xem mẹ nhiều sữa quá phải làm sao nhé!
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ không chỉ đơn thuần giúp các bé ăn no, khỏe mạnh, chóng lớn mà còn bổ sung nhiều kháng thể để bé tránh được nhiều bệnh nữa. Tuy nhiên việc nuôi con bằng sữa mẹ không phải đơn giản mà có rất nhiều vấn đề nảy sinh. Có mẹ ít sữa không đủ cho con bú phải dặm thêm sữa công thức, có mẹ lại gặp phiền toái khi sữa quá nhiều. Vậy mẹ nhiều quá sữa quá phải làm sao bây giờ?
Mẹ nhiều sữa quá phải làm sao?
Mẹ nào có quá nhiều sữa thì trẻ thường xuất hiện những triệu chứng như nổi cáu, dứt khỏi vú mẹ, khóc vì đau bụng colic, xì hơi, nôn trớ và nấc. Trẻ hoặc là sẽ muốn bú thường xuyên và tăng cân nhanh chóng hoặc chậm tăng cân hơn so với trẻ khác. Phân trẻ có thể có màu xanh và lỏng, mông bị đỏ và đau. Phản xạ sữa chảy về của mẹ có thể quá mạnh đến mức khiến trẻ bị nghẹn, nôn, sặc lên mũi khi trẻ phải khổ sở đương đầu với tia sữa chảy quá nhanh vào miệng.
Tìm hiểu thêm về thông điệp sức khỏe từ màu phân và nước tiểu của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Mẹ sản xuất quá nhiều sữa có thể gặp tình trạng ngực căng sữa, bị tắc sữa và viêm vú. Đôi khi mẹ cảm thấy đau dữ dội một vài giây khi phản xạ sữa chảy về diễn ra quá mạnh.
Nguyên nhân nào khiến sữa mẹ quá nhiều?
Nguyên nhân gây ra vấn đề này thường là do phản xạ sữa chảy về của mẹ hoạt động quá mức kết hợp với sự mất cân bằng giữa sữa trước và sữa sau. Sữa trước được tiết ra ở đầu cữ bú, loãng và ngọt, chứa nhiều đường nhưng ít béo. Sữa sau tiết ra sau khi bé bú được một lúc, đặc hơn, giàu chất béo và năng lượng hơn. Xem thêm bài Tìm hiểu về sữa mẹ.
Mẹ nên làm gì khi sữa chảy quá nhiều?
Có một số cách để mẹ giảm thiểu các phiền toái khi sữa quá nhiều như là:
- Chỉ cho bé bú một bên ngực ở mỗi lần bú. Nếu trẻ bú chưa đến 15-20 phút ở ngực đó, và sau 1-2 giờ lại đòi bú tiếp, mẹ hãy cho trẻ bú lại ngực đó cho tới khi bé chịu bú ít nhất 15-20 phút nữa. Nếu bé bú được khoảng 15 phút ở 1 bên ngực, không cho bé bú ngực thứ hai trừ khi bé đòi vì bé có thể đã bú đủ ở ngực đầu tiên. Nhiều trẻ (đặc biệt là trẻ sơ sinh) sẽ bú vú còn lại nếu mẹ cho, không phải là do trẻ đói mà chỉ bởi vì trẻ thích mút ti mẹ. Nếu ngực còn lại bị căng đầy khó chịu trước khi kịp cho bú, mẹ hãy vắt ra ít sữa chỉ đủ để làm giảm sự khó chịu, nhưng đừng vắt cạn sữa.
- Thay đổi tư thế cho con bú. Mẹ nhẹ nhàng tựa lưng, giữ bé để bé đối mặt với ngực mẹ, và ngồi trên chân mẹ, đầu bé cao hơn núm vú. Hoặc mẹ có thể nằm nghiêng, để bé nằm sát mẹ hoặc nằm ngửa và để bé nằm lên ngực mẹ. Ở những tư thế này, trọng lực sẽ làm giảm dòng sữa chảy và bé sẽ kiểm soát được lượng sữa đưa vào miệng dễ dàng hơn. Nếu bé quá nhỏ, mẹ có thể bế bé 1 bên (football hold – Xem thêm Tư thế cho con bú đúng cách) nhưng cần đảm bảo là đầu bé cao hơn thân bé. Trong bất cứ vị trí nào, mẹ có thể muốn dùng một chiếc khăn hoặc tã vải để thấm sữa, vì có thể sữa thừa sẽ chảy ra từ miệng bé.
- Cho con bú thường xuyên. Nếu ngực bị chảy sữa trở thành một vấn đề thực sự đối với bạn, hãy cho con bú càng thường xuyên càng tốt. Càng cho bé bú sữa mẹ nhiều thì ngực mẹ sẽ càng có ít khả năng bị tràn sữa hơn.
- Mẹ nên cố gắng thư giãn trong quá trình sữa chảy về. Ban đầu sữa thường bắn ra rất mạnh nhưng sau đó sẽ giảm dần. Mẹ có thể muốn hứng sữa phun ra lúc ban đầu bằng khăn, rồi đặt bé vào ngực sau khi sữa không phun nữa mà chuyển thành nhỏ giọt đều đặn hay vắt một ít sữa vào ly trước khi cho bé ngậm vú. Nếu bé bắt đầu bị nghẹn hoặc nôn trong khi đang bú, đưa bé ra khỏi ngực mẹ, vắt một ít sữa, sau khi dỗ bé bình tĩnh lại thì tiếp tục cho bé bú.
- Bé nuốt và nghẹn thở khi mẹ có sữa về nhiều sẽ thường nuốt không khí. Mẹ nên giúp bé ợ thường xuyên (Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị đầy hơi phải làm sao?), đặc biệt nếu mẹ nghe tiếng bé nuốt liên tiếp trong khi bú. Mẹ đừng ngạc nhiên nếu bé trớ sữa ra nhiều. Hiện tượng trớ sữa thường xảy ra ở bé tăng cân tốt nhưng nhận quá nhiều sữa khi bú. Tuy nhiên, nếu bé bị trớ sữa mạnh sau mỗi lần bú, không tăng cân tốt, hoặc có những triệu chứng bệnh như sốt hoặc tiêu chảy, mẹ phải cho bé đi bác sĩ.
Nhiều sữa cũng khổ quá mẹ nhỉ ^^
- Những mẹ có quá nhiều sữa cần lưu ý: chỉ nên hút hoặc vắt sữa nếu mẹ thật sự cần làm giảm căng tức sữa. Bởi vì nếu mẹ hút cạn sữa, có thể mẹ tạm thời thấy thoải mái hơn, nhưng mẹ đã đưa ra tín hiệu kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều sữa hơn.
- Thường trong vòng 1 tuần, mẹ sẽ chú ý thấy lượng sữa giảm đi đáng kể vì cơ thể điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của trẻ nên không sản xuất dư thừa. Mẹ có thể phải dùng núm vú giả nếu bé thích mút ti cho vui.
- Nếu bé quấy khóc và cần được cho bú để dỗ dành, mẹ cho con bú cùng 1 ngực trong khoảng 2 giờ thay vì cứ vài phút lại chuyển vị trí ngực. 5 phút ở mỗi bên ngực có thể khiến bé bú quá nhiều sữa ban đầu, dẫn tới những triệu chứng khó chịu về đường ruột.
- Tặng sữa cho các mẹ khác: Với những mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ mà có quá nhiều sữa, hãy cân nhắc đến việc tặng sữa cho các mẹ khác vì sẽ có nhiều bé bị thiếu sữa đấy. Đây là một việc làm rất ý nghĩa.
Mẹo giúp mẹ thoải mái khi cho con bú
Mẹ có thể áp dụng thêm một số mẹo nhỏ sau để thoải mái hơn khi mẹ cho con bú:
- Đặt miếng lót thấm sữa vào bên trong áo ngực và mẹ nhớ thay miếng lót khi chúng bị ẩm để tránh bị đau núm vú.
- Nếu một bên ngực mẹ thường bị chảy sữa khi đang cho con bú ở ngực bên kia, hãy đặt một chiếc khăn, miếng lót thấm sữa hoặc trợ ti bên trong áo ngực.
- Hãy mặc những chiếc áo họa tiết hoặc có hoa văn giúp mẹ ngụy trang vết sữa thấm.
Xem thêm: