Sức khỏe

Bí quyết ứng phó với bệnh nhồi máu cơ tim hiệu quả

Bệnh nhồi máu cơ tim xảy ra khi một trong hai động mạch vành hoặc phân nhánh của nó bị tắc nghẽn một cách đột ngột khiến một phần của cơ tim không được cung cấp đầy đủ oxy. Cơn đau tim thường xảy ra trong vài tiếng, nhưng nếu tình trạng này kéo dài và không được điều trị kịp thời thì phần cơ tim bị thiếu oxy sẽ bị chết.

Triệu chứng của nhồi máu cơ tim

Có phải bạn vẫn thường xem trên truyền hình và nghĩ rằng những người bị nhồi máu cơ tim luôn bị đau tức ngực một cách đột ngột?

Tuy nhiên trên thực tế, các triệu chứng của nhồi máu cơ tim rất đa dạng và có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Dưới đây là những dấu hiệu nguy hiểm báo hiệu sự xuất hiện của cơn nhồi máu cơ tim (heart attrack):

Có cảm giác đau hoặc khó chịu ở ngực. Người bị nhồi máu cơ tim thường cảm thấy khó chịu ở giữa hoặc phía bên trái của ngực. Sự khó chịu này có thể kéo dài trong vòng một vài phút.

Đôi khi các cơn đau có thể biến mất trong chốc lát và sau đó quay trở lại. Người bệnh cũng có thể cảm thấy như ngực bị đè nén, tức ngực hoặc đau. Ngoài ra cũng có thể có thêm dấu hiệu khác như bị ợ nóng hoặc khó tiêu.

ung-pho-voi-benh-nhoi-mau-co-tim-hinh-anh1

Có cảm giác đau hoặc khó chịu ở ngực

Khó chịu ở phần cơ thể bên trên. Cơn đau có thể lan tỏa đến một hoặc cả hai cánh tay, lưng, vai, cổ, hàm, hay phần bụng phía trên rốn.

Khó thở. Người bị nhồi máu cơ tim đôi khi chỉ có một triệu chứng duy nhất đó là khó thở, nó có thể xảy trước hoặc cùng lúc với cơn đau ngực. Người bệnh cũng có thể cảm thấy khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc khi hoạt động thể chất nhẹ.

Triệu chứng khác. Người bị nhồi máu cơ tim cũng có thể có những triệu chứng sau:

  • Toát mồ hôi lạnh.
  • Cảm thấy mệt mỏi bất thường mà không rõ lý do, đôi khi tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều ngày liền (đặc biệt là ở nữ giới).
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Choáng váng hoặc bị chóng mặt đột ngột.
  • Các triệu chứng cũ trở nên trầm trọng hoặc kéo dài hơn bình thường hoặc người bệnh cũng có thể xuất hiện các triệu chứng mới một cách đột ngột.

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim

Đa số các cơn nhồi máu cơ tim là hậu quả của bệnh mạch vành, xảy ra do các chất béo, mỡ và các mảng vôi hóa hình thành ở động mạch vành theo thời gian. Các mảng bám này có thể bị vỡ ra, làm dòng máu lưu thông qua động mạch vành chậm lại và tắt nghẽn từ đó hình thành cục máu đông trên bề mặt các mảng bám. Nếu cục máu đông đủ lớn, nó có thể làm tắc nghẽn hoàn toàn dòng máu chảy qua động mạch vành.

Nhồi máu cơ tim cũng có thể gây ra bởi co thắt mạch vành ( Co thắt mạch vành là tình trạng xảy ra khi một động mạch của tim bị co thắt tạm thời), tuy nhiên đây là nguyên nhân rất hiếm gặp. Tình trạng này có thể gây ra bởi một số vấn đề như: Uống cocaine; Căng thẳng về mặt cảm xúc hoặc gặp phải một nỗi đau nào đó; Tiếp xúc với thời tiết cực lạnh; Hút thuốc lá.

ung-pho-voi-benh-nhoi-mau-co-tim-hinh-anh2

Đa số các cơn nhồi máu cơ tim là hậu quả của bệnh mạch vành

Một nghiên cứu gần đây cho thấy khi thành động mạch vành bị viêm sẽ làm cho các mảng xơ vữa dần dần tích tụ nhiều hơn, từ đó làm gia tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh

Một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim như: Cao huyết áp; Tăng cholesterol máu; Béo phì; Hút thuốc lá; Gia đình có người bị bệnh tim; Đái tháo đường; Công việc đòi hỏi phải ngồi nhiều; Căng thẳng cũng được cho rằng sẽ tăng nguy cơ gây bệnh, làm việc gắng sức và kích động mạnh cũng có thể trở thành yếu tố khởi phát nhồi máu cơ tim.

Chẩn đoán nhồi máu cơ tim và các xét nghiệm

Bác sĩ sẽ dựa vào và kết hợp 3 yếu tố sau để đưa ra chẩn đoán nhồi máu cơ tim:

  • Triệu chứng và các dấu hiệu cảnh báo
  • Bệnh án của bạn và gia đình.
  • Các kết quả xét nghiệm chẩn đoán liên quan

Dưới đây là các xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhồi máu cơ tim:

ECG (điện tâm đồ)

Điện tâm đồ là một xét nghiệm đơn giản và không gây đau đớn giúp phát hiện và ghi nhận lại hoạt động điện thế của tim. Xét nghiệm này cho thấy tần số và nhịp tim (ổn định hay bất thường).

Ngoài ra, còn có thể ghi nhận được cường độ và thời điểm mà những xung động điện đi qua từng phần của tim hay các dấu hiệu của tổn thương tim do bệnh mạch vành. Các dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim cũ hoặc hiện tại cũng được thể hiện trên điện tâm đồ.

Xét nghiệm máu

 Khi bị nhồi máu cơ tim, các tế bào cơ tim chết đi và giải phóng các phân tử protein vào máu. Xét nghiệm máu có thể định lượng những protein này trong máu. Nếu lượng protein trong máu tăng lên bất thường thì đây có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim. Xét nghiệm máu thường được sử dụng bao gồm Troponin, CK hoặc CK-MB, Myoglobin huyết thanh.

Lưu ý: Các xét nghiệm máu thường được làm lại nhiều lần trong nhiều ngày để đánh giá sự thay đổi theo thời gian.

Chụp mạch vành

 Chụp mạch vành là một xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh dùng phương pháp chụp X-quang và một loại thuốc nhuộm đặc biệt giúp bác sĩ có thể quan sát được bên trong mạch vành.

Điều trị nhồi máu cơ tim

Việc điều trị sớm một cơn nhồi máu cơ tim có thể ngăn ngừa và giảm thiểu tổn thương cơ tim. Xử trí nhanh và ngay thời điểm có triệu chứng đầu tiên của nhồi máu cơ tim thì cơ hội cứu mạng bệnh nhân càng cao.

Một số điều trị cụ thể có thể được bắt đầu ngay khi nghi ngờ có nhồi máu cơ tim, thậm chí trước cả khi chẩn đoán được xác định, bao gồm:

  • Liệu pháp oxy.
  • Sử dụng Aspirin để giảm lưu lượng máu và ngăn ngừa tạo thêm huyết khối.
  • Nitroglycerin giúp giảm tải hoạt động tim và cải thiện dòng máu chảy qua động mạch vành.
  • Điều trị triệu chứng đau ngực.
    ung-pho-voi-benh-nhoi-mau-co-tim-hinh-anh3

Sử dụng thuốc Aspirin để giảm lưu lượng máu và ngăn ngừa tạo thêm huyết khối

Khi đã chẩn đoán hoặc trong trường hợp bạn có nguy cơ rất cao bị nhồi máu cơ tim, bác sĩ sẽ bắt đầu điều trị giúp khôi phục máu đến tim kịp thời. Có hai phương pháp điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc tan huyết khối và can thiệp động mạch vành qua da.

Sử dụng thuốc tan huyết khối

Các thuốc  tan huyết khối được sử dụng để làm tan các cục máu đông đang làm tắc nghẽn động mạch vành. Để đạt hiệu quả tối ưu, những thuốc này phải được sử dụng trong vòng vài giờ từ khi khởi phát các triệu chứng nhồi máu cơ tim. Càng sử dụng thuốc tan huyết khối sớm càng tốt cho bệnh nhân.

Can thiệp động mạch vành qua da

Là một thủ thuật không cần phẫu thuật giúp tái thông các động mạch vành bị tắc nghẽn hoặc bị hẹp. Thủ thuật này còn được gọi là tái thông mạch vành.

Bên cạnh hai phương pháp điều trị chủ yếu ở trên thì còn có các phương pháp khác như dùng các loại thuốc và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành để cấp cứu và điều trị cho người bị nhồi máu cơ tim.

Dùng thuốc

  • Beta-blocker (thuốc chẹn Beta ): Giúp giảm tải cho tim. Ngoài ra còn được sử dụng để giảm triệu chứng đau ngực và giúp ngăn ngừa các cơn nhồi máu cơ tim tái phát, chúng cũng được sử dụng trong điều trị rối loạn nhịp tim.
  • Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin: Giúp giảm huyết áp và giảm áp lực trên tim, ngoài ra còn giúp làm chậm tiến triển tổn thương tim.
  • Thuốc kháng đông: Ngăn cục máu đông hình thành trong động mạch, ngoài ra còn ngăn không cho các các cục máu đông đã có tăng kích thước.
  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Ngăn tiểu cầu kết tập lại với nhau và tạo thành cục máu đông không mong muốn.
  • Một số thuốc khác như: Thuốc giảm đau và điều trị rối loạn nhịp tim, thuốc giảm cholesterol (statins).

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cũng có thể được dùng để điều trị nhồi máu cơ tim. Trong phẫu thuật này, bác sĩ lấy một động mạch hoặc tĩnh mạch khỏe mạnh từ cơ thể bệnh nhân đem nối với động mạch vành bị tắc nghẽn. Động hoặc tĩnh mạch bắc cầu qua nơi bị tắc nghẽn của động mạch vành, tạo nên một đường đi mới cho máu đến nuôi cơ tim.

Lưu ý sau khi xuất viện

Đa số bệnh nhân chỉ phải nằm viện vài ngày sau một cơn nhồi máu cơ tim. Việc điều trị tại nhà của bệnh nhân có thể bao gồm uống thuốc và phục hồi chức năng tim. Bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân chích vacxin ngừa phế cầu mỗi năm.

Ngoài ra bệnh nhân còn có thể được yêu cầu thay đổi lối sống, bao gồm tuân theo chế độ ăn tốt cho tim mạch, vận động cơ thể, duy trì cân nặng lý tưởng và bỏ hút thuốc lá. Tuân theo những lối sống trên có thể giúp giảm nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim.

Thực hiện lối sống lành mạnh

Không thể phòng ngừa hoàn toàn được cơn nhồi máu cơ tim, tuy nhiên, thực hiện một lối sống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

Để có một trái tim khỏe mạnh, bạn cần có một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, các loại thịt nạc, thịt gia cầm, cá, đậu và các loại sản phẩm không có chất béo hoặc sữa ít béo hoặc sữa.

Nếu đang bị thừa cân hoặc béo phì, bạn hãy lên kế hoạch giảm cân hợp lý vì việc kiểm soát cân nặng có thể kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim. Hoạt động thể chất thường xuyên để cải thiện sức khỏe cũng như làm giảm nguy cơ mắc phải nhồi máu cơ tim.




  1. What is a heart attack. Đọc thêm tại: <http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/heartattack/>. [Ngày 20 tháng 03 năm 2015]
  2. Understanding heart attack: The basics. Đọc thêm tại: <http://www.webmd.com/heart-disease/understanding-heart-attack-basics?page=2#2>. [Ngày 20 tháng 03 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com