Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em là một bệnh tương đối phổ biến. Tuy vậy, bố mẹ có thể ngăn ngừa bệnh này cho bé một cách khá đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Kể cả những bé đã bị viêm tai giữa nếu được bảo vệ tốt sẽ khó có khả năng tái phát.
Bệnh viêm tai giữa có thể khiến bé nghe không rõ. Nếu tình trạng này kéo dài ở bé dưới 5 tuổi sẽ không hề tốt cho việc học nói và giao tiếp, bố mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để chẩn đoán bệnh kịp thời.
Với các bé đã từng bị bệnh viêm tai giữa, việc tái khám đều đặn theo lịch của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị cho con sẽ giảm hẳn nguy cơ phát lại bệnh.
Bệnh viêm tai giữa khiến bé nghe không rõ
Một số biện pháp ngăn ngừa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em
- Ráy tai là phòng tuyến bảo vệ tự nhiên cho ống tai của em bé khỏi côn trùng và bụi bẩn nên chẳng có lý do gì để mẹ phải lấy ráy tai cho con hàng ngày. Với các bé dưới 6 tháng, chỉ cần dốc nước trong tai bằng cách nghiêng đầu bé về một bên và lót miếng bông thấm hoặc khăn để nước chảy từ tai ra sau khi tắm cho bé và lau phần bên ngoài và vành tai bằng tăm bông thấm dầu em bé hoặc oxy già rất loãng, tuyệt đối không dùng bông ngoáy tai đưa sâu vào trong tai.
- Với các bé từ 6 tháng tuổi trở lên, việc cho con uống đầy đủ nước đun sôi để nguội hoặc nước tinh lọc đóng chai cũng là một cách để ráy tai bở hay loãng ra (đối với ráy tai ướt) và ráy tai sẽ dễ dàng đi ra ngoài hơn, giảm nguy cơ hình thành viêm tai giữa.
- Trẻ dưới 2 tuổi nếu được bú mẹ thường xuyên sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa hơn trẻ bú sữa công thức.
Nếu bú sữa mẹ thường xuyên, bé sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa ở trẻ
- Rửa tay con sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Tiêm chủng đầy đủ, nhất là vacxin phế cầu và vacxin cúm vì chúng sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị bệnh viêm tai giữa cho bé.
- Hạn chế việc cho con vừa ngủ vừa bú bình
- Gửi con ở nhà trẻ hay trường học có môi trường sạch sẽ, không dùng chung khăn lau với các bé khác.
- Một số bé có thể tự làm sạch dịch đọng ở tai giữa trong vòng 3 tháng mà không cần điều trị bằng thuốc. Vì vậy, nếu bé chỉ có dịch và không bị viêm nhiễm gì, bố mẹ chỉ cần theo dõi mà không nên cho con dùng kháng sinh ngay, đặc biệt là không tự ý mua thuốc kháng sinh về điều trị cho con.
- Không cho bé tiếp xúc với môi trường có khói thuốc lá (ở nhà hoặc đi quán xá có nhiều người hút thuốc). Thậm chí, khói thuốc vương lại trên tóc và quần áo của bố mẹ hút thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến con ít nhiều.
Viêm tai giữa ở trẻ em có thể tái phát
- Một số bé dùng thuốc kháng sinh qua đường uống trong thời gian quá dài hoặc quá thường xuyên có thể làm bé bị nhờn thuốc. Vì vậy, bố mẹ cần dùng thuốc kháng sinh theo đúng chỉ dẫn về liều lượng và thời gian cho con trong quá trình điều trị bệnh viêm tai giữa và nên trao đổi với bác sĩ để không kéo dài quá lâu việc điều trị này.
- Với một số bé bị tái phát bệnh viêm tai giữa, việc đặt ống thông trong tai cũng có tác dụng khá tốt.
- Bé cần nghỉ ngơi chứ không chạy nhảy hò hét trong quá trình điều trị bệnh viêm tai giữa vì lúc này cơ thể cần nhiều năng lượng để tham gia trận chiến với vi khuẩn gây viêm tai.
- Trong suốt quá trình điều trị, nếu bé phải đi máy bay thì bố mẹ nên trao đổi với bác sĩ các phương pháp giảm đau cho bé trong suốt chuyến đi và nhất là khi máy bay cất cánh hay hạ cánh.