Mẹ không hoàn hảo

Người thầy năm xưa trong ngày nhà giáo Việt Nam 20-11

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 hay còn gọi là Tết thầy cô không chỉ là dịp tôn vinh nhà giáo mà còn là dịp để những phụ huynh như tôi hồi tưởng lại khoảng thời gian học sinh tươi đẹp của mình.

Dù đã là Ba của hai tên nhóc nhưng cứ đến ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 là lòng tôi có cảm giác rất khó tả khi nhớ đến thời cắp sách đến trường của mình. Nói vậy nghe cho sang, chứ sự thật nhà tôi khi đó nghèo lắm, ăn còn không đủ lấy đâu ra tiền mua sách mà đến trường.

Tôi còn nhớ, mỗi ngày, tôi lẽo đẽo theo “nhỏ hàng xóm” xin xách cặp dùm cho nàng để cùng được đi đến trường. Trường học được dựng trên một khu đất trống ngoài thị xã. Trường học chỉ vỏn vẹn có ba lớp học với mái lá, tường đất trộn rơm. Trừ lớp học ra thì chỗ nào cũng là cỏ lau và tre trúc. Ở giữa sân trường còn có một cái ao nhỏ nhưng với tôi khi đó trường học là thiên đàng.

Khi “nhỏ hàng xóm” vào lớp học thì tôi đứng bên ngoài đóng giả vai người chờ đón để được học lỏm. Lúc đầu, thầy giáo không cho phép, vì sự xuất hiện của tôi làm cả lớp phân tâm. Nhưng thầy đuổi được một lúc, tôi lại lén lén, lấp ló bên cửa sổ để lắng nghe tiếng thầy giảng. Lâu dần, thầy thấy tôi thật sự ham học và kiên trì. Thầy cho phép tôi vào lớp ngồi. Các bạn có tập để tập viết theo thầy còn tôi viết giả vờ trên mặt bàn những chữ mà mình học được.

Sự nghiệp học lỏm của tôi được một thời gian thì bị một số thầy cô lớp khác biết và không đồng ý. Vì như vậy là mất 1 phần học phí nộp cho trường. Để thầy không gặp khó xử, tôi tự động không đến lớp nữa. Tôi nghỉ học được 1 tuần thì thầy tìm đến nhà. Thầy hỏi tôi có muốn thoát khỏi cuộc sống hiện tại hay không. Tôi không trả lời mà chỉ gật đầu. Tôi còn nhớ lúc đó thầy nói: “Cuộc sống em có bất hạnh hay hạnh phúc là do em quyết định. Muốn thay đổi cuộc sống này trước hết phải cố gắng vươn lên thay đổi bản thân. Để làm được điều đó em nên quay lại lớp học. Việc của em là cố gắng học thật tốt, còn những chuyện khác đã có thầy”.

Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11

Tôi đã quay lại trường với quyết tâm học để thay đổi đời mình. Khi tôi thi chuyển cấp lên cấp hai cũng là lúc thầy chuyển công tác về lại Sài Gòn để tiện chăm sóc cho cha mẹ già. Nhưng thầy vẫn giúp tôi xin giảm học phí để đỡ gánh nặng cho gia đình. Để cố gắng duy trì việc học, tôi nhận chân chạy bàn cho một tiệm ăn gần trường. Khi thi đậu vào trường Bách khoa, tôi lên Thành phố và tìm đến địa chỉ mà thầy đã cho tôi trước đó. Thầy trò gặp lại nhau sau nhiều năm, thấy tôi giữ đúng lời hứa thầy rất vui mừng. Thầy còn tiết lộ cho tôi biết, ngày đó không chỉ có thầy đóng học phí cho tôi đến trường mà còn có sự góp sức của “nhỏ hàng xóm”. Nàng ấy đã về nhà năn nỉ gia đình tài trợ một phần học phí cũng như sách vở để tôi có cơ hội đến trường.

Giờ đây, khi “nhỏ hàng xóm” đã trở thành vợ tôi, những khi đến ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 chúng tôi vẫn đưa hai đứa nhóc đến thăm thầy. Như một lời nhắc nhở bản thân về quá khứ để bản thân tôi luôn phấn đấu không được ngừng. Nhờ thầy mà cuộc sống của tôi cũng như gia đình có cơ hội thay đổi. Nhờ thầy mà đến hiện tại tôi vẫn tin rằng nghề giáo thật sự là một nghề cao quý với những ai thật sự có tấm lòng. Vẫn còn rất nhiều giáo viên thật sự yêu thương học trò của mình.Tình cảm đó không hề được trao đổi bằng vật chất mà xuất phát từ tấm chân tình tận đáy lòng họ.

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 tôi xin gửi lời chúc chân thành nhất đến người thầy năm xưa của tôi cùng tất cả những thầy cô giáo đang đã và đang xây dựng sự nghiệp trồng người.