Trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên mắc rối loạn lưỡng cực thường không biểu hiện những triệu chứng hành vi giống như người lớn, nên trẻ sẽ cần được một chuyên gia về sức khỏe tâm thần quan sát cẩn trọng trước khi đưa ra kết luận.
Nguyên nhân rối loạn lưỡng cực
Hiện nguyên nhân chính xác gây nên rối loạn vẫn chưa được xác định, nhưng các bác sĩ và các nhà nghiên cứu cho rằng rối loạn lưỡng cực có liên quan đến những yếu tố sinh học, di truyền và môi trường. Họ tin rằng rối loạn này là do sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh, dẫn đến hệ thống điều chỉnh tâm trạng của não hoạt động không bình thường.
Các yếu tố gen cũng góp phần vào rối loạn. Nếu người thân mắc rối loạn lưỡng cực thì nguy cơ trẻ cũng mắc rối loạn này sẽ tăng cao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nếu người thân trẻ mắc rối loạn thì tự động trẻ cũng sẽ phát triển triệu chứng rối loạn đó. Ngay cả những nghiên cứu về những cặp song sinh giống hệt nhau cùng lớn lên trong cùng một nhà thì đôi khi có một người trong cặp song sinh mắc rối loạn, nhưng người còn lại thì không. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang nỗ lực xác định xem loại gen nào có liên quan đến rối loạn lưỡng cực.
Những yếu tố về môi trường cũng góp phần vào phát triển rối loạn lưỡng cực. Ở một số trẻ vị thành niên, các yếu tố gây căng thẳng như trong gia đình có tang, cha mẹ ly dị hay những sự kiện gây chấn động tâm lý khác có thể làm kích hoạt giai đoạn đầu tiên của hưng cảm hoặc trầm cảm. Thỉnh thoảng, việc trải qua những biến đổi dậy thì cũng có thể dẫn đến một giai đoạn hưng – trầm cảm. Ở các bé gái thì triệu chứng có thể gắn với chu kì kinh nguyệt hàng tháng của mình.
Chẩn đoán
Hầu hết những người mắc rối loạn lưỡng cực đều nhận được sự hỗ trợ – nhưng đầu tiên phải được chẩn đoán bởi một bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học. Đáng buồn thay, nhiều người mắc rối loạn này thường không được chẩn đoán chính xác. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng, rối loạn có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Một số trẻ vị thành niên không được chẩn đoán xác định rối loạn hưng trầm cảm có thể sẽ phải gắn bó suốt đời trong bệnh viện tâm thần hoặc trung tâm điều trị nội trú, hoặc lạm dụng thuốc, hay tệ hại hơn là đi đến tự tử.
Trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên mắc rối loạn lưỡng cực thường không biểu hiện những triệu chứng hành vi giống như người lớn nên trẻ sẽ cần được một chuyên gia về sức khỏe tâm thần quan sát cẩn trọng trước khi đưa ra kết luận chẩn đoán, bao gồm việc hoàn thiện bản ghi nhận quá trình trải qua rối loạn của trẻ trước đây và hiện tại. Các thành viên trong gia đình cùng bạn bè của trẻ cũng có thể cung cấp thêm những thông tin hữu ích hơn về hành vi của trẻ đó. Đồng thời, bác sĩ sẽ khám tổng quát cho trẻ để loại trừ những tình trạng bệnh khác.
Việc chẩn đoán rối loạn lưỡng cực là rất khó khăn. Trước đây chưa và cũng không có bất kì xét nghiệm nào thực hiện trong phòng thử nghiệm (như máy quét não, xét nghiệm máu) để phục vụ cho việc chẩn đoán. Ở trẻ vị thành niên, rối loạn lưỡng cực đôi khi bị chẩn đoán nhầm với những bệnh lý khác như tâm thần phân liệt hay rối loạn stress sau sang chấn, tăng động – kém chú ý (ADHD) hoặc những rối loạn trầm cảm khác. Đó là lý do vì sao việc khai thác lịch sử bệnh đầy đủ, chi tiết có ý nghĩa quan trọng đến như vậy.
Xem thêm: Phân loại rối loạn lưỡng cực ở trẻ em và thanh thiếu niên