Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở các bé, rất dễ lây lan và có thể gây thành dịch bệnh. Bệnh sởi ở trẻ em rất dễ nhận biết do những đặc trưng như sốt, sổ mũi, đau họng, phát ban,…đôi khi dẫn đến những biến chứng cực kỳ nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Vài thông tin về bệnh sởi
Đừng xem thường bệnh sởi nhé, đặc biệt là nếu nó xảy ra ở trẻ em. Sởi có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm tai giữa và tiêu chảy, một số bé bị sởi có thể phát triển thành một số biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi, viêm não. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên quá lo lắng bởi hiện nay việc tiêm phòng sởi cho trẻ có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh này.
Khi bé ho, hắt hơi hoặc chia sẻ thức ăn nước uống với người khác có thể khiến sởi lây lan. Các virus sởi có thể sống ở ngoài không khí lên đến vài giờ, ở đó chúng vẫn hoạt động và có thể lây nhiễm cho người khác.
Ngoài ra, bé cũng có thể nhiễm virus bằng cách cho ngón tay vào miệng, mũi hoặc dụi mắt sau khi chạm vào các bề mặt bị nhiễm virus (nghĩa là bé có thể bị bệnh sởi nếu đang ở gần một người có virus ngay cả khi người đó không ho hoặc hắt hơi trực tiếp vào bé).
Triệu chứng của bệnh sởi
Các thời kỳ của bệnh sởi diễn ra với trình tự tiếp nối như sau:
Thời kỳ ủ bệnh. Bé không biểu hiện triệu chứng gì từ 10 – 14 ngày sau khi nhiễm virus sởi.
Thời kỳ khởi phát. Bé xuất hiện những triệu chứng không điển hình như sốt nhẹ đến vừa, thường kèm ho, sổ mũi, đỏ mắt và đau họng, kéo dài khoảng 2 – 3 ngày.
Vào giai đoạn này khi xét nghiệm họng có thể thấy những chấm trắng nhỏ khoảng 1 mm mọc trên nền niêm mạc má viêm đỏ, có vị trí ngay với răng hàm thứ nhất được gọi là đốm Koplik.
Thời kỳ toàn phát. Bé bắt đầu phát ban, trước tiên ở mặt, đặc biệt là phía sau tai và dọc theo đường chân tóc, sau đó phát ban lan xuống cánh tay và thân, đến đùi, cẳng chân và bàn chân.
Phát ban sởi thường có màu hồng nhạt, mất đi khi ấn vào và thường kết dính. Ban mọc thưa thớt khi bị sởi nhẹ. Nhưng bé nào bị sởi nặng các nốt ban có thể mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết tiêu hóa.
Cũng trong thời gian này, bé sẽ thường sốt cao từ 40-41oC. Sau đó các phát ban sởi dần dần lặn đi, nhạt màu dần đầu tiên ở mặt và cuối cùng là đùi và bàn chân.
Bé có thể lây virus cho người khác trong vòng khoảng 8 ngày, bắt đầu từ 4 ngày trước khi bé nổi ban và chấm dứt khi ban nổi được 4 ngày.
Ngoài ra, mẹ cũng cần lưu ý một điều đó là sởi là bệnh có miễn dịch suốt đời nên bé chỉ mắc sởi duy nhất một lần trong đời. Vì vậy nếu đã từng mắc sởi 1 lần nhưng sau đó bé vẫn tiếp tục xuất hiện các ban dạng sởi, mẹ cần nghĩ ngay đến những nguyên nhân khác nhé.
Giúp bé dễ chịu hơn khi mắc bệnh sởi
Thông thường, các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh sởi ở trẻ em dựa trên đặc điểm phát ban của bệnh cũng như tìm thấy dấu Koplik trong miệng bé. Nếu chưa chắc chắn, các bác sĩ sẽ cho bé làm xét nghiệm máu để xác nhận các nốt phát ban của bé có thực sự là do sởi hay không.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh sởi ở trẻ em. Virus và các triệu chứng thường tự biến mất trong vòng 2-3 tuần. Tuy nhiên, bác sĩ có thể cho một số loại thuốc và mẹ có thể làm một số điều để giúp bé khá hơn như:
Thuốc hạ sốt. Mẹ có thể cho bé uống một số loại thuốc như Acetaminophen (Tylenol), Ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc Naproxen(Aleve) để giúp làm dịu cơn sốt cho bé. Mặc dù Aspirin được chấp thuận sử dụng ở trẻ em trên 3 tuổi, nhưng mẹ hãy thận trọng khi cho các bé sử dụng aspirin nhé, vì dùng Aspirin có thể khiến bé mắc hội chứng Reye, một bệnh hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng đấy.
Việc sử dụng thuốc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, sức khỏe và mức độ nghiêm trọng, vì vậy, mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho bé sử dụng bất kì loại thuốc nào nhé.
Bé có thể được kê thuốc kháng sinh hoặc nhập viện để có hướng điều trị thích hợp trong trường hợp bệnh sởi dẫn đến một số biến chứng khác như viêm não, tiêu chảy.
Vitamin A. Nếu bé có nồng độ vitamin A trong cơ thể thấp, có nhiều khả năng bệnh sởi sẽ nghiêm trọng hơn. Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, cho bé sử dụng vitamin A có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh sởi đấy.
Nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Bé cần nghỉ ngơi nhiều hơn để hệ miễn dịch được phục hồi và đừng quên khuyến khích bé uống nhiều nước trong thời gian này nhé!
Sử dụng các loại máy phun hơi nước. Một cách nữa để giúp bé dễ chịu hơn khi mắc bệnh sởi là sử dụng các loại máy phun hơi nước để tạo độ ẩm giúp bé giảm ho và đau họng.
Xem thêm: Chủ động tiêm phòng sởi cho bé
- Bệnh sởi. Đọc thêm tại: <http://benhnhietdoi.vn/tin-tuc/Benh-nhiet-doi/benh-soi_7835.html>. [Ngày 01 tháng 12 năm 2014].
- Measles. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/measles/basics/definition/con-20019675>. [Ngày 15 tháng 12 năm 2014]
- Measles. Đọc thêm tại: <http://www.healthline.com/health/measles#Overview1>. [Ngày 15 tháng 12 năm 2014].
- Measles. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/infections/lung/measles.html#>. [Ngày 15 tháng 12 năm 2014].
- Measles. Đọc thêm tại: <http://www.cdc.gov/measles/about/complications.html>. [Ngày 15 tháng 12 năm 2014].
- Measles. Q&A about disease& vaccine. Đọc thêm tại: <http://www.cdc.gov/vaccines/vpd-vac/measles/faqs-dis-vac-risks.htm>. [Ngày 07 tháng 07 năm 2015