Nhau cài răng lược là biến chứng có tỷ lệ rủi ro cao khi mang thai, làm tăng nguy cơ xuất huyết nhiều trong quá trình nhau thai tách khỏi tử cung.
Nhau cài răng lược là gì?
Nhau cài răng lược (Placenta accreta) là tình trạng nhau thai bám một cách chắc chắn bất thường lên thành tử cung. Tùy thuộc vào mức độ xâm nhập sâu bao nhiêu của các tế bào nhau thai mà tình trạng này có thể được gọi là placenta increta (khi nhau thai xâm nhập vào lớp cơ tử cung) hay placenta percreta (nhau thai xâm nhập xuyên qua lớp thành tử cung dày, và có thể xâm nhập vào các cơ quan lân cận trong bụng, thường là bàng quang). Nhau cài răng lược là biến chứng có tỷ lệ rủi ro cao khi mang thai, làm tăng nguy cơ xuất huyết nhiều trong quá trình nhau thai tách khỏi tử cung.
Nhau cài răng lược có phổ biến?
Rất may là biến chứng này rất hiếm gặp, chỉ 1/2.500 phụ nữ mang thai gặp biến chứng nhau cài răng lược bất thường này. Nhau cài răng lược loại bám sâu vào thành tử cung nhưng nó không xâm nhập vào cơ tử cung là loại phổ biến nhất, chiếm 75% tổng số các trường hợp. Loại Placenta Increta (nhau thai bám sâu hơn vào thành tử cung và xâm nhập vào cơ tử cung) chiếm tỉ lệ 15%. Và loại Placenta Percreta (nhau thai đi xuyên qua toàn bộ thành và cơ tử cung, gắn vào cơ quan khác gần tử cung như bàng quang) ít phổ biến nhất trong ba loại, chiếm khoảng 10% tất cả các trường hợp.
Nhau cài răng lược – Biến chứng thai kỳ nguy hiểm
Nhau cài răng lược được cho là có liên quan đến các bất thường của niêm mạc tử cung, thường do sẹo để lại sau khi mẹ đã sinh mổ hoặc có những phẫu thuật tử cung khác. Nó sẽ cho phép nhau thai phát triển sâu hơn vào thành tử cung. Cho nên nguy cơ mẹ gặp nhau cài răng lược sẽ cao hơn nếu mẹ có nhau tiền đạo và đã từng sinh mổ trước đây.
Dấu hiệu và triệu chứng của nhau cài răng lược
Thường thì nhau cài răng lược không có một triệu chứng nào biểu hiện. Tình trạng này thường được chẩn đoán thông qua siêu âm màu Doppler hoặc có thể khi mẹ sinh con, nhau thai không tách khỏi thành tử cung được khi bé đã chào đời.
Mẹ và bác sĩ có thề làm gì?
Rất tiếc, dường như mẹ không thể làm được gì để ngăn ngừa việc bị nhau cài răng lược, và khi đã được chẩn đoán gặp biến chứng này thì cũng rất ít biện pháp có thể can thiệp. Nếu mẹ được chẩn đoán mắc nhau cài răng lược, bác sĩ sẽ theo dõi thai kỳ của mẹ kĩ càng hơn với mục đích lập kế hoạch sinh con một cách tốt nhất và có thể sẽ phẫu thuật để giúp giải thoát cho tử cung. Cho nên, nếu mẹ mong muốn có con thêm, việc thảo luận về phẫu thuật này với bác sĩ sẽ rất quan trọng đấy.
Trong hầu hết các trường hợp, nhau thai phải được loại bỏ thông qua việc phẫu thuật sau sinh để ngừng chảy máu. Trong một số trường hợp rất hiếm gặp, chảy máu không thể kiểm soát được khi đã thắt mạch máu, thì việc loại bỏ toàn bộ tử cung có thể phải được tiến hành.