Nghi lễ truyền thống gia đình được định nghĩa là những hành vi hoặc hoạt động có liên quan đến hầu hết hoặc tất cả các thành viên trong gia đình.
Những hoạt động này có thể xảy ra trong từng giai đoạn, có ý nghĩa tượng trưng đối với các thành viên gia đình, và được quý trọng bởi những người tham gia để những hoạt động như vậy có thể duy trì trong tương lai. Những nghi lễ phản ánh truyền thống gia đình và liên quan đến quan điểm, tập quán về văn hóa, tôn giáo và sắc tộc.
Tầm quan trọng của nghi lễ truyền thống gia đình
Nghi lễ truyền thống gia đình là những điều chỉ gia đình bạn làm. Chúng truyền thông điệp rằng “đây là gia đình chúng tôi” và mang lại cho bạn cảm giác mình là một phần của gia đình.
Vài nghi lễ có thể được đặt ra từ thời ông bà hoặc những người họ hàng khác trong gia đình. Ngoài ra, những nghi lễ khác bạn có thể tự đặt ra trong phạm vi gia đình mình.
Những nghi lễ và thói quen trong gia đình giúp trẻ tăng cảm giác an toàn và dự đoán trước được điều gì sẽ xảy ra.
Xây dựng nghi lễ truyền thống gia đình
Mỗi gia đình nên có những hoạt động mà mọi người đều thích thú và biến hoạt động đó thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Đó có thể là tham dự các hoạt động cộng đồng, hoạt động tôn giáo hoặc đi câu cá cùng nhau. Cho dù là gì đi nữa, những hoạt động này sẽ giúp thắt chặt tình thân thiết của gia đình.
Dưới dây là một vài nghi lễ thường gặp ở nhiều gia đình:
- Các cuộc trò chuyện quan trọng
Việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái phải được ưu tiên hàng đầu trong nghi lễ truyền thống gia đình. Dành thời gian để nói chuyện, thảo luận về các hoạt động trong ngày và trong tuần, chia sẻ suy nghĩ và để tâm lắng nghe lẫn nhau.
Tôn trọng sự riêng tư của con khi trẻ bắt đầu có nhu cầu tìm kiếm sự độc lập. Cha mẹ cần có cuộc trò chuyện riêng với từng trẻ mà không có sự tham gia của các trẻ còn lại. Nếu cha mẹ tôn trọng những mong muốn của con, điều này có thể tạo lòng tin giữa cha mẹ và con cái.
Vài gia đình sắp xếp thời gian họp mặt gia đình hàng tuần. Khi tất cả mọi người có mặt, những vấn đề trong gia đình, những mối quan hệ, kế hoạch và những trải nghiệm sẽ được mang ra thảo luận, và tất cả mọi người từ nhỏ đến lớn đều có cơ hội được tham gia và chia sẻ.
- Các hoạt động giải trí và văn hóa
Hoạt động giải trí là một cách quan trọng để củng cố mối quan hệ gia đình. Thể thao (với vai trò người chơi hay khán giả), các trò chơi, xem phim và đi bộ trong công viên là những cách hữu ích làm tăng sự gắn bó và giảm căng thẳng.
Các hoạt động văn hóa cũng rất có ích. Tham quan viện bảo tàng, thư viện, xem kịch, nhạc kịch và các buổi hòa nhạc có thể mở mang nhận thức của gia đình và tăng sự cảm thụ đối với nghệ thuật.
- Đi mua sắm
Những chuyến mua sắm cùng nhau tạo cơ hội cho cha mẹ và con cái có thời gian bên nhau. Cho dù mua sắm hàng tạp hóa hay mua quà sinh nhật đều mang lại niềm vui và hứng thú cho trẻ. Hãy để cho trẻ lên danh sách các thứ cần mua, tìm kiếm chúng ở cửa hàng, mang túi hàng bỏ vào xe, và tháo chúng ra khi về đến nhà. Cho phép trẻ có vài lựa chọn và giao cho trẻ một vài trách nhiệm hợp lý để nâng cao sự tự tin ở trẻ.
- Đọc và hát lớn tiếng
Cả gia đình cùng đọc và hát to làm tăng cảm giác gần gũi, tăng cảm thụ đối với âm nhạc và sách. Cha mẹ nên biết những cuốn sách nào trẻ thích đọc, và loại nhạc nào trẻ thích nghe. Rất thú vị khi cha mẹ và con cái thay nhau đọc to những cuốn sách, và cha mẹ đọc cho con nghe những câu chuyện và những bài hát mà cha mẹ từng yêu thích khi còn nhỏ.
- Truyền thống ngày lễ
Đây cũng là một trong những hoạt động tạo niềm vui trong gia đình. Học hỏi về lịch sử, tầm quan trọng và nghi lễ của mỗi ngày lễ sẽ giúp trẻ có trách nhiệm hơn với việc tham gia chuẩn bị kỳ nghỉ và các ngày lễ kỷ niệm.
- Theo một tôn giáo
Đối với nhiều gia đình, tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp một truyền thống đạo đức, các giá trị, mạng lưới bạn bè và hàng xóm.
Tuy nhiên, gia đình bạn không nhất thiết phải đều đặn đến chùa, nhà thờ hoặc một nơi thờ cúng để có thể chia sẻ giá trị đạo đức với con cái và giúp con phát triển nhận thức về lịch sử của gia đình. Nhiều gia đình vẫn có thể có một đời sống tinh thần khỏe mạnh mà không cần theo một tổ chức tôn giáo nào.
Trong đời sống gia đình, luôn có nhiều sự việc và những biến đổi quan trọng xảy ra. Nghi lễ truyền thống gia đình là cách quan trọng và hữu ích giúp gia đình và cá nhân đối phó với những chuyển biến và mất mát, giúp hàn gắn và duy trì giá trị chuẩn mực từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc sử dụng những nghi lễ một cách hiệu quả giúp gia đình phát triển vững mạnh và tạo môi trường an toàn, hạnh phúc cho mỗi thành viên trong gia đình.
Nguồn đọc thêm
- Rituals and Family Strength. Đọc thêm tại: <http://www.directionjournal.org/19/1/rituals-and-family-strength.html>. [Ngày 26 tháng 9 năm 2015].
- Family rutuals: what are they?. Đọc thêm tại: <http://raisingchildren.net.au/articles/rituals_and_how_they_work.html>. [Ngày 26 tháng 9 năm 2015].
- Edward L.Schor, M.D. (2004). Caring for your school-age child: ages 5 to12. Bantam Books. Trang 332 – 335.