Điểm danh những vấn đề khi cho con bú mẹ bỉm sữa thường gặp phải: Ôm ấp con yêu 9 tháng trong bụng cho đến khi con cất tiếng khóc chào đời và nuôi con khôn lớn là cả một chặng đường dài vất vả đối với các mẹ. Một số mẹ may mắn khi việc nuôi con diễn ra hết sức suôn sẻ nhưng cũng có nhiều mẹ gặp nhiều trở ngại.
Nứt cổ gà, viêm tuyến vú và căng tức sữa là những vấn đề khi cho con bú mà hầu như bà mẹ bỉm sữa nào cũng phải trải qua sau khi sinh!
Những vấn đề khi cho con bú: Đau và nứt đầu ti (nứt cổ gà)
Việc cho bé bú mẹ có thể sẽ khiến mẹ bị đau, đặc biệt là trong tuần đầu tiên hoặc lâu hơn. Cho bé bú đúng cách là biện pháp hữu hiệu nhất để giúp mẹ không bị đau hay nứt đầu ti (nứt cổ gà). Khi tắm, mẹ hãy rửa sạch ti một cách nhẹ nhàng bằng nước – không dùng xà phòng. Những loại kem dưỡng da hay việc cọ xát mạnh sẽ khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Trong điều kiện khí hậu ẩm ướt, cách chữa trị hiệu quả nhất là giữ cho ngực mẹ luôn khô ráo. Không nên đeo núm ti giả bằng nhựa hay miếng dán thấm sữa vì sẽ càng khiến ngực mẹ bị ẩm, thay vào đó mẹ hãy để ngực trần càng nhiều càng tốt.
Nứt cổ gà là một trong những vấn đề khi cho con bú mà rất nhiều mẹ bỉm sữa gặp phải
Ngoài ra sau khi bé bú, mẹ có thể tận dụng vài giọt sữa còn đọng lại trên ngực thoa xung quanh núm ti và để khô tự nhiên. Còn trong điều kiện thời tiết khô thì mẹ có thể thoa 1 ít mỡ lông cừu loại không gây dị ứng. Nếu tình trạng không cải thiện hãy hỏi ý kiến bác sĩ vì nhiều khả năng là mẹ bị nhiễm nấm hoặc nhiễm khuẩn.
>> Mẹ đã biết cách trị nứt cổ gà khi cho con bú chưa?
Căng tức sữa – Một trong những vấn đề khi cho con bú phổ biến nhất
Ngực mẹ sẽ bị căng sữa nghiêm trọng nếu trẻ không thường xuyên bú hoặc khi bú không được tốt trong khoảng vài ngày sau khi sữa về. Ngực căng sữa gây ra tình trạng sưng tấy ở các ống dẫn sữa trong ngực và mạch máu ở toàn bộ phần ngực.
Cách chữa trị tốt nhất là mẹ cho bé bú thường xuyên, vắt sữa bằng tay hoặc máy hút và mỗi lần cho bé bú cả hai bên ngực. Nhiệt độ ấm rất tốt để kích thích sữa chảy, vì thế mẹ có thể dùng gạc ấm đắp lên ngực khi cho trẻ bú hoặc vắt sữa khi đứng dưới vòi hoa sen nước ấm. Ngoài ra, mẹ có thể dùng gạc mát giữa các lần cho trẻ bú để giảm cảm giác căng tức khó chịu.
>> Kinh nghiệm chữa căng sữa sau khi sinh cực kỳ hiệu quả
Những vấn đề khi cho con bú: Viêm tuyến vú
Chứng viêm vú là 1 dạng viêm nhiễm do vi khuẩn gây ra. Triệu chứng của bệnh này gần giống như triệu chứng cúm: sốt, nhức đầu, ớn lạnh, buồn nôn, chóng mặt và mệt mỏi. Những triệu chứng này xuất hiện cùng với những dấu hiệu quanh vú như: đỏ, căng tức, nóng và đau.
Nếu có những triệu chứng này, mẹ nên đi bác sĩ ngay lập tức. Chứng viêm nhiễm này sẽ được điều trị bằng cách hút sữa, nghỉ ngơi, truyền dịch, kháng sinh và thậm chí là thuốc giảm đau nếu cần. Bác sĩ sẽ kê cho bạn loại thuốc kháng sinh an toàn cho bé khi bú mẹ. Ngay cả khi mẹ đã cảm thấy khá hơn rồi thì cũng vẫn nên uống đủ thuốc đã được kê toa và cố gắng tiếp tục cho bé bú nếu không tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng trở lại. Mẹ hãy yên tâm vì sữa mẹ không bị nhiễm khuẩn cũng như tính chất của sữa cũng không bị thay đổi bởi thuốc kháng sinh.
Viêm vú là 1 dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của cơ thể mẹ đang bị suy giảm. Để hồi phục, mẹ nên nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc và giảm cường độ hoạt động. Mặc dù hiếm gặp nhưng mẹ có thể sẽ cảm thấy đau khi cho bé bú ở bên ngực bị viêm. Trong trường hợp đó, mẹ nên để sữa chảy tự nhiên và thấm sữa từ ngực bị đau trong khi cho bé bú bên còn lại. Sau đó bé có thể bú bên bị đau khi mẹ đã bớt khó chịu. Một số mẹ cảm thấy việc hút sữa sẽ đỡ đau hơn vệc cho bé bú trực tiếp.
Triệu chứng của bệnh viêm tuyến vú cũng gần giống như cảm cúm vậy!
Thời điểm mẹ đi làm trở lại là khoảng thời gian dễ bị viêm vú nhất. Do đó mẹ cần hút sữa đều đặn. Lý tưởng nhất là theo thời gian bé bú từ trước đến giờ để tránh bị viêm.
Thắc mắc thường gặp về những vấn đề khi cho con bú
Cho con bú sữa có làm mẹ đau đớn?
Cho bé bú mẹ sẽ không gây ra tình trạng đau đớn nếu bế đúng tư thế và cho bé ngậm vú đúng cách. Miệng trẻ nên mở rộng để có thể ngậm cả quầng vú trong miệng chứ không phải chỉ mình núm vú. Nếu mẹ cảm thấy đau là do trẻ ngậm vú mẹ không đúng cách.
Ngực nhỏ có thể cho con bú không?
Bộ ngực to hay nhỏ không liên quan tới khả năng sản xuất sữa. Kích thước ngực được quyết định bởi số lượng mô mỡ trong ngực, chứ không phải là mô tiết ra sữa. Hầu hết phụ nữ, bất kể kích thước vòng một to hay nhỏ, đều có thể sản xuất đủ sữa theo nhu cầu của em bé.
Mẹ nên làm gì khi cho con bú ở nơi công cộng?
Nếu bé đang bú mẹ thì mẹ nên chọn mặc các loại áo có cúc trước ngực khi ra khỏi nhà để dễ dàng cho bé bú.. Ngoài ra mẹ nên mang theo một chiếc khăn đủ lớn để có thể che chắn khi cho bé bú, như vậy sẽ kín đáo và thoải mái hơn. Đặc biệt, mẹ nên cho bé bú trước khi bé quấy khóc vì đói.
Cho con bú là niềm hạnh phúc của các bà mẹ!
Mẹ có thể uống thuốc trong khi đang cho con bú sữa mẹ?
Phần lớn các loại thuốc không xâm nhập vào trong sữa mẹ. Nhưng để đảm bảo an toàn nhất thì mẹ nên dùng thuốc theo toa bác sĩ kê để có sự tư vấn về loại thuốc dùng trong khi cho bé bú sữa.
Xem thêm: Thận trọng với việc dùng thuốc khi cho con bú
Liệu sau phẫu thuật thẫm mỹ ngực có thể cho con bú?
Dù là phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực hay thu nhỏ kích cỡ ngực thì mẹ vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ và có khả năng cho con bú bình thường nếu kỹ thuật phẫu thuật không tác động đến việc di dời hoặc loại bỏ các ống dẫn sữa. Mẹ tham khảo thêm bài Có nên cho bé bú sữa mẹ khi mẹ từng nâng ngực thẩm mỹ? để có thêm thông tin chi tiết.
Mẹ có thể cho con bú mà vẫn dùng các chất caffein?
Nếu mẹ nào thích các loại đồ uống có chất caffein thì chỉ nên dùng 230 – 500ml mỗi ngày, chẳng hạn như cà phê hay nước ngọt sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nào cho trẻ. Hàm lượng lớn caffein có thể làm giảm lượng sữa mẹ hoặc làm cho bé cáu kỉnh.
Mẹ từng bị ung thư thì có thể cho con bú?
Các nghiên cứu y khoa cho thấy rằng cho con bú giúp bảo vệ mẹ chống lại căn bệnh ung thư vú. Nếu một người phụ nữ bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư hoặc có một khối u ác tính đã loại bỏ, nhưng không còn làm hóa trị liệu hoặc xạ trị, thì việc cho con bú rất được khuyến khích. Tuy nhiên mẹ cần có sự tư vấn của bác sĩ. Phần lớn các bác sĩ đều cho rằng việc cho con bú sữa mẹ an toàn sau khi khối u lành tính hoặc khối nang đã bị loại bỏ.
Mẹ bị nhiễm viêm gan siêu vi B & C mà vẫn cho con bú có an toàn không?
Vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy virus viêm gan B & C truyền từ mẹ sang con thông qua sữa mẹ. Do đó mẹ vẫn có thể cho trẻ bú bình thường nhưng cần đảm bảo là núm vú mẹ không bị nứt hay chảy máu để các loại virus không lây qua cho trẻ qua đường máu.
Những vấn đề khi cho con bú có thể nhiều vô số kể và đôi khi không thể lường trước được. Nhưng mẹ hãy luôn tự hào rằng mình đã làm tất cả mọi điều tốt nhất có thể cho con yêu của mình. Đó mới chính là điều tuyệt vời nhất khi làm mẹ phải không nào?