Cách chọn sò huyết như thế nào để không bị nhầm lẫn với các loại sò khác? Bạn chỉ cần biết các mẹo sau đây là bạn đã có thể phân biệt và chọn đúng sò huyết rồi đấy.
Sò huyết là loại nhuyễn thể hai mảnh, sống ở vùng trung triều ven biển và các đầm phá… ở độ sâu một, hai mét so với mặt nước. Thức ăn quan trọng của chúng là các mảnh vụn hữu cơ, thực vật phù du và tảo đơn bào.
Sở dĩ có tên là sò huyết bởi vì ruột của nó có màu đỏ hồng như máu, ăn rất bổ. Sò trưởng thành dài 5–6 cm và rộng 4–5 cm. Ở Việt Nam một vài nơi quen gọi sò huyết là sò trứng hay sò tròn.
Sò huyết bổ dưỡng cho sức khỏe
Nhiều người thường nhầm lẫn giữa sò huyết với sò gạo tuy nhiên nếu tinh ý bạn sẽ không quá khó khăn khi phân biệt hai loại sò này. Sò gạo có kích thước lớn hơn, có rạch xương to hơn và vỏ lại trắng hơn sò huyết. Miệng sò huyết thì hơi tròn còn sò gạo lại có miệng hơi méo.
Khi dùng vật nhọn chạm hoặc đâm vào phần thịt, sò huyết thường phun ra dịch đỏ như máu còn sò gạo hoặc sò lông thì có màu nhạt hơn nhiều.
Sò huyết có màu đỏ sẫm khi dùng vật nhọn đâm vào
Ngoài ra, sò huyết ăn rất ngọt và bổ dưỡng hơn nhiều, vậy nên giá thành thường cao gấp hai, ba lần sò gạo đấy.
Đừng nhầm lẫn sò huyết với sò gạo nhé – Đây là sò gạo
Sò gạo nếu không tinh ý bạn rất dễ nhầm lẫn với sò huyết
Một số ít người khác cũng bị nhầm lần giữa sò huyết và sò lông, tuy nhiên 2 loại sò này có rất nhiều điểm khác nhau và quá dễ dàng để phân biệt chúng.
Sò lông có hai mảnh vỏ hình bầu dục, ngả về phía trước, da của vỏ màu nâu phát triển thành lông (nên mới gọi là sò lông). Tuy thịt sò lông không ngon bằng sò huyết nhưng cũng được mọi người ưa chuộng và sử dụng khá rộng rãi.
Sò lông có nhiều điểm khác biệt với sò huyết
Sò huyết có giá trị dinh dưỡng cao, bổ máu, được chế biến thành nhiều món ăn như sò huyết sa tế, sò huyết xào me, bò xào sò huyết, cháo sò huyết… nhưng khi chế biến kĩ thường làm mất đi dinh dưỡng của sò.
Để đảm bảo lượng dinh dưỡng của loại sò này bạn chỉ cần trần qua nước sôi thì có thể ăn được rồi đấy – cách làm này cũng khá phổ biến. Những món ăn từ sò đều có tác dụng chữa bệnh tốt như bệnh cao huyết áp, suy nhược cơ thể, lao phổi.
Sò huyết sống ở nước lợ là ngon nhất vì những con sò thường nhanh lớn, thịt ngọt, thơm, béo hơn các vùng nước khác.
Khi có ý định mua sò huyết, ngoài việc tinh ý phân biệt với sò gạo và sò lông, một cách chọn sò huyết nữa là bạn cần quan sát và chỉ mua sò huyết ở những rổ có nhiều con sò thè lưỡi ra ngoài, vì đó là những con còn sống.
Nếu có thời gian bạn nên lựa từng con. Nếu sò ngậm miệng, bạn vẫn có thể biết được sò sống hay chết bằng cách ngửi sò, nếu có mùi hôi thì tuyệt đối không mua nhé.
Ngoài ra, nên chọn con vừa phải, không lớn quá cũng không nhỏ quá. Bởi khi chế biến con lớn sẽ bị dai còn thịt con nhỏ sẽ bị teo và khô lại, ăn không ngon đâu.
Tuy sò huyết ngon và bổ dưỡng thế nhưng cách làm sò huyết và khâu chế biến cũng khá kỳ công đấy. Đầu tiên, bạn cần lấy bàn chải đánh sạch lớp đất bên ngoài, rửa lại nhiều lần bằng nước sạch. Sau đó, ngâm sò trong nước ớt để sò há miệng nhả sạch bùn hoặc cát bên trong nhé.
Với những kinh nghiệm phân biệt và cách chọn sò huyết ngon này, bạn hãy trở thành người nội trợ thông thái nhé.
>> Hướng dẫn cách chọn và chế biến rau má cực ngon lại đảm bảo dưỡng chất