Phát triển ngôn ngữ cho trẻ 2 tuổi -3 tuổi là cách để trẻ em nhận biết ngôn ngữ giao tiếp trong các tình huống giao tiếp khác nhau trong cuộc sống. Sự phát triển của trẻ về mặt ngôn ngữ sẽ khác nhau giữa các bé, do vậy nếu bé nhà mình ít nói chưa hẳn là kém thông minh hơn bé nói nhiều đâu mẹ à.
Trẻ 2 tuổi, không những hiểu được hầu hết những gì bạn nói mà còn biết tương tác với người đối diện. Việc hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho trẻ 2 tuổi đến 3 tuổi sẽ khác nhau, và khả năng phát triển ngôn ngữ của các bé cùng độ tuổi cũng khác nhau, có bé nói rất nhiều, có bé lại khá trầm.
Nhưng điều này không có nghĩa bé nói được nhiều thông minh hơn bé ít nói, chỉ là cách biểu hiện cảm xúc và hành động của mỗi bé khác nhau mà thôi.
Câu chuyện của bé
Tới giờ tớ măm măm rồi mà mẹ quên pha sữa nên tớ phải nhắc mẹ. Lúc trước tớ còn nhỏ nên chỉ nói được những câu đơn giản gồm 2 hoặc 3 từ thôi, nhưng giờ tớ nói được câu dài tới 4, 5 hoặc 6 từ luôn như: “Mẹ ơi, con uống sữa”.
Khi 2 tuổi, tớ hiểu được thế nào là “sở hữu” kiểu như: gấu bông của con, mẹ của con… Cái gì tớ cũng thích chêm vào từ “của con” để “đánh dấu chủ quyền”. Thoạt nhìn thì việc đó có vẻ hơi ích kỉ một tẹo nhưng tớ nghĩ rằng khi lớn lên tớ sẽ bớt ích kỉ đi một chút. Cơ mà tớ nghe bà nói với mẹ rằng đứa trẻ nào ở tuổi của tớ cũng đều như vậy cả, nên chuyện đấy cũng bình thường thôi.
Ở giai đoạn này, tớ đã biết dùng ngôn ngữ để diễn tả trạng thái tâm trạng buồn, vui hay đang bực bội điều gì. Điều này thật tuyệt, trước đây tớ cứ ê a hay khóc nhè mỗi khi có nhu cầu ăn, uống, tiêu tiểu, thì giờ đây tớ có thể nói ra rồi. Tớ cảm thấy mình đã thật sự “trưởng thành”.
Thi thoảng mẹ có quan sát bạn Su hàng xóm để so sánh khả năng phát triển ngôn ngữ của hai đứa tớ để xem đứa nào thông minh hơn. Sinh nhật của tớ và Su chỉ cách nhau vài ngày nhưng Su nói nhiều. Tớ chỉ nói khi cần thôi, còn lúc thường tớ toàn chăm chú vào mấy quyển sách tranh. Tớ chẳng hiểu vì sao mẹ lại so sánh thế, tớ là tớ, Su là Su, Su nói nhiều hơn vì…Su thích nói chứ có khi tớ còn thông minh hơn Su ấy chứ.
Mẹ thường đọc truyện cho tớ nghe trước khi ngủ. Đây là cách cực kỳ hiệu quả giúp tớ luyện tập ngôn ngữ. Tớ có thể nghe một câu chuyện nhiều lần không chán. Rồi tớ thắc mắc tại sao bạn thỏ trong truyện lại có hai cái tai dài thế? Sao con rùa lại có cái áo to và nặng thế? Trong lúc mẹ giải thích là lúc tớ học thêm được một ít nữa đó.
Khi tớ đã phát triển ngôn ngữ tốt hơn một chút thì mẹ dạy tớ đọc thơ. Thơ dễ nhớ lắm vì vần điệu của chúng nghe rất êm tai. Để tớ đọc cho bạn nghe bài thơ Bắp Cải Xanh nhé!
Xanh man mát
Lá cải sắp
Sắp vòng tròn
Búp cải non
Nằm ngủ giữa”
Mẹ chỉ cần đọc vài lần là tớ thuộc hà. Mẹ còn chỉ cho tớ thấy bắp cải trông như thế nào, ăn ngon ra làm sao. Tớ thích ơi là thích ấy .
Đối với một số bạn của tớ, quá trình phát triển ngôn ngữ diễn ra không thuận lợi lắm. Bác sĩ bảo rằng cứ khoảng 10-15 bạn thì sẽ có 1 bạn gặp khó khăn trong việc hiểu và diễn đạt ngôn ngữ.
Nguyên nhân gây ra vấn đề này là do bạn ấy gặp khó khăn trong việc nghe hoặc trong gia đình bạn ấy có người cũng chậm nói giống vậy. Cũng có thể môi trường gia đình ít giao tiếp nên giảm phần kích thích khả năng nói của bạn ấy. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây ra hiện tượng đó vẫn chưa tìm được.
Việc phát hiện sớm và xác định nguyên nhân gây ra sự chậm nói hoặc khiếm thính ở các bạn nhỏ là cực kì quan trọng. Vì nếu để lâu lâu sau này mới biết và chữa thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng học tập của các bạn ấy lắm đấy!
Tóm tắt sự phát triển ngôn ngữ của trẻ ở giai đoạn 2 -3 tuổi
Về sự phát triển ngôn ngữ, trẻ 2 -3 tuổi đã có thể:
- Hiểu được câu mệnh lệnh gồm 2 hoặc 3 câu kết hợp với nhau. Ví dụ: “đi vào phòng con và lấy con gấu bông Teddy”
- Nhận biết và nhận dạng được hầu hết những bức tranh và đồ vật quen thuộc.
- Hiểu được hầu hết các câu nói.
- Hiểu được mối quan hệ vật lý (trên, trong, dưới).
- Nói được những câu gồm 4 – 5 chữ.
- Có thể nói tên, tuổi, giới tính.
- Sử dụng những đại từ (con, mẹ, chúng ta, họ) và những từ số nhiều (mấy con chó, mấy con mèo).
- Người lạ có thể hiểu được phần lớn những từ bé nói.