Cách dạy con thường dựa trên tính cách, cách suy nghĩ và nhìn nhận của cha mẹ. Có 4 phong cách làm cha mẹ: cha mẹ độc đoán, cha mẹ dễ dãi, cha mẹ có thẩm quyền, cha mẹ không quan tâm. Cách làm cha mẹ nào sẽ giúp con trở nên độc lập và tự tin đây?
Nếu cha mẹ là người rất khó tính, thường phản đối, từ chối hoặc hung hăng, bé sẽ có xu hướng bắt chước theo phong cách và hành vi của cha mẹ vào các mối quan hệ xung quanh mình (chẳng hạn bé có thể chống đối và hung hăng với bạn bè).
Ngược lại, nếu cha mẹ rộng lượng, chấp nhận và kiên nhẫn, bé chắc chắn sẽ làm theo những tính tốt này và việc kết bạn trở nên dễ dàng hơn.
Hai yếu tố quan trọng trong cách dạy con
Sự đáp ứng của cha mẹ (hay còn gọi là sự nhiệt tình và hỗ trợ của cha mẹ) có nghĩa là mức độ hòa hợp, hỗ trợ và đáp ứng của cha mẹ đối với những nhu cầu, yêu cầu đặc biệt của bé, qua đó, cha mẹ có thể cố ý thúc đẩy cá tính, khả năng tự điều chỉnh và khẳng định bản thân của bé.
Sự khắt khe của cha mẹ (hay còn gọi là sự kiểm soát hành vi của cha mẹ) có nghĩa là “Để con cái trưởng thành bên cạnh việc trẻ phải hòa nhập vào nề nếp của cả gia đình, đòi hỏi cha mẹ phải có sự giám sát, kỷ luật thích hợp và sẵn sàng đối mặt với những đứa bé không vâng lời”.
4 phong cách làm cha mẹ, bạn đã biết chưa?
Theo các chuyên gia tâm lý, mỗi cha mẹ có tính cách, kỹ năng xã hội và cách dạy con khác nhau, điều đó tạo nên sự khác biệt trong ứng xử xã hội của bé và sự chấp nhận của những người bạn dành cho bé.
Tuy nhiên, cách dạy con thường dựa trên tính cách, cách suy nghĩ và nhìn nhận của cha mẹ. Và với 2 yếu tố đã nêu ở trên thì chúng ta có 4 phong cách làm cha mẹ sau đây:
1. Cha mẹ độc đoán
Là những cha mẹ có xu hướng kiểm soát, tiến hành các quy tắc và những tiêu chuẩn độc đoán đối với bé.
Khi cha mẹ chú trọng đến mức độ kiểm soát cao, họ sẽ xem nhẹ sự nhiệt tình và tin tưởng đối với bé. Cha mẹ cũng có xu hướng khẳng định quyền lực của mình bằng cách hạn chế những đặc quyền, thậm chí thu hồi tình yêu thương hoặc sự chấp thuận đối với con.
Cha mẹ theo phong cách độc đoán thường hạn chế những đặc quyền của con
Phong cách làm cha mẹ này sẽ làm cho bé cảm thấy bị từ chối và bị cô lập. Bé có thể chỉ phát triển các kỹ năng xã hội thích hợp (theo ý cha mẹ muốn) và sẽ có xu hướng tiếp tục phụ thuộc vào cha mẹ.
Cha mẹ độc đoán được chia thành 2 loại: Nonauthoritarian – directive (những cha mẹ chỉ huy nhưng không xâm phạm vào quyền của con, hoặc độc tài trong cách sử dụng quyền lực của mình) và Authoritarian-directive (những cha mẹ vừa chỉ huy vừa xâm phạm và độc tài ở mức độ cao).
2. Cha mẹ dễ dãi
Là phong cách làm cha mẹ đối lập với phong cách độc đoán trên.
Khi áp dụng cách dạy con này, cha mẹ thường bày tỏ sự nhiệt tình và lòng yêu thương lớn đối với bé, chấp thuận theo những yêu cầu và ít kiểm soát bé. Cha mẹ không đòi hỏi bé phải có những hành vi trưởng thành, cho phép bé tự điều chỉnh những hành vi đó và tránh sự va chạm.
Cha mẹ theo phong cách này chấp thuận theo những yêu cầu và ít kiểm soát bé
Những bé có cha mẹ dễ dãi thường có tính độc lập ở mức độ vừa phải và ít thành công trong xã hội. Cách nuôi dạy con này thường không được các bậc cha mẹ lựa chọn nhiều.
Cha mẹ dễ dãi, khoan dung được chia làm 2 loại: cha mẹ dân chủ (democratic parent) và cha mẹ không dân chủ (nondirective parent). Trong đó, cha mẹ dân chủ là những cha mẹ giàu lòng khoan dung, chu đáo, bận rộn và tận tụy với bé hơn cha mẹ không dân chủ.
3. Cha mẹ có thẩm quyền
Là phong cách làm cha mẹ nằm giữa hai phong cách cha mẹ độc đoán và cha mẹ dễ dãi.
Những cha mẹ có cách dạy con theo kiểu này thường kiểm soát bé khắt khe, nhưng họ cũng biểu hiện sự nhiệt tình, lòng yêu thương và có những kỳ vọng thích hợp cho con của mình.
Khi con bước qua độ tuổi giữa những năm tiểu học, cha mẹ sẽ nhận thấy sự trưởng thành dần dần của bé, và họ thường khuyến khích bé tự chịu trách nhiệm ở một mức độ thích hợp, sử dụng lý trí và sự đàm phán để giải quyết những bất đồng. Do vậy, những bé này thường có xu hướng trở nên độc lập và thành công về mặt xã hội.
Phong cách nuôi dạy con này giúp trẻ trưởng thành và độc lập
Cha mẹ có thẩm quyền là những người có sự cân bằng rõ ràng, họ có những yêu cầu cao với sự phản ứng tình cảm và sự công nhận quyền tự chủ của bé. Đây là cách dạy con phù hợp khi bé còn nhỏ tuổi đến tuổi vị thành niên, được đông đảo các bậc cha mẹ ủng hộ và lựa chọn.
4. Cha mẹ không quan tâm con cái
Là phong cách làm cha mẹ kém ở cả hai yếu tố: sự đáp ứng và sự khắt khe. Trong trường hợp cực đoan, cách dạy con này có thể bao gồm cả sự từ chối, sự thờ ơ và lơ là của cha mẹ, mặc dù hầu hết cha mẹ thuộc nhóm này đều có địa vị xã hội bình thường.
Cách dạy con này có thể bao gồm cả sự từ chối và sự thờ ơ đối với trẻ
Các chuyên gia tâm lý cho biết thêm, cách thức làm cha mẹ cung cấp một chỉ số thiết thực về cách cha mẹ nuôi dạy bé và dự đoán bé tốt hay xấu trên một phạm vi rộng của môi trường và cộng đồng đa dạng của bé.
Tuy nhiên, cách cha mẹ ảnh hưởng đến con cái cũng có thể bị tác động ngược trở lại bởi con cái của mình.
Chẳng hạn, nếu bé là người có tính khí khó chịu, cha mẹ có thể phản ứng bằng cách trở nên lo lắng, hung hăng, phản đối, kiểm soát nhiều hơn, sự giáo dục kém và ít có khả năng phản ứng theo hướng tích cực. Kết quả là bé có thể lớn lên với những kỹ năng xã hội không vững chắc, thiếu các kỹ năng xã hội thích hợp và tương tác khó khăn với bạn bè.
Như vậy, cha mẹ cũng hãy để ý những yếu tố này để cân bằng nhé!