Mẹ không hoàn hảo

Phòng ngừa thanh thiếu niên tự sát bằng cách nào?

Để ngăn ngừa việc thanh thiếu niên tự sát, trước tiên, cha mẹ cần bình tĩnh để nói chuyện với con, lắng ghe và đồng cảm với những cảm xúc của trẻ, đừng bao giờ xem nhẹ những lời đe dọa tự sát của trẻ hoặc chế giễu con, có thể hành vi tự sát của trẻ xuất phát từ những chế giễu của người lớn đấy.

Trong một số trường hợp, tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ bác sĩ hoặc nhà tâm lý học là điều cần thiết. Cha mẹ có thể làm một số điều sau để ngăn việc thanh thiếu niên tự sát.

Cha mẹ cần bình tĩnh tìm ra nguyên nhân để ngăn chặn hành vi tự tử của con

Nói chuyện với con một cách bình tĩnh và không trách móc con.

Có người cho rằng nói với con về chuyện tự tử sẽ khiến trẻ thật sự kết liễu cuộc đời mình, nhưng thật ra không phải vậy. Bởi khi nói chuyện với con, trẻ sẽ biết rằng còn có người quan tâm đến mình, có một nơi an toàn để mình trò chuyện và nhờ vậy trẻ sẽ cảm thấy tốt hơn.

Đôi khi vì quá lo lắng mà cha mẹ có thể nói những câu đại loại như “Đừng nghĩ như vậy nữa”, “Con không nên cảm thấy như vậy”, khiến trẻ phản ứng lại theo cách tiêu cực. Do vậy, bạn cần bình tĩnh và không trách móc khi nói chuyện với con.

Mặc dù có thể trẻ biết rằng cha mẹ yêu thương mình, nhưng ở những giai đoạn khó khăn, trẻ muốn nghe nhiều và nhiều hơn nữa những lời yêu thương, quan tâm từ cha mẹ. Do đó, ngoài việc nói với con rằng “Cha mẹ rất yêu con”, thì bạn hãy thể hiện điều này theo những cách khác nhau, dành thời gian bên con và để trẻ biết chúng quan trọng như thế nào.

Điều quan trọng là cần xác nhận lại cảm xúc của trẻ. Bạn có thể nói những câu thể hiện sự đồng cảm với nỗi đau khổ của con như: “Dường như mọi chuyện đang thực sự khó khăn với con”, “Bố biết con đang đau đớn như thế nào”, “Mẹ hiểu con đang cảm thấy như thế nào, vì mẹ cũng từng trải qua cảm giác như vậy”. Không nói với con rằng chúng không nên suy nghĩ như vậy, mà hãy đề nghị giúp con “Con đang lo lắng về điều gì thế, con có cần mẹ giúp gì không?”. Nếu bạn thực sự quan tâm con thì cần khuyến khích con đến những nơi có sự hỗ trợ chuyên nghiệp, và cho con biết rằng tìm sự giúp đỡ không phải là yếu đuối. Mặt khác, cha mẹ cũng cần tôn trọng ý kiến của con và có thể cùng con vượt qua giai đoạn này.

Đừng bao giờ xem nhẹ những lời đe dọa tự tử của trẻ.

Cha mẹ cần để ý đến bất kì bài viết hay những khẳng định bằng lời như là “Con muốn tự tử”, hoặc “Con không quan tâm đến bất kì điều gì nữa” của trẻ.

Một số dấu hiệu khác bạn cũng cần chú ý tới, như khi trẻ nói:

Khi trẻ nói ra những suy nghĩ này, tức là các em đang cầu cứu, cầu cứu đầy vô vọng. Cha mẹ không nên phản ứng thái quá như là “Con có điên không vậy?” hoặc chế giễu “Con đang nói những lời nghe thật buồn cười”. Thay vào đó, hãy sẵn lòng lắng nghe những gì trẻ thực sự muốn nói, hãy an ủi trẻ và gác lại những cảm xúc của mình.

Chia sẻ cảm xúc với con và không để con ở nhà một mình.

Hãy để con biết rằng trẻ không đơn độc, và ai cũng có lúc cảm thấy buồn và tuyệt vọng, kể cả cha mẹ. Cha mẹ không cần phải cố gắng làm giảm nỗi đau mà hãy cam đoan với con rằng chuyện buồn rồi cũng sẽ qua, mọi thứ tốt đẹp sẽ đến.

Tuy nhiên, cha mẹ cần phải luôn bên cạnh không chỉ chia sẻ cảm xúc mà còn giám sát để tránh con có hành vi tự hủy hoại bản thân khi ở nhà một mình.

Để tránh việc thanh thiếu niên tự sát, cha mẹ cần bên cạnh và không để con ở nhà một mình

Thuyết phục con không nên đòi hỏi ở bản thân quá nhiều ở thời điểm này.

Đề nghị trẻ phân chia các nhiệm vụ lớn thành các nhiệm vụ nhỏ hơn, dễ quản lý hơn ở bất kì hoạt động yêu thích và ít căng thẳng nào của trẻ. Mục tiêu sẽ giúp trẻ xây dựng lại sự tự tin và lòng tự trọng.

Nếu bạn có súng, rượu và các loại thuốc ở nhà, hãy cất ở những nơi an toàn.

Trong khi trẻ trai thường dùng những hành động bạo lực để tự kết liễu đời mình; thì các trẻ gái thường chọn những biện pháp ít chắc chắn hơn như là uống thuốc quá liều. Nếu nghi ngờ con cái có ý định tự sát thì hãy cất các loại thuốc, rượu cũng như các vật dụng nguy hiểm (dao, búa, súng…) ở những nơi an toàn và khóa lại.

Biết về những nơi con đi, những việc con hay làm.

Chẳng hạn như con có thói quen dùng facebook, nếu có điều kiện, bạn cũng nên lập một tài khoản facebook để có thể hiểu hơn về con mình đấy.

Vai trò của bạn bè và nhà trường.

Cha mẹ cần biết về những người bạn mà con chơi thân, bố mẹ của chúng để liên lạc khi cần thiết. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên thường xuyên liên hệ với nhà trường để đảm bảo rằng trẻ được an toàn và chăm sóc tốt khi ở trường nhé!

Tìm kiếm những sự giúp đỡ chuyên nghiệp

Nếu các hành vi của con bạn đáng lưu tâm, thì hãy liên lạc với bác sĩ nhi khoa hoặc nhà tâm lý học để được giúp đỡ nhé, tốt nhất là những người đã có kinh nghiệm trong việc làm việc với những thanh thiếu niên tự sát.

Nhắc nhở con việc điều trị không mang đến hiệu quả ngay lập tức

Tham vấn trị liệu hoặc uống thuốc đều cần thời gian để có thể cải thiện tâm trạng của con, do đó, trẻ không nên tuyệt vọng hoặc đổ lỗi cho bản thân nếu các em không cảm thấy tốt hơn ngay lập tức được.