Rối loạn stress sau sang chấn (một dạng của rối loạn lo âu) là tình trạng suy kiệt xuất hiện sau một sự kiện nào đó làm trẻ cảm thấy khiếp sợ về mặt cơ thể hoặc cảm xúc. Rối loạn này ở trẻ em thường sẽ phát triển thành một rối loạn mãn tính.
Rối loạn stress sau sang chấn là gì?
Đây là một dạng của rối loạn lo âu – là tình trạng suy kiệt xuất hiện sau một sự kiện nào đó làm trẻ cảm thấy khiếp sợ về mặt cơ thể hoặc cảm xúc (như trẻ bị ngược đãi, trẻ chứng kiến một tai nạn thảm khốc…), khiến cho trẻ hay có những suy nghĩ và hồi tưởng đáng sợ về sự kiện đó.
Đôi khi những ảnh hưởng gây ra bởi các sự kiện sang chấn này có thể bị trì hoãn lại trong khoảng 6 tháng hoặc lâu hơn, nhưng trong trường hợp rối loạn này xảy ra ngay sau sang chấn thì nhìn chung thường cải thiện sau 3 tháng.
Một số người mắc rối loạn này thường trải qua những hậu quả kéo dài và có cảm giác tê liệt cảm xúc mãn tính. Rối loạn stress sau sang chấn ở trẻ em thường sẽ phát triển thành một rối loạn mãn tính.
Có dễ nhận biết trẻ mắc rối loạn stress sau sang chấn?
Dưới đây là những triệu chứng phổ biến nhất của rối loạn stress sau sang chấn. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ có thể sẽ trải qua những dấu hiệu rất khác nhau của rối loạn này.
Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên khi mắc rối loạn này sẽ trải qua những căng thẳng cực độ về cảm xúc, tinh thần và cả cơ thể khi tiếp xúc với những tình huống làm gợi nhớ lại sự kiện gây sang chấn.
Một số trẻ liên tục hồi tưởng lại sang chấn trong quá khứ dưới dạng những cơn ác mộng và những hồi ức suốt cả ngày, và cũng có thể gặp bất kì (hoặc tất cả) hiện tượng nào sau đây:
- Các xáo trộn về giấc ngủ
- Buồn chán
- Cảm thấy bồn chồn lo sợ hoặc cảnh giác đề phòng
- Dễ bị giật mình
- Mất hứng thú với những thứ mình từng rất thích; trở nên tách biệt; giảm khả năng phản ứng nói chung; cảm giác bị tê liệt
- Gặp rắc rối trong những vấn đề tình cảm
- Dễ kích động, hung hăng hơn trước rất nhiều, hoặc thậm chí là trở nên bạo lực
- Tránh né một số địa điểm hay tình huống nhất định mà có thể gợi lại kí ức cũ
- Có những hồi tưởng hay hình ảnh gợi nhớ lại sang chấn (những hồi tưởng có thể xuất hiện dưới dạng các hình ảnh, âm thanh, mùi vị, hoặc cảm giác; thường thì người mắc rối loạn sẽ tin rằng sự kiện sang chấn đang xảy ra thêm lần nữa)
- Mất liên hệ với thực tại
- Tái hiện lại sự kiện đó trong vài giây, vài giờ, hoặc vài ngày (trường hợp này rất hiếm)
- Gặp nhiều vấn đề ở trường học, khó khăn trong khả năng tập trung
- Lo lắng về việc có thể sẽ chết khi còn trẻ
- Xuất hiện các hành vi thoái lui, có những hành động chỉ gặp ở những trẻ có độ tuổi nhỏ hơn (như mút ngón tay cái hoặc đái dầm)
- Các triệu chứng cơ thể (như đau đầu, đau bụng)
Trẻ thường xuyên gặp phải những cơn ác mộng
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn stress sau sang chấn
Các sự kiện kích hoạt rối loạn stress sau sang chấn có thể là:
- Một chuyện gì đó đã xảy ra trong đời của trẻ
- Một chuyện gì đó đã xảy đến với những người thân của trẻ
- Một chuyện gì đó mà trẻ đã chứng kiến
Nguy cơ phát triển rối loạn này ở trẻ nhỏ thường do các yếu tố sau: sự liên quan giữa trẻ với sự kiện sang chấn, mức độ nghiêm trọng của sang chấn, thời gian kéo dài, sự lặp đi lặp lại, khả năng hồi phục của trẻ, các kỹ năng đối đầu của trẻ, các nguồn động viên hỗ trợ của trẻ từ chính gia đình và cộng đồng.
Dưới đây là một số sự kiện phổ biến được xem là mối đe dọa có thể dẫn đến rối loạn stress sau sang chấn nếu trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên trải qua hoặc chứng kiến chúng, gồm:
- Các tai nạn nghiêm trọng (như tai nạn xe hơi, đắm tàu)
- Các thủ tục y khoa xâm lấn (đối với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi)
- Bị con vật nào đó cắn (như bị chó cắn)
- Thiên tai (như lũ lụt, động đất)
- Những thảm kịch do con người tạo ra (như các vụ ném bom)
- Các cuộc tấn công bạo lực cá nhân (như ăn cướp, cưỡng hiếp, tra tấn, bị bắt giữ hoặc bắt cóc)
- Lạm dụng cơ thể
- Tấn công tình dục
- Lạm dụng tình dục
- Lạm dụng tình cảm
- Bị bỏ rơi
Một số trẻ nhỏ phát triển rối loạn stress sau sang chấn sau khi bị một con vật cắn
Chẩn đoán rối loạn stress sau sang chấn khó hay dễ?
Không phải mọi trẻ nhỏ và thanh thiếu niên trải qua sự kiện đau buồn thì đều phát triển rối loạn stress sau sang chấn. Rối loạn này chỉ được chẩn đoán nếu các triệu chứng kéo dài trong hơn 1 tháng và đang gây ra những ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và hoạt động chức năng của đứa trẻ.
Ở những trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn này, các triệu chứng thường sẽ khởi phát trong vòng 3 tháng ngay sau sự kiện sang chấn, nhưng cũng có nhiều trường hợp bắt đầu sau nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó. Rối loạn stress sau sang chấn có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, kể cả trẻ nhỏ, và có thể kèm theo các tình trạng sau:
- Trầm cảm
- Lạm dụng chất gây nghiện
- Lo âu
Thời gian kéo dài của rối loạn có thể dao động khác nhau tùy trường hợp. Một số người hồi phục trong vòng 6 tháng, số khác lại có những triệu chứng kéo dài rất lâu.
Một bác sĩ tâm thần nhi hoặc các chuyên gia sức khỏe tâm thần có trình độ chuyên môn thường chẩn đoán rối loạn này ở trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên dựa vào một tiêu chuẩn đánh giá toàn diện về tâm thần. Những bậc cha mẹ mà thấy con mình có các triệu chứng của rối loạn thì có thể tìm đến sự giúp đỡ từ các nhà chuyên môn. Việc điều trị sớm có thể làm giảm các vấn đề nảy sinh trong tương lai của trẻ đấy.