Mẹ không hoàn hảo

Sinh mổ lần 2, lần 3 hay sinh mổ nhiều lần có dẫn đến biến chứng?

Việc chọn sinh mổ lần 2, sinh mổ lần 3 hay những lần sau đó có thể hoặc không làm tăng nguy cơ biến chứng. Điều này còn tùy thuộc vào số lượng, vị trí vết mổ và tình trạng hồi phục vết mổ ở người phụ nữ mang thai.

>> Khám sản khoa tại Hà Nội ở đâu thì tốt?

Trong bài trả lời của mình trên Mayoclinic, bác sĩ Yvonne Butler Tobah đã đưa ra những biến chứng có thể xảy ra khi phụ nữ mang thai sinh mổ lần 2, lần 3 hay sinh mổ nhiều lần. Cụ thể như:

Mô sẹo tử cung hay các cơ quan lân cận

Dãy các mô sẹo bám (các sợi hình thành bám dính giữa mô và cơ quan – adhesions) sẽ phát triển sau mỗi lần sinh mổ, mặc dù mức độ hình thành của chúng sau một lần sinh mổ là khác nhau. Dãy các mô sẹo bám dày đặc này có thể làm cho quá trình sinh mổ trở nên khó khăn và thời gian sinh kéo dài hơn.

Nhiều mẹ lo lắng khi phải sinh mổ nhiều lần

Tổn thương bàng quang và ruột

Tổn thương bàng quang là điều có thể xảy ra nhưng không phổ biến với những ca sinh mổ lần đầu, nhưng tổn thương này có nguy cơ sẽ bị cao hơn trong những lần sinh mổ lần 2, lần 3,… Nguy cơ tổn thương bàng quang tăng là do dãy các mô sẹo bám (adhesion) phát triển sau lần sinh mổ trước, làm bàng quang dính vào tử cung. Các mô sẹo bám này cũng có thể gây tắc ruột non.

Chảy nhiều máu

Chảy nhiều máu có thể xảy ra sau bất kỳ ca sinh mổ nào. Nguy cơ chảy máu quá mức sẽ tăng theo cùng số lần sinh mổ lặp lại. Nguy cơ cần cắt bỏ tử cung để kiểm soát chảy máu đe dọa tính mạng chị em phụ nữ mang thai cũng tăng lên cùng với số lần sinh mổ lặp lại.

Việc truyền máu cũng sẽ cần được tiến hành trong các ca bị chảy máu nghiêm trọng. Một nghiên cứu cho thấy nguy cơ cắt bỏ tử cung tăng từ 0,65% sau khi mổ lấy thai đầu tiên lên 2,41% sau khi mổ lấy thai lần thứ tư.

Các vấn đề với nhau thai

Số lượng mổ lấy thai nhi lặp lại càng nhiều, nguy cơ người phụ nữ mang thai gặp các vấn đề liên quan đến sự phát triển của nhau thai càng lớn – chẳng hạn như nhau tiền đạo (nhau thai che lấp một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung) và nhau cài răng lược (nhau thai bám bất thường).

Một nghiên cứu cho thấy nguy cơ nhau cài răng lược tăng từ 0,24% sau khi mổ lấy thai đầu tiên lên 2,13% sau khi mổ lấy thai lần thứ tư.

Do vậy, bạn cần cực kỳ thận trọng với những dấu hiệu xuất huyết bất thường trong thai kỳ, cũng như các dấu hiệu sắp sinh như co thắt tử cung, xuất huyết và vỡ ối. Nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong những dấu hiệu này, hãy đến bệnh viện gặp bác sĩ ngay lập tức.

 

Chuẩn bị gì để hạn chế những biến chứng có thể xảy ra?

Khám thai định kỳ

Bên cạnh việc siêu âm để theo dõi sức khỏe thai nhi, các bác sĩ cũng sẽ đồng thời theo dõi tình trạng vết mổ cũ của mẹ. Hãy cung cấp cho bác sĩ toàn bộ những thông tin liên quan về vết sẹo sau lần sinh mổ trước để bác sĩ chẩn đoán tốt nhất.

Gặp bác sĩ ngay nếu nhận thấy có dấu hiệu bất thường

Khi thấy vết mổ cũ có dấu hiệu sắp bục ra, xuất hiện những cơn đau bất thường thì mẹ cần đến ngay bệnh viện để gặp bác sĩ.

Tâm lý rất quan trọng

Mẹ cần tập hít thở để luyện khả năng thư giãn, tự quản lý nhịp tim cũng như tâm trạng, tránh để rơi vào cảnh căng thẳng, lo âu quá mức. Khi tâm lý được chuẩn bị tốt, mẹ sẽ dễ dàng vượt qua mọi cơn đau và giúp cho quá trình sinh nở diễn ra suông sẻ.