Tuổi nổi loạn của trẻ khiến cha mẹ khá đau đầu vì đã quen với việc con mình vốn hợp tác và biết vâng lời, bây giờ phải đối mặt với một trẻ vị thành niên chống đối và khẳng định sự độc lập.
Những hành động nổi loạn này cũng chỉ là một phần của việc phát triển bình thường nên cha mẹ hãy yên tâm đi nhé!
Thế nào là “nổi loạn”?
Các năm tháng niên thiếu là giai đoạn trẻ có sự thay đổi lớn và phát triển mạnh mẽ, có nhiều thay đổi về thể chất, nhận thức và tâm lý. Những thay đổi này thường gây ra sự bối rối và biến động đột ngột đối với cả cha mẹ và thanh thiếu niên, thường được gọi là tuổi nổi loạn của trẻ.
Sự nổi loạn ở tuổi vị thành niên được chia thành hai loại phổ biến là chống đối hòa nhập xã hội (sự nổi loạn của tính lập dị) và chống đối lại uy quyền của người lớn (chống đối lại mệnh lệnh). Ở cả hai loại, sự nổi loạn đều cần sự can thiệp của cha mẹ vì những rắc rối của nó.
Ở thể loại chống đối lại mệnh lệnh, thanh thiếu niên cố gắng khẳng định sự độc lập bằng cách chống đối lại người lớn, như cha mẹ, thầy cô và gia sư, những người mà theo quan điểm của trẻ, đang kiểm soát chúng. Để khẳng định tự do cá nhân, trẻ sẽ làm trái lại những gì cha mẹ thích và mong muốn, từ đó khiêu khích sự cấm đoán. Thanh thiếu niên ở độ tuổi nhỏ chống đối khi chúng cảm thấy rằng mình bị đối xử như con nít hoặc không có được sự tự do như mong muốn. Thanh thiếu niên lớn hơn thường chống đối khi cảm thấy người lớn đang cố gắng kiểm soát trẻ hoặc khiến trẻ phải tuân theo những kỳ vọng quá lớn lao.
Lý do cha mẹ thường không thích sự nổi loạn của thanh thiếu niên không chỉ vì nó gây ra nhiều cản trở trong việc giáo dục và giám sát, mà còn vì tuổi nổi loạn còn có thể gây ra nhiều mối nguy hại khác.
Mặc dù thanh thiếu niên nghĩ rằng nổi loạn là một hành động của sự độc lập, nhưng thực chất không phải vậy. Đó thật ra là một hành vi của sự phụ thuộc. Sự nổi loạn khiến trẻ phụ thuộc vào việc tự khẳng định bản thân bằng cách làm trái ngược lại với mong muốn của người khác.
Vì sao trẻ lại nổi loạn?
Trong giai đoạn vị thành niên, các bạn trẻ đôi khi trở nên ngang ngạnh và thích tranh cãi. Điều này được gọi là hành vi chống đối, hay nói rộng hơn là nổi loạn. Hành vi chống đối là một cách để thanh thiếu niên báo hiệu với cha mẹ, thầy cô và xã hội sự bắt đầu của cuộc chiến cá nhân đòi quyền tự quản. Những mâu thuẫn giữa trẻ và cha mẹ thường xoay quanh các vấn đề về lệnh giới nghiêm, chuyện hẹn hò, bạn bè, công việc nhà và bài vở.
Khiêu khích cha mẹ là cách mà thanh thiếu niên làm cho gia đình trở nên ngày càng thiếu ấm cúng, từ đó càng dễ tách rời khỏi cha mẹ và tìm đến sự tự do. Đây cũng là cách thanh thiếu niên khẳng định bản thân, bằng cách đối lập bản thân với những người lớn xung quanh. Do đó, một thanh thiếu niên sẽ đánh mất đi niềm tin và tiêu chuẩn của cha mẹ và đầu tư vào những việc làm mang tính đối lập lại với cha mẹ.
Ngoài việc muốn khẳng định bản thân, sự chống đối của thanh thiếu niên còn có nhiều nguyên nhân, như các vấn đề ở trường lớp, căng thẳng gia đình, tính cách của trẻ, hoặc những kỳ vọng vô lý của cha mẹ. Nếu thời gian gần đây, con của bạn có vẻ hay chống đối, hãy tự đánh giá hoàn cảnh gia đình mình bằng các câu hỏi sau:
- Mức độ sự tôn trọng mà các thành viên trong gia đình dành cho nhau như thế nào?
- Các thành viên trong gia đình có tôn trọng sự riêng tư, những ý tưởng và nguyên tắc cá nhân của nhau không?
- Gia đình giải quyết những mâu thuẫn như thế nào? Những ý kiến bất đồng có được giải quyết bằng việc ngồi lại thảo luận một cách lý trí, hay được giải quyết bằng tranh cãi hoặc dùng tới bạo lực?
- Cha mẹ dùng phương pháp nào để gắn kết với con cái, và hình thức kỷ luật nào thường được áp dụng?
- Gia đình đã từng xảy ra xích mích bắt nguồn từ sự khác nhau trong tính cách, phong cách sống của cha mẹ và con cái?
- Trẻ có gặp khó khăn trong việc học hành và kết bạn?
- Trẻ có hay trải qua những khoảng thời gian đặc biệt căng thẳng không?