Mẹ không hoàn hảo

Sự thay đổi thần kỳ của sữa mẹ khi con ốm

Nhiều mẹ đang hiểu lầm việc chỉ vắt sữa mẹ ra cho con bú bình và không cho con bú trực tiếp cũng giống hệt như các mẹ cho con bú mẹ trực tiếp sẽ giật mình sau khi đọc bài này.

Sữa mẹ chuyển từ trắng sang vàng với nhiều kháng thể hơn chỉ sau một đêm con ốm

Bức ảnh chụp hai túi sữa mẹ màu khác nhau của một bà mẹ trẻ người Mỹ đã nhanh chóng lan truyền trên mạng với 75.000 lượt chia sẻ chỉ trong 2 tuần.

Sữa của cô Mallory đã chuyển sang màu vàng giống hệt sữa non đặc sệt, vàng óng, chứa nhiều kháng thể 

Hình ảnh Mallory Smothers chia sẻ chỉ đơn giản là hai túi sữa đặt cạnh nhau: Túi sữa mẹ màu trắng được hút vào đêm 11/2, sau cữ bú cuối cùng trong ngày, và túi sữa có màu vàng, được hút ra vào sáng ngày 12/2, sau cữ bú tiếp theo của con.

Mallory cho biết, cô nhận ra trong đêm ngày 11/2, con cô hắt hơi, xổ mũi và hơi sốt nhẹ. Sáng ngày hôm sau, như thường lệ, sau cữ bú của con, cô hút phần sữa còn lại để trữ đông. Sau khi kiểm tra lại các túi sữa, Mallory phấn khích nhận ra sau đêm con bị ốm nhẹ, sữa của cô đã chuyển sang màu vàng giống hệt sữa non những ngày đầu mới sinh con: đặc sệt, vàng óng, chứa nhiều kháng thể và bạch cầu.

“Thật tuyệt vời, cơ thể con người chưa bao giờ hết làm tôi kinh ngạc”, cô Mallory đã thốt lên.

Vào tháng 10/2017 một bà mẹ khác cũng nhận thấy tình trạng tương tự. Để giúp con gái 7 tháng tuổi chống lại bệnh tật, dòng sữa của cô Ashlee Chase (Mỹ) cũng tự động chuyển sang màu vàng và tăng cường kháng thể.

Sữa của cô Ashlee tự động chuyển sang màu vàng khi bé con 7 tháng tuổi bị ốm

Chia sẻ với Huffingtonpost, Ashlee cho biết ngay khi nhận thấy sữa của mình đổi màu, cô đã liên lạc với bác sĩ. Ông giải thích sữa có màu vàng chứng tỏ chứa nhiều chất béo và kháng thể hơn để giúp em bé chống lại bệnh tật.

Sau ba tuần đăng tải, bài viết của Ashlee nhận được hơn 7.000 lượt chia sẻ và hàng nghìn bình luận từ các bậc cha mẹ trên khắp thế giới.

“Những gì cơ thể người mẹ có thể làm để chăm sóc con cái thật tuyệt vời”, một người nói. Phụ huynh khác trầm trồ ngưỡng mộ: “Đây quả là điều kỳ diệu”.

Các mẹ vắt sữa cho con bú bình có thể bỏ lỡ một công dụng quan trọng của sữa mẹ là giúp tăng cường kháng thể cho con.

Với các mẹ đang cho con bú sữa mẹ vắt ra bằng bình, việc sữa mẹ đổi màu là thông tin cực kỳ quan trọng.

Với nhiều mẹ có con không chịu bú mẹ trực tiếp thì việc kích tăng sữa để vắt ra cho con bú là điều không thể tránh khỏi. Nhiều mẹ ngày hút tới 8 cữ vì con không chịu bú mẹ chút nào.

Tuy vậy, kể cả với những bé không thích bú mẹ trực tiếp, thời gian con lơ mơ ngủ là mẹ có thể cho con bú trực tiếp từ bầu vú của mình.

Việc cho con bú sữa mẹ trực tiếp với các bé cực kỳ quan trọng vì cơ thể mẹ còn sản xuất được kháng thể bổ sung vào sữa khi con ốm chứ không đơn thuần chỉ là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho con. Nếu mẹ chỉ vắt và con không trực tiếp bú mẹ mà bú bình thì khi con ốm sẽ không được tận hưởng nguồn kháng thể quý giá từ sữa mẹ. Có thể nói, sữa mẹ không chỉ có dinh dưỡng mà còn là thuốc chữa bệnh tự nhiên cho con nữa.

Khi người mẹ cho con bú, luồng chân không được tạo ra qua tiếp xúc của miệng bé với núm vú mẹ cho phép em bé “đẩy ngược” vi khuẩn, vi-rút vào cơ thể mẹ. Nhờ đó, hệ miễn dịch của mẹ “bật tín hiệu” phát hiện điều không ổn và rất nhanh chóng sản xuất ra kháng thể, đồng thời điều chỉnh các thành phần dinh dưỡng trong sữa cho phù hợp với con”, bà mẹ nổi tiếng với nick name “cookoo awesome” chia sẻ.

Đặc biệt, việc cho con bú trực tiếp sữa từ vú mẹ cũng có tác dụng kích tăng lượng sữa rất tốt thay vì mẹ chỉ vắt sữa ra theo mỗi cữ thông thường.

Các chuyên gia nói gì về việc sữa mẹ đổi màu?

Tháng 5/2013, Hiệp hội Miễn dịch học Clinical & Translational Australia đã đưa ra báo cáo tổng kết về “sữa mẹ và sự biến đổi của các thành phần trong sữa mẹ phù hợp với em bé”. Báo cáo này dựa trên các nghiên cứu của Viện Hóa sinh và Sinh học phân tử Freiburg Đức và Viện Nghiên cứu Giải phẫu và Sinh hóa Australi.

Theo đó, khi cho con bú, việc đứa trẻ bị ốm sẽ kích thích phản ứng nhanh chóng tạo bạch cầu và kháng thể trong sữa mẹ. Đây là một quá trình trao đổi chặt chẽ, chỉ có trong những trường hợp bú mẹ hoàn toàn.

Với các trẻ vẫn dùng sữa mẹ nhưng thông qua hút sữa và bú bằng bình, nghiên cứu có nhận thấy lượng bạch cầu trong sữa mẹ ít hơn và thành phần sữa mẹ ít có sự thay đổi hơn. Tất nhiên, màu sắc của sữa mẹ hút sữa vẫn liên tục thay đổi tùy vào loại thức ăn mẹ ăn mỗi bữa trước khi hút sữa ra.

Các chuyên gia cho rằng, sữa mẹ là một dạng chất lỏng cực kì phức tạp và “năng động” có thành phần thay đổi thường xuyên mà khoa học gần như khó nắm bắt được. Nồng độ các chất miễn dịch trong sữa mẹ hầu như không ổn định, các chất dinh dưỡng cũng vậy.

Sữa non trong tuần đầu sau khi sinh và sữa khi trẻ đã lớn hơn từng tuần hoặc tháng đều có thành phần, liều lượng tăng giảm khác nhau.

Vào thời kì đầu, trẻ phát triển mỡ và cơ, sữa mẹ giàu chất béo và protein, các bé trong thời kì này nhìn rất bụ bẫm.

Khi trẻ bắt đầu mọc răng, thành phần sữa mẹ tăng canxi và tự điều tiết giảm những thành phần khác, bé lúc này phát triển hệ xương và cơ, ít mỡ hơn.

Sữa mẹ còn “năng động” đến nỗi phát hiện rất nhanh các dấu hiệu ốm sốt của trẻ khi tiếp xúc cho con bú, nhờ đó điều tiết tăng bạch cầu cùng các kháng thể chữa bệnh một cách tự nhiên.

Rõ ràng, sữa mẹ là một sự kì diệu và quá phức tạp. Cho đến bây giờ, các nhà khoa học vẫn không thể nào mô phỏng được hoàn toàn một công thức sữa nào giống như sữa mẹ hay gần giống sữa mẹ. Vì thế, việc nuôi con bằng sữa mẹ trực tiếp rất quan trọng trong chế độ dinh dưỡng và chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.