Bạn đã biết rõ tác hại của hút thuốc lá khi mang thai? Hút thuốc lá trong thai kỳ, đặc biệt là từ tháng thứ 3 trở đi có thể gây rất nhiều nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé yêu trong bụng.
>> Mẹo hay giúp mẹ ngưng hút thuốc lá khi mang thai hiệu quả
Tác hại cực nguy nếu hút thuốc lá khi mang thai
Tin mừng là cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nào về việc hút thuốc trước khi mang thai (thậm chí dù mẹ có “thâm niên” hút tận 10 năm đi chăng nữa) có tác hại cho thai nhi cả. Tuy nhiên, đấy là trước khi mang thai mẹ nhé. Còn hút thuốc lá trong thai kỳ, đặc biệt là từ tháng thứ 3 trở đi, có thể gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của hai mẹ con, cụ thể là:
- Mẹ bị tăng nguy cơ gặp phải hàng loạt các biến chứng thai kỳ như thai ngoài tử cung, nhau thai bất thường, bong nhau thai non, màng ối vỡ sớm và sinh non.
- Khi mẹ hút thuốc lá, em bé phải nằm trong một tử cung đầy khói. Khi đó, tim bé sẽ đập nhanh hơn và vì thiếu oxy, bé sẽ không thể tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh như bình thường.
- Em bé sinh ra có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề như nhẹ cân, ngắn, đầu nhỏ, hở hàm ếch, sứt môi và bệnh tim. Trẻ sơ sinh có kích thước quá nhỏ là nguyên nhân chính gây bệnh hoặc thậm chí tử vong chu sinh (hiện tượng tử vong ngay trước, trong hoặc sau khi sinh).
- Bé có nhiều khả năng bị tử vong do hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) và dễ bị ngưng thở.
Hút thuốc lá trong thai kỳ mẹ sẽ tăng nguy cơ gặp phải hàng loạt các biến chứng thai kỳ
- Mẹ hút 3 gói thuốc/ ngày thì nguy cơ bé sinh ra có chỉ số Apgar thấp tăng gấp 4 lần (chỉ số Apgar là chỉ số đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh ngay sau sinh). Những đứa trẻ này thông thường sẽ bị thiếu hụt về thể chất và trí tuệ lâu dài, đặc biệt là khi bố mẹ vẫn tiếp tục hút thuốc lá xung quanh chúng. Các vấn đề chúng có nguy cơ gặp phải là hệ miễn dịch kém, bệnh hô hấp, viêm tai, đau bụng, lao, dị ứng thực phẩm, hen suyễn, vóc người thấp bé, béo phì và các vấn đề ở trường học như chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
- Nếu người mẹ hút thuốc lá khi mang thai, trẻ sinh ra có thể hung hăng bất thường ở tuổi chập chững biết đi và tiếp tục gặp phải các vấn đề về hành vi cũng như tâm thần ở tuổi trưởng thành. Những trẻ này cũng thường xuyên nhập viện trong 1 năm đầu đời hơn so với trẻ có mẹ không hút thuốc. Đấy là chưa kể chúng còn có nhiều khả năng sẽ nghiện thuốc lá khi trưởng thành nữa.
- Tương tự như bia rượu, tác hại của hút thuốc lá lên thai kỳ phụ thuộc vào liều lượng mẹ sử dụng, chẳng hạn như cân nặng của trẻ sơ sinh giảm tỉ lệ thuận với số điếu thuốc lá mẹ hút, mẹ hút 1 gói/ ngày sẽ có nguy cơ sinh con nhẹ cân nhiều hơn 30% so với mẹ không hút. Vậy nên việc giảm hút thuốc lá sẽ có tác dụng tích cực đấy mẹ ạ (nhưng mẹ lưu ý đừng vì giảm số lượng điếu thuốc đi mà mỗi điếu được hút mẹ lại cố rít vào thật sâu nhé bởi như thế sẽ thành lợi bất cập hại đấy).
- Với một số phụ nữ, không gì dễ dàng bằng việc cai thuốc ở giai đoạn đầu thai kỳ bởi lúc này cơ thể họ bỗng sinh ra chứng nhậy cảm với một số mùi, trong đó có mùi thuốc lá hoặc bỗng dưng họ không còn thích hút thuốc lá. Còn nếu đến tận những tháng cuối của thai kỳ mẹ mới cai thuốc lá thì vẫn có cơ may giúp bé có đủ oxy trong quá trình sinh nở.
Những lo lắng của mẹ khi quyết định bỏ thuốc lá
Mẹ sợ rằng việc cai thuốc lá sẽ khiến mẹ tăng cân?
Điều này đúng ở một số người (mặc dù hiện tượng ngược lại – hút thuốc lá giúp giảm cân – lại chưa được khoa học chứng minh mẹ nhé). Tuy nhiên mẹ đừng lo lắng. Thứ nhất là vì những người bị tăng vài cân trong quá trình cai thuốc lá có nhiều khả năng cai thành công hơn. Và thứ hai là số cân tăng lên này sẽ dễ dàng giảm xuống chẳng chóng thì chầy mẹ ạ.
Những lo lắng của mẹ bầu khi quyết định bỏ hút thuốc lá khi mang thai
Lo lắng vì những triệu chứng phổ biến:
Nicotin là chất gây nghiện, vì vậy khi cai thuốc lá, bên cạnh tình trạng thèm thuốc không thể tránh khỏi, mẹ có thể sẽ gặp phải một số triệu chứng phổ biến (với cường độ nặng nhẹ khác nhau tùy người) như dễ cáu gắt, lo âu, bồn chồn, choáng váng, mệt mỏi, ngứa hoặc tê ở bàn tay và bàn chân, rối loạn giấc ngủ và rối loạn tiêu hóa… Thời gian đầu khi cai, một số mẹ sẽ cảm thấy cả thể chất và tinh thần đều bị sa sút. Ngoài ra, hầu hết sẽ bị ho nhiều hơn trong giai đoạn này bởi cơ thể đang đẩy các đàm nhầy bị tích tụ trong phổi ra ngoài, giúp sạch phổi.
Cai thuốc lá cần lưu ý những gì?
Để tránh khỏi trạng thái bồn chồn khi cai thuốc lá, mẹ nên cai luôn cả cà phê và các thực phẩm chứa cafein bởi chúng sẽ khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Bên cạnh đó, nghỉ ngơi thật nhiều và tập thể dục nhẹ nhàng (không nên chọn những bài tập đòi hỏi sự tập trung cao) cũng sẽ giúp mẹ xua tan sự mệt mỏi. Việc chỉ chọn đến những nơi cấm hút thuốc lá cũng sẽ giúp mẹ được ít nhiều. Trường hợp bị trầm cảm nặng khi cai thuốc lá, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ ngay nhé.
Tóm lại, những triệu chứng tồi tệ khi cai thuốc lá chỉ kéo dài khoảng vài ngày hay cao lắm là vài tuần. Thế nhưng nó sẽ mang lại lợi ích cả đời cho mẹ và bé đấy, mẹ ạ.