Việc bố mẹ ly hôn có ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn có thể gia tăng các vấn đề về hành vi và cảm xúc (như gây hấn, lo âu…). Tuy nhiên nếu biết cách, cha mẹ có thể giúp trẻ vượt qua khó khăn này một cách dễ dàng hơn.
Liệu trẻ có thay đổi tính cách khi bố mẹ ly hôn?
Ly hôn là một việc trọng đại không chỉ gây ra nỗi đau về tinh thần cho người lớn mà ngay cả trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Vì thế, trong khoảng thời gian này cha mẹ nên dành thời gian quan tâm hơn đến trẻ để trẻ không bị ảnh hưởng tiêu cực.
Người ta vẫn thường nói “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nên hoàn cảnh và nguyên nhân dẫn đến ly hôn của mỗi gia đình là khác nhau. Vì vậy rất khó để dự đoán được phản ứng của mỗi trẻ ra sao khi cha mẹ ly hôn.
Tuy nhiên, theo một số khảo sát đã tiến hành thì tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn có sự gia tăng đáng kể các vấn đề sau:
- Gây hấn nhiều hơn
- Lo âu nhiều hơn
- Tỉ lệ bỏ học cao
- Hoạt động tình dục sớm hơn các trẻ cùng trang lứa
- Tỉ lệ phạm tội cao
- Tỉ lệ nghiện rượu và ma túy cao.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tất cả các trẻ có cha mẹ ly dị đều gặp những vấn đề trên. Cha mẹ có thể tham khảo một số ảnh hưởng của việc ly hôn đến trẻ dưới đây để có thể cảm thông và tìm ra cách giúp trẻ.
Cảm giác không an toàn
Trẻ vị thành niên luôn muốn có được một cảm giác độc lập và tự chủ. Quá trình này đòi hỏi trẻ tách khỏi cha mẹ mình. Khi ly hôn xảy ra, trẻ có thể cảm nhận được rằng cha mẹ đã tách khỏi trẻ.
Mặc dù trẻ vị thành niên cố gắng tách rời khỏi người lớn, nhưng tâm lý trẻ em vẫn luôn muốn có một mối quan hệ an toàn và yêu thương từ cha mẹ. Trẻ trưởng thành bằng cách thiết lập quyền tự trị theo cách riêng của mình với 3 bước tiến (3 bước gần gũi cha mẹ) và 2 bước lùi (2 bước rời xa cha mẹ).
Trong thời gian ly hôn, có thể cha mẹ quá chăm chú vào bản thân hoặc sao lãng con cái, ít chú ý đến trẻ. Điều này có thể làm cho trẻ cảm thấy thiếu an toàn về cuộc sống hoặc mối quan hệ của chúng với cha mẹ và cảm thấy cô đơn, lo lắng.
Cảm giác như “sắp hết được làm trẻ con rồi”
Tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn là trẻ sẽ cảm thấy như những năm tháng được làm “trẻ con” của mình bị rút ngắn lại, có thể kể ra một số nguyên nhân như:
- Có thể vì thiếu vắng một nửa còn lại mà đôi khi cha mẹ coi trẻ như một người để giãi bày tâm sự, làm trẻ bước vào thế giới người lớn sớm hơn.
- Đôi khi trẻ sẽ phải thay người lớn gánh vác một số việc trong gia đình, như chăm sóc em trai, em gái, chuẩn bị bữa ăn…
- Đôi khi cha mẹ quá mệt mỏi hay buồn phiền sau cuộc ly hôn nên không thể chu toàn trong việc chăm sóc trẻ như trước, vì vậy trẻ phải tự định hướng cho cuộc sống của bản thân.
Trẻ cảm thấy là lỗi của bản thân mình
Tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn: Trẻ có thể sẽ cảm thấy rất đau đớn và thất vọng khi biết rằng người mà mình yêu thương lại là người làm mình bị tổn thương. Một số trẻ có khả năng khó chấp nhận việc cho rằng bố mẹ là người gây ra điều đó, hoặc trẻ có thể tự đổ lỗi cho mình chính là nguyên nhân làm cho bố mẹ ly hôn.
Suy nghĩ tiêu cực này có thể làm cho trẻ cảm thấy giận chính mình. Lúc này, một số trẻ có xu hướng tự hoàn thiện mình hơn như trở nên ngoan ngoãn và biết nghe lời hơn, hay học hành siêng năng chăm chỉ hơn có thể vì trẻ đang cảm thấy có lỗi và muốn bù đắp cho những mớ rối rắm mà trẻ tin là do trẻ tạo ra.
Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Vấn đề tài chính có lẽ là một trong những vấn đề lớn nhất sau khi ly hôn. Trước đây bạn có thể chia sẻ tài chính với chồng hoặc vợ, thì bây giờ có rất nhiều thứ bạn phải tự mình trang trải. Trong một số trường hợp, áp lực về tài chính làm bạn phải làm việc chăm chỉ hơn, dành ít thời gian cho con trẻ hơn, hoặc bạn cũng có thể gặp nhiều áp lực trong cuộc sống hơn.
Tất cả những điều này có thể làm giảm sút đáng kể chất lượng cuộc sống của trẻ. Sự thay đổi này đôi khi cũng ảnh hưởng tới tâm lý trẻ em và có thể làm cho trẻ cảm giác bức bối, khó chịu.
Dành nhiều thời gian bên bạn bè
Khoảng thời gian khi cha mẹ ly hôn có thể là thời gian rất khó khăn với trẻ, vì vậy trẻ có thể tìm đến bạn bè. Bạn bè có thể ảnh hưởng không nhỏ về cách suy nghĩ hay hành động của trẻ.
Ở cái độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, tâm lý trẻ em cần bạn bè có thể giúp trẻ hiểu về bản thân nhiều hơn, đặc biệt là đối với những trẻ đã từng trải qua những vấn đề khó khăn như thế này.
Tuy nhiên, mặt xấu của điều này là trẻ có thể dễ dàng bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội nếu như người bạn mà trẻ tin tưởng chia sẻ và muốn đón nhận lời khuyên lại không phải là một người có lối sống tích cực.
Thay đổi hành vi
Một số hành vi thường gặp ở trẻ vị thành niên có cha mẹ ly hôn bao gồm:
- Trẻ tức giận và chỉ trích gay gắt những quyết định của cha mẹ. Sự giận dữ này có thể được trẻ thể hiện bằng lời nói với một hoặc cả 2 cha mẹ.
- Trẻ có cảm giác buồn chán hoặc trở nên xa lánh cha mẹ. Trẻ có thể sẽ dành thời gian ở bên ngoài nhiều hơn hay tự nhốt mình ở trong phòng.
- Dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn, có xu hướng tranh cãi và gây hấn với người lớn khi bị ngăn cản làm chuyện đó.
- Trẻ có nhiều hành vi gây rối ở trường nhiều hơn, mất hứng thú trong việc học, kết quả học tập giảm sút hoặc trốn học. Ngoài ra, còn gia tăng nguy cơ sử dụng rượu bia, ma túy, các chất bất hợp pháp và quan hệ tình dục bừa bãi ở trẻ.
- Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng phần lớn các vấn đề thay đổi trên xảy ra trong khoảng 2 năm đầu tiên kể từ khi cha mẹ ly hôn và có xu hướng giảm dần theo thời gian. Hầu hết các trẻ có thể thích nghi và sớm hòa nhập với cuộc sống mới và không bị ảnh hưởng xấu lâu dài.