Viêm bờ mi là một trong các bệnh về mắt khá phổ biến. Bệnh này có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là trên 40 tuổi và trẻ sơ sinh cũng có thể gặp phải. Bệnh gây khó chịu không ít cho người bệnh và rất khó để trị dứt điểm.
1. Viêm bờ mi là gì?
Viêm bờ mi (Blepharitis) là tình trạng bờ mi mắt (vùng quanh chân lông mi hay vùng da phía trong mi mắt) bị viêm nhiễm có thể dẫn đến đỏ ửng và sưng tấy. Đây là một trong các bệnh về mắt phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và rất khó để trị dứt điểm.
Viêm bờ mi mắt là một trong các bệnh về mắt khá phổ biến
2. Nguyên nhân
Bệnh gây ra do nhiễm trùng hoặc do mắc phải một bệnh lý nào đó về da. Có hai loại viêm bờ mi trước và sau.
Viêm bờ mi trước là viêm vùng da xung quanh chân lông mi. Nguyên nhân có thể là do:
- Viêm da tiết bã: Đây là một bệnh lý làm cho da trở nên nhờn hay bong tróc, trong một số trường hợp viêm da tiết bã (seborrhoeic dermatitis) cũng có thể gây kích ứng mắt. Bệnh này có thể đồng thời gây ra viêm bờ mi trước và viêm bờ mi sau.
- Nhiễm khuẩn. Đôi khi viêm bờ mi trước xảy ra có thể là do bị nhiễm khuẩn, phổ biến nhất là vi khuẩn Staphylococcus.Thông thường, loại vi khuẩn này kí sinh vô hại trên da, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể gây ra tình trạng viêm bờ mi.
- Nhiễm kí sinh trùng. Một loại kí sinh trùng trên lông mi có tên là Demodex cũng có thể gây ra tình trạng viêm bờ mi trước hoặc viêm bờ mi sau.
Viêm bờ mi sau là viêm vùng da phía trong mi mắt. Nguyên nhân thường do sự rối loạn chức năng của các tuyến nhờn (còn gọi là tuyến Meibomian nằm phía trong bờ mi).
Bình thường, các tuyến Meibomian làm nhiệm vụ sản xuất chất dầu cho nước mắt, một thành phần vô cùng quan trọng để bảo vệ mắt. Nước mắt gồm có chất dầu, nước và chất nhầy phủ lên trên nhãn cầu giúp cho mắt không bị khô. Nhưng khi tuyến Meibomian bị rối loạn, sẽ có hiện tượng:
- Tuyến Meibomian sẽ tạo ra quá nhiều chất nhờn.
- Tuyến Meibomian bị tắt nghẽn, thường là do một bệnh lý về da gọi là Rosacea. Khi có bệnh này, thường da sẽ bị ửng đỏ hoặc nổi mụn ở mặt (trán, mũi, má, cằm), có thể ảnh hưởng đến mắt và mí mắt.
Khi có một trong 2 hiện tượng này, mi mắt có thể bị viêm và kích ứng.
3. Triệu chứng
Thông thường, khi bị viêm bờ mi, sẽ có một hoặc vài trong số các triệu chứng dưới đây:
- Cảm giác như có sạn ở trong mắt khi chớp mắt.
- Chảy nước mắt nhiều
- Mắt nóng rát.
- Nhạy cảm với ánh sáng.
- Mắt hoặc mí mắt bị đỏ và sưng. Một số trẻ hoặc người lớn có thể rất ngứa có thể gãi nhiều ảnh hưởng không tốt đến mắt.
- Tầm nhìn bị hạn chế trong một số ít trường hợp.
- Mắt bị khô.
- Mi mắt đóng rỉ khô và dính vào nhau nên đôi khi bạn sẽ gặp một chút khó khăn trong việc nhắm và mở mắt, đặc biệt là khi vừa mới ngủ dậy.
- Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp phải tình trạng lông mi mọc quá nhanh hoặc rụng nhiều.
Thông thường thì các triệu chứng viêm bờ mi ảnh hưởng đến cả hai mắt và khó chịu hơn vào mỗi buổi sáng.
Viêm bờ mi đôi khi còn có thể kết hợp với một số vấn đề khác như viêm da tiết bã, rosacea, khô mắt… nên ngoài những triệu chứng kể trên đôi khi người bệnh có thể kèm theo một số triệu chứng như:
- Da có dấu hiệu nhờn và có thể xuất hiện cả vảy gàu ở đầu nếu như bị viêm da tiết bã.
- Da mặt có thể bị đỏ hoặc xuất hiện các nốt mụn nếu bị Rosacea.
- Mắt bị khô, có cảm giác như có sạn, sưng hoặc đỏ nếu mắc phải hội chứng khô mắt.
Vì nếu kiểm soát không tốt có thể gây một số vấn đề nghiêm trọng như lẹo, chắp. Khi bạn hay bé có biểu hiện của viêm bờ mi, tốt hơn hết là hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt cho người lớn và bác sĩ nhi chuyên ngành nhãn khoa cho trẻ nhỏ, để được chẩn đoán và điều trị.
4. Xét nghiệm
Kiểm tra mi mắt. Bác sĩ có thể sẽ sử dụng một công cụ phóng đại đặc biệt để kiểm tra tình trạng của mắt và mi mắt bạn.
Thử nghiệm mẫu dịch. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng một miếng gạc để phết mẫu chất nhờn hoặc lớp gỉ, gàu ở mắt mang đi phân tích. Từ việc phân tích này, bác sĩ sẽ xác định được loại vi khuẩn, nấm gây ra tình trạng viêm bờ mi hoặc xem liệu bạn có dấu hiệu của việc dị ứng hay không.
So sánh tình trạng mắt bị viêm bờ mi (trái) và mắt bình thường (phải)
5. Điều trị
Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh này có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng như lẹo, chắp. Việc rối loạn và suy giảm chất dầu có trong nước mắt còn có thể gây chảy nước mắt liên tục hoặc khô mắt, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng giác mạc.
Mặc dù khó có thể chữa viêm bờ mi mắt hoàn toàn vì chúng rất hay tái phát như một bệnh mãn tính. Tuy nhiên, để cải thiện và kiểm soát tình trạng hiện tại (bao gồm cả tình trạng viêm phía bờ mi trước và viêm phía bờ mi sau), chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc dưới đây cho cả người lớn và trẻ nhỏ:
Đắp gạc ấm
- Nhúng gạc hay một chiếc khăn sạch vào nước ấm, sau đó đặt miếng gạc hay khăn ấm này lên trên mí mắt trong khoảng 5-10 phút. Khi gạc nguội, có thể thấm gạc vào nước ấm và tiếp tục đắp lên mắt. Việc đắp gạc ấm có thể làm mềm gỉ mắt, đồng thời làm bớt đi chất dầu tiết ra trên mi mắt.
- Chà mí và mi mắt: Nhúng một chiếc khăn mềm khác vào nước ấm, quấn quanh một góc khăn vào ngón tay trỏ rồi nhúng vào dung dịch dầu gội đầu của bé sơ sinh pha loãng 2 lần. Chà ngang theo lông mi và bờ mi một vài lần.
- Cuối cùng hãy sử dụng một chiếc khăn sạch, thấm ướt bằng nước ấm và lau khô nhẹ. Không nên cố gắng lau phía bên trong mí mắt vì điều này có thể gây kích ứng cho mắt.
- Lưu ý: Trong thời gian đầu, thực hiện việc đắp gạc ấm khoảng 2 lần/ ngày, sau khi các triệu chứng viêm bờ mi mắt đã dần được cải thiện chúng ta có thể thực hiện 1 lần/ ngày. Ngoài ra, trong thời gian này bạn nữ cần hạn chế trang điểm cho mắt đặc biệt là chì kẻ mắt và mascara. Nếu có ý định trang điểm cho mắt thì tốt nhất hãy lựa chọn những sản phẩm đáng tin cậy và có thể dễ dàng rửa sạch hàng ngày.
Massage cho mi mắt
Massage cho mi mắt có thể được thực hiện ngay sau khi đắp gạc ấm khoảng 10 phút. Massage sẽ giúp tống khứ dịch nhờn tiết ra từ các tuyến Meibomian ra ngoài. Đối với mi mắt trên, hãy massage từ 5 – 10 lần theo hướng từ chân mày dọc xuống mi mắt và đối với mi mắt dưới, hãy massage từ 5 – 10 lần theo hướng ngược lại, nghĩa là dọc từ bọng mắt lên mi mắt. Bạn có thể tham khảo cách massage mi mắt tại đây:
Cần lưu ý không nên massage quá nhẹ, hãy massage một cách thoải mái nhất. Đặc biệt chúng ta cũng không nên làm quá mạnh tay vì có thể gây tổn thương tới mắt.
Kháng sinh và thuốc nhỏ mắt
Nếu bạn hay bé bị viêm bờ mi mắt và việc vệ sinh mắt thường xuyên vẫn không giúp cải thiện các triệu chứng thì bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc kháng sinh dưới dạng mỡ, kem, nước hoặc kháng sinh đường uống trong 4 – 6 tuần.
Nếu bác sĩ kê đơn dùng nhiều loại thuốc để điều trị viêm bờ mi mắt, bạn hay bé nên dùng thuốc cách nhau ít nhất 15 phút mỗi loại. Khi mới dùng, người bệnh có thể bị xót hoặc khó chịu nhưng các phản ứng này sẽ biến mất rất nhanh.
Bác sĩ cũng có thể cho bạn hay bé sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa Steroid trong một số trường hợp.
Khi sử dụng kháng sinh hoặc thuốc nhỏ mắt chứa Steroid, chúng ta cần hết sức cẩn thận dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ và không nên tự ý mua thuốc về sử dụng, đặc biệt ở trẻ nhỏ, liều lượng phải được đo bằng dụng cụ đo có sẵn trong hộp thuốc chứ không dùng muỗng ăn hoặc muỗng cà phê để đo.
Điều trị các bệnh lý có liên quan đến tình trạng viêm bờ mi mắt
Nếu bạn hay bé gặp phải một số bệnh lý như viêm da tiết bã hoặc bị gàu, có thể sẽ phải sử dụng đến dầu gội đầu loại đặc trị để trị gàu cho da đầu và lông mày nữa.
Hoặc nếu có thêm hội chứng khô mắt, bác sĩ có thể kê thêm thuốc nhỏ mắt nhân tạo.
6. Phòng ngừa
Để phòng tránh viêm bờ mi mắt, các bạn nữ hãy bắt đầu bằng việc tạo thói quen rửa sạch hết lớp trang điểm trước khi đi ngủ và không kẻ mắt ở vùng da phía trong bờ mi.
Nếu bạn nữ nào vừa mới bắt đầu điều trị chứng viêm bờ mi mắt, tuyệt đối không nên trang điểm mắt để tránh gây kích ứng mắt về sau. Sau khi điều trị, nếu chứng viêm bờ mi mắt giảm đáng kể và muốn trang điểm mắt lại thì nên thay mới các dụng cụ hay mỹ phẩm trang điểm mắt (hoặc gần mắt). Lý do là có thể các dụng cụ này đã bị nhiễm khuẩn trước đó rồi, có thể gây lây nhiễm bệnh lại sau khi đã được chữa khỏi.