Thai ngoài tử cung là tình trạng phôi thai làm tổ bên ngoài tử cung. Phần lớn thai ngoài tử cung nằm ở ống dẫn trứng, nhưng thai cũng có thể làm tổ ở cổ tử cung, buồng trứng và ổ bụng.
Thai ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung là hiện tượng trứng đã thụ tinh nhưng thai không làm tổ trong tử cung mà nằm ở những nơi khác như là ống dẫn trứng, buồng trứng, cổ tử cung hay ổ bụng. Đúng như tên gọi, chỉ có tử cung là nơi duy nhất đảm bảo an toàn và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển khỏe mạnh mà không có bất cứ cơ quan nào có thể thay thế được.
Trường hợp thai ở ngoài tử cung thường gặp nhất là thai nằm ở ống dẫn trứng (chiếm tới 95 – 97%). Hiếm gặp hơn là trường hợp thai làm tổ ở buồng trứng, cổ tử cung hay trong ổ bụng. Dù trong trường hợp nào, nếu không được phát hiện và phẫu thuật sớm cũng sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí dẫn đến tử vong.
Hình vẽ mang thai bình thường và thai ngoài tử cung
Dấu hiệu thai ngoài tử cung
Các mẹ đang mang thai ở ngoài tử cung cũng sẽ có những dấu hiệu đầu tiên của việc mang thai như đau ngực, buồn nôn và ngoài ra còn xuất hiện các triệu chứng khác bao gồm:
- Đau quặn và căng tức vùng khung xương chậu, bụng dưới. Mẹ bầu sẽ thấy đau hơn rất nhiều khi đi ngoài, ho hoặc di chuyển. Có khi vùng xương chậu còn bị co thắt và chuột rút nhẹ.
- Chảy máu âm đạo bất thường (những vệt màu nâu hoặc xuất huyết nhẹ trước khi đau bụng)
- Đau vùng thắt lưng
- Bị mất kinh
Trong trường hợp ống dẫn trứng bị vỡ và chảy máu thì có thể xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn như:
- Buồn nôn hoặc nôn.
- Bị ngất xỉu hay có cảm giác mệt mỏi, uể oải
- Tụt huyết áp
- Đau ở vùng vai (do máu tích tụ dưới cơ hoành)
- Xuất hiện những cơn đau dữ dội và đột ngột ở vùng bụng dưới.
- Âm đạo chảy nhiều máu.
Khi có những triệu chứng bất thường như trên, các mẹ nên tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán và xét nghiệm chắc chắn nhé! Cách điều trị xem thêm trong bài Thai ngoài tử cung – Chẩn đoán và điều trị
Nguyên nhân gây ra hiện tượng thai ngoài tử cung
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mang thai ngoài tử cung như: bị viêm nhiễm ống dẫn trứng (vòi trứng) hay bị dị tật bẩm sinh ở ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung, mẹ có sẹo sau khi mổ ruột thừa, mẹ đã tiền sử thai ngoài tử cung, mẹ đã từng phẫu thuật hay bị nhiễm trùng hệ sinh dục và để lại sẹo,…
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ thai ở ngoài tử cung như:
- Mang thai khi trên 35 tuổi
- Đang sử dụng vòng tránh thai IUD hoặc thuốc tránh thai chỉ chứa Progesterone nhưng lại dính thai
- Quan hệ tình dục với nhiều người
- Bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Hút thuốc lá
- Sử dụng một số phương pháp điều trị vô sinh
- Đã phẫu thuật thắt ống dẫn trứng (nguy cơ gia tăng sau khoảng hơn 2 năm kể từ lúc phẫu thuật thắt ống dẫn trứng)
- Phẫu thuật tháo thắt ống dẫn trứng.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Một số nghiên cứu cho rằng hooc-môn cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.