Mẹ không hoàn hảo

Tìm hiểu những nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc nhiều

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc, từ những nguyên nhân thông thường đến những nguyên nhân nghiêm trọng do bệnh tật. Dù là vì lý do gì thì việc bé quấy khóc cũng khiến cho ba mẹ rất lo lắng, mệt mỏi, hoang mang thậm chí là quýnh quáng. Dưới đây là 1 số nguyên nhân làm bé quấy khóc thường gặp, đọc và bắt bài vì sao bé nhà mình hay khóc quấy nè!

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh quấy khóc có đôi khi vô hại nhưng cũng không ít nguy hiểm rình rập đâu ba mẹ nhé!

Trẻ đói

Trẻ quấy khóc nếu bú liên tục mà vẫn không thỏa mãn sau khi rời vú mẹ thì mẹ nên kiểm tra lại cách mẹ cho con bú, tốt nhất là tham vấn với bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra cân nặng của trẻ, kiểm tra ngực và núm vú mẹ, đồng thời quan sát toàn bộ quá trình mẹ cho trẻ bú. Giải pháp đưa ra có thể chỉ đơn giản như cải thiện vị trí bú và cách ngậm ti mẹ của trẻ. Tuy nhiên cũng có thể sẽ phức tạp hơn nếu trẻ bị sụt cân nhiều và không tăng cân tốt.

Trẻ lớn vọt (growth spurt)

Giai đoạn trẻ lớn vọt thường xảy ra khi trẻ được 1-3 tuần tuổi, lần tiếp theo vào khoảng 6 tuần tuổi và thêm một lần nữa khi trẻ được khoảng 3 tháng tuổi. Trong những lần tăng trưởng mạnh mẽ này, nhiều bé sẽ quấy khóc vì muốn được bú sữa mẹ liên tục. Việc này hoàn toàn bình thường, và thường chỉ kéo dài khoảng 4 -5 ngày.

Nhiều mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ không hiểu tại sao con lại đòi ăn suốt như thế nên đã cho bé bú bình thêm vào thời điểm này. Mẹ nên tiếp tục cho trẻ bú theo nhu cầu của trẻ, sữa mẹ sẽ tự động sản xuất nhiều hơn để đáp ứng mà mẹ không cần phải bổ sung thêm nước hay sữa công thức hay gì khác. Nếu tình trạng này kéo dài lâu hơn 5 ngày, hoặc nếu mẹ muốn chuyển sang cho trẻ bú bình, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ xem xét, kiểm tra cân nặng của trẻ và đánh giá quá trình mẹ cho trẻ bú.

Lớn vọt cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc nhiều!

Trẻ quá tỉnh táo hoặc những trẻ có nhu cầu cao

Thoạt nghe thì có vẻ vô lý nhưng đây đúng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc nhiều đấy ba mẹ ạ! Những em bé này thường đòi hỏi nhiều hơn về mọi thứ, ngoại trừ việc ngủ, do đó bé sẽ khóc suốt. Bé ăn, ngủ, hoặc tương tác với người khác rất thất thường. Bé muốn nhiều thứ như được ôm, bế và những chuyển động đều đều như rung chân, hay đưa nôi qua lại.

Đôi khi quấn trẻ trong chăn có thể giúp trẻ dễ chịu hơn, nhưng cũng có thể làm tình hình tệ hơn. Trẻ có xu hướng thường xuyên bú vội một ít trên ngực mẹ và làm một giấc ngủ ngắn chỉ dài 15 -30 phút, trong khi đang được ôm hay bế. Bế bé đung đưa qua lại có thể giúp bé dịu xuống.

Đau bụng colic

Hiện tượng đau bụng này bắt đầu khi trẻ được khoảng 4 tuần tuổi. Trẻ  bị đau bụng colic thường có ít nhất một lần mỗi ngày xuất hiện cơn đau, chân trẻ co lên, khóc dữ dội, và đỏ mặt. Những lần như vậy trẻ sẽ có những dấu hiệu bị đói nhưng lại từ chối không bú sữa mẹ. Xem thêm bài Colic – Trẻ quấy khóc do co thắt nên làm gì để có những kiến thức đúng đắn và có cách xử lý kịp thời nếu bé bị Colic.

Đau bụng colic cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc

Sữa mẹ về quá nhiều hoặc tràn sữa

Điều này có thể bắt đầu hầu như bất kỳ lúc nào trong tháng đầu tiên với các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Mẹ sẽ cảm thấy ngực rất đầy còn có thể bị rỉ và thậm chí bắn sữa. Trẻ phải nuốt sữa rất nhanh, đôi khi phải dứt khỏi ngực mẹ để lấy hơi, hoặc bị ho, trớ sữa. Bú nhanh như vậy làm trẻ nuốt nhiều không khí theo sữa. Sau đó, bong bóng khí sẽ hình thành trong bụng trẻ khiến trẻ khó chịu.

>> Tư thế cho con bú đúng cách mẹ bỉm sữa nào cũng nên biết

Trào ngược (còn gọi là trào ngược dạ dày)

Phần lớn trẻ sơ sinh hay bị trớ sữa sau khi bú sữa mẹ. Khi tình trạng trớ sữa khiến bé khó chịu hoặc trông giống như bé bị nôn. Nếu tình trạng này kéo dài khiến bé bị sút cân hay bị đau, hãy cho bé đi bác sĩ ngay mẹ nhé!

>> Xử lý như thế nào khi trẻ bị nôn trớ sữa?

Bệnh nặng

Một số loại bệnh nặng khác có thể không liên quan tới ăn uống và làm cho trẻ quấy khóc không ngừng khiến mẹ không dỗ dành trẻ nín được. Nếu trường hợp này xảy ra đột ngột hoặc nghiêm trọng một cách bất thường thì mẹ liên hệ bác sĩ ngay lập tức.

Nếu bé bị dị ứng hay bệnh nặng, mẹ cần đưa bé đến bác sĩ ngay

Nhạy cảm với thực phẩm

Khi nuôi con bằng sữa mẹ, thường thì một loại thức ăn nào đó (gồm cả thức uống có caffein) mà mẹ đang dùng có thể gây ra những vấn đề cho trẻ đang bú sữa mẹ.  Nếu mẹ nghĩ đây là nguyên nhân thì nên tránh loại thực phẩm đó trong 1 tuần để xem những triệu chứng có biến mất không. Sau đó mẹ có thể thử lại loại thực phẩm đó một cách cẩn thận để xem những triệu chứng này có quay lại không.

Dị ứng

Khi trẻ sơ sinh khóc thì người lớn thường đổ lỗi là do trẻ bị dị ứng thức ăn, nhưng thực tế dị ứng ít khi là nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc. Dị ứng thường xảy ra hơn ở trẻ có mẹ, bố hoặc các anh chị em bị hen suyễn, chàm, hoặc các bệnh dị ứng khác. Ở những trẻ bú sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng của mẹ có thể là nguyên nhân gây ra bệnh dị ứng này.

Tuy vậy, việc xác định chính xác đồ ăn nào là nguyên nhân gây dị ứng khá khó khăn, vì triệu chứng dị ứng của bé có thể kéo dài hơn 1 tuần sau khi mẹ ngừng ăn loại thực phẩm đó. Dị ứng thực phẩm có thể rất nghiêm trọng, khiến bé đi ngoài có máu, thở khò khè, phát ban, hoặc bị sốc. Trường hợp trẻ bị dị ứng thì mẹ phải đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngay.

Xem thêm: Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bú sữa mẹ đúng cách