Kiến thức về chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là cần thiết, đặc biệt là với các chị em. Ở độ tuổi này, cơ thể bạn sẽ có nhiều thay đổi và bắt đầu xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt – một giai đoạn thay đổi hormone được lặp đi lặp lại thường xuyên khoảng một tháng một lần.
Một chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bao lâu?
Trung bình một chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sẽ kéo dài khoảng 28 ngày, tuy nhiên nó có thể khác nhau tùy từng người và tùy theo tuổi tác. Ở phụ nữ trưởng thành thời gian một chu kỳ kinh nguyệt có thể kéo dài từ 31 – 35 ngày, những bạn tuổi teen hay mới có kinh, chu kì này có thể kéo dài từ 21 – 45 ngày.
Trung bình mỗi lần có kinh bạn sẽ mất trung bình từ 30 – 40 ml máu, tuy nhiên con số này có thể giao động một cách đáng kể ở mỗi người. Từ 60 – 80 ml máu hoặc hơn trong môt chu kỳ thì được xem là hành kinh nhiều.
Các giai đoạn trong một chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ
Một chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn nang, giai đoạn rụng trứng và giai đoạn hoàng thể.
Ngoài ra còn có 4 hormone (các chất có tác động kích hoạt hoặc điều tiết hoạt động của các tế bào hoặc cơ quan trong cơ thể) tham gia vào chu kỳ kinh nguyệt, bao gồm: hormone kích thích nang (follicle stimulating hormone – FSH), hormone luteinizing (LH), estrogen và progesterone.
Giai đoạn nang
Trong giai đoạn nang, hai loại hormone FSH và LH sẽ được phóng thích ra từ não và theo máu đi đến buồng trứng. Tại đây, các hormone này sẽ kích thích sự phát triển của khoảng 15 – 20 trứng. Mỗi trứng được bao bọc trong một lớp “vỏ” gọi là nang. Hormone FSH và LH hóa còn kích thích sự gia tăng của các nội tiết tố nữ estrogen.
Khi estrogen tăng đến một lượng nhất định nào đó, các hormone nang sẽ tự ngừng hoạt động. Sự cân bằng hormone giúp cơ thể giới hạn số lượng nang trứng trưởng thành trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.
Trong giai đoạn nang này, một nang trứng ở một trong hai buồng trứng sẽ chiếm ưu thế và tiếp tục trưởng thành. Nang này áp đảo các nang khác và kết quả là các nang đó sẽ ngưng phát triển và chết; còn nang trứng chiếm ưu thế sẽ tiếp tục sản xuất ra estrogen.
Giai đoạn rụng trứng
Giai đoạn rụng trứng xảy ra vào khoảng 14 ngày sau thời điểm giai đoạn nang bắt đầu. Đây là giai đoạn giữa của chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, tức là khoảng 2 tuần sau đó cơ thể sẽ bắt đầu một chu kỳ kinh nguyệt mới.
Các hoạt động diễn ra trong giai đoạn này bao gồm:
- Nồng độ estrogen do nang trứng sống sót sản xuất sẽ tăng lên và kích thích não tiết ra nhiều hormone hoàng thể hóa hơn. Điều này sẽ khiến nang giải phóng trứng ra khỏi buồng trứng.
- Khi trứng được giải phóng (quá trình này được gọi là sự rụng trứng), nó sẽ được vòi trứng nằm ở đầu ống dẫn trứng bắt lấy và đưa vào trong ống dẫn trứng.
- Cũng trong giai đoạn này, chất nhầy được cổ tử cung tiết ra nhiều hơn và đặc dính hơn. Nếu người phụ nữ giao hợp trong khoảng thời gian này, lớp dịch nhầy này sẽ bắt lấy tinh trùng được phóng ra từ người nam, nuôi dưỡng và đem nó lại gần trứng để thụ tinh.
Giai đoạn hoàng thể
Giai đoạn hoàng thể trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ bắt đầu ngay sau giai đoạn rụng trứng và gồm các hoạt động sau:
- Ngay sau khi phóng thích trứng ra ngoài, nang rỗng sẽ phát triển thành một cấu trúc mới gọi là hoàng thể (thể vàng).
- Thể vàng sẽ tiết ra một loại hormone tên là progesterone. Hormone này giúp tử cung chuẩn bị cho quá trình làm tổ và sinh trưởng của trứng.
- Nếu có giao hợp và trứng được thụ tinh (quá trình này được gọi là sự thụ thai), thì trứng đã được thụ tinh (phôi thai) sẽ đi theo ống dẫn trứng xuống làm tổ ở tử cung. Lúc này, bạn bắt đầu mang thai.
- Nếu trứng không được thụ tinh, nó sẽ đi thẳng qua tử cung ra ngoài. Lúc này lớp niêm mạc tử cung vì không cần nâng đỡ bào thai sẽ tự động bong tróc và thế là chu kỳ kinh nguyệt kế tiếp bắt đầu như bạn vẫn thường có mỗi tháng.