Để chẩn đoán trẻ bị hội chứng Asperger, các bác sĩ sẽ dựa vào mức độ phát triển, ngôn ngữ, hành vi của trẻ và thu thập ý kiến từ phụ huynh, giáo viên. Sau đó, một số liệu pháp được sử dụng để điều trị nhằm cải thiện chức năng hoạt động của trẻ.
Việc hỗ trợ trẻ bị hội chứng Asperger là cả một quá trình kiên nhẫn và bền bỉ, đòi hỏi rất nhiều tâm huyết và công sức của những người chăm sóc dành cho đứa trẻ.
Trẻ bị hội chứng Asperger được chẩn đoán như thế nào?
Các bác sĩ sẽ dựa vào mức độ phát triển của trẻ, quan sát ngôn ngữ và hành vi của trẻ (bao gồm khả năng chơi, khả năng giao tiếp với người khác), cùng với ý kiến từ phụ huynh, giáo viên hay những người đã quen thuộc với những triệu chứng của trẻ để đưa ra chẩn đoán.
Việc chẩn đoán trẻ bị hội chứng Asperger sẽ dựa vào những tiêu chí đặc trưng mà các triệu chứng của trẻ đáp ứng. Những tiêu chí này bao gồm:
- Tương tác xã hội kém
- Hành vi, hoạt động, hứng thú bất thường
- Không chậm trễ trong phát triển ngôn ngữ
- Không chậm trễ trong các kỹ năng tự giúp đỡ và sự tò mò về môi trường xung quanh
Một số bài kiểm tra được dùng để xác định những vấn đề liên quan đến hội chứng Asperger ở trẻ:
- Các đánh giá về tâm lý: Đánh giá chức năng trí tuệ và phong cách học tập của trẻ, thông qua các bài kiểm tra IQ (chỉ số thông minh) và các trắc nghiệm kỹ năng hoạt động cơ. Ngoài ra, các kiểm tra về nhân cách cũng có thể được làm ở trẻ.
- Đánh giá về khả năng giao tiếp: Ngôn ngữ (lời nói) được đánh giá nhằm kiểm tra xem trẻ hiểu và sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt ý tưởng như thế nào. Các nhà chuyên môn cũng sẽ kiểm tra sự hiểu biết về các hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ, kỹ năng hiểu ngôn ngữ theo nghĩa bóng (như hiểu về sự ẩn dụ và hài hước); đồng thời lắng nghe giọng nói của trẻ để kiểm tra âm lượng, hay trẻ có đang căng thẳng, giận dữ không.
- Các đánh giá về tâm thần: Nhà chuyên môn sẽ kiểm tra các mối quan hệ bạn bè và gia đình của trẻ, khả năng đáp ứng với những tình huống mới, cũng như khả năng để hiểu những cảm xúc của người khác và hiểu các dạng giao tiếp không trực tiếp như trêu chọc và mỉa mai. Nhà chuyên môn có thể sẽ cần quan sát trẻ bị hội chứng Asperger khi ở nhà và khi ở trường để khám phá những điều kiện gây lo lắng, trầm cảm thường thấy ở trẻ.
Công cụ chẩn đoán thường được sử dụng: Sổ tay hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các rối loạn tâm thần DSM – V.
Điều trị trẻ bị hội chứng Asperger ra sao?
Không có cách nào để chữa trị hoàn toàn hội chứng Asperger, nhưng có thể sử dụng các liệu pháp cần thiết nhằm cải thiện chức năng hoạt động và giảm thiểu những hành vi không mong muốn ở trẻ. Có thể kết hợp các liệu pháp như:
- Giáo dục đặc biệt: Giáo dục được xây dựng để đáp ứng nhu cầu giáo dục chuyên biệt của trẻ.
- Thay đổi hành vi: Bao gồm các chiến lược để hỗ trợ hành vi tích cực và hạn chế những vấn đề về hành vi.
- Liệu pháp ngôn ngữ, lao động, vật lý trị liệu: Được thiết kế nhằm gia tăng khả năng hoạt động ở trẻ.
- Liệu pháp huấn luyện kỹ năng xã hội: Những liệu pháp này rất có giá trị trong việc xây dựng các kỹ năng xã hội, khả năng đọc thành tiếng hoặc đọc thầm của trẻ (những kỹ năng này thường bị khiếm khuyết ở trẻ có hội chứng Asperger).
- Điều trị dược lý: Không có thuốc để điều trị hội chứng Asperger, nhưng có thể sử dụng một số thuốc có tác dụng điều trị những triệu chứng cụ thể như lo âu, trầm cảm, hiếu động, hành vi ám ảnh cưỡng chế.
Albert Einstein là một trong những người rất nổi tiếng bị mắc hội chứng Asperger!
Trẻ bị hội chứng Asperger cần được hỗ trợ như thế nào?
Với những trẻ bị hội chứng Asperger, kỹ năng xã hội của trẻ rất yếu, cha mẹ có thể hỗ trợ con mảng này bằng nhiều cách, như cùng trẻ thực hành một số mẫu câu để bắt đầu cuộc trò chuyện, giao tiếp bằng mắt…
Nhà tâm lý học Tony Attwood – một chuyên gia nổi tiếng am hiểu về hội chứng Asperger đã viết một quyển sách có thể giúp cho phụ huynh và giáo viên giúp trẻ mắc hội chứng Asperger củng cố các kỹ năng xã hội. Ba mẹ có thể tham khảo một số gợi ý sau đây để hỗ trợ trẻ tại nhà nhé!
- Dạy trẻ một số kỹ năng thực tế để hoà nhập vào các giao tiếp xã hội. Sẽ rất có ích cho trẻ khi bạn cùng trẻ thực hành một số mẫu câu để bắt đầu cuộc trò chuyện. Trẻ có thể tập những câu mở đầu như “Cậu có thể giúp tớ một tay được không?” hoặc “Cho tớ chơi cùng với nhé?”
- Khuyến khích trẻ quan sát và bắt chước những gì trẻ khác làm. Một số trẻ mắc hội chứng Asperger cảm thấy dễ dàng hơn khi trẻ bắt chước lại những việc mà những đứa trẻ khác làm, ví dụ như giao tiếp mắt với bạn cùng chơi, chăm chú lắng nghe, tham gia cùng chơi, hay luân phiên nhau làm một việc gì đó.
- Thường xuyên kể chuyện cho con nghe. Kĩ thuật kể chuyện xã hội là một phương pháp giúp tạo ra những câu truyện ngắn cho các tình huống diễn ra hàng ngày giúp giải thích các tín hiệu xã hội cũng như những phản ứng phù hợp trong các tình huống nhất định. Đây giống như một thông tin cụ thể cho bé về những việc phải làm trong tình huống nào đó, ví dụ như khi vào lớp thấy cô giáo thì phải “Nhìn vào mắt cô giáo và nói con chào cô ạ!”
- Dạy cho trẻ về tầm quan trọng của việc giao tiếp bằng mắt. Trẻ mắc hội chứng Asperger thường không muốn giao tiếp bằng mắt với mọi người. Bạn có thể làm mẫu cho trẻ và giúp trẻ thực hành tại nhà.
- Định hướng mẫu hành vi cho con. Cha mẹ có thể giúp trẻ xác định xem trong những tình huống tự nhiên diễn ra hàng ngày thì trẻ nên phản ứng thế nào cho phù hợp.
- Trò chuyện với trẻ về cảm xúc và những suy nghĩ cá nhân. Điều này có thể rất có ích khi bạn bày tỏ cảm xúc của mình về một tình huống nhất định, hoặc kể cho con nghe bạn suy nghĩ gì và có cảm xúc thế nào trong một ngày.
- Dạy cho trẻ các câu nói ẩn dụ và các cách diễn đạt khi nói. Trẻ bị hội chứng Asperger có thể đón nhận mọi thứ theo đúng nghĩa đen, vì thế trẻ sẽ gặp khó khăn khi phải đối diện với các biểu cảm thông thường. Khi bạn dạy cho trẻ ý nghĩa của những câu thành ngữ mà trẻ cho là khó hiểu, trẻ sẽ cảm thấy rất thú vị đấy!
- Dạy cho trẻ “một cụm từ an toàn” để sử dụng mỗi khi cảm thấy bối rối hoặc không chắc chắn. Đó có thể là những câu đơn giản như “Con không hiểu ý mẹ nói”, “Con không biết phải làm gì bây giờ”. Luyện tập những câu nói này ở nhà có thể giúp trẻ bớt lo lắng hơn khi gặp phải tình huống mà trẻ không hiểu có chuyện gì đang xảy ra.