Không chỉ người lớn bị rụng tóc mà ngay cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có thể mắc phải tình trạng này. Nhưng nhiều gia đình cứ thấy trẻ sơ sinh bị rụng tóc là nghĩ ngay đến việc bé đang mắc phải một chứng bệnh nào đó và tìm cách chữa trị. Nhưng mẹ à, rụng tóc là bình thường và tóc bé sẽ sớm mọc lại ngay thôi.
Tóc bé sẽ nhanh chóng mọc lại thôi!
Cũng như móng tay của chúng ta, thành phần chính cấu tạo nên sợi tóc là Keratin. Nang tóc là những lỗ nhỏ và rất sâu nằm trong da, tóc sẽ được mọc ra từ đây. Mỗi nang tóc chứa một chân tóc, chân tóc là phần tóc còn sống và đang phát triển. Các phần còn lại của tóc có thể thấy trên da là phần đã chết (đó là lý do vì sao bạn sẽ không cảm thấy đau đớn mỗi khi cắt tóc).
Đối với phần lớn trẻ nhỏ, một tháng tóc sẽ dài ra khoảng 1 cm. Có khoảng 85 trong số 100 sợi tóc trên đầu của trẻ đang trong giai đoạn phát triển, khi sợi tóc ngừng phát triển, nó sẽ chuyển sang giai đoạn nghỉ ngơi và cuối cùng sẽ bị rụng.
Mỗi ngày có khoảng từ 50-100 sợi tóc bị rụng, khi tóc rụng đi sẽ có những tóc mới phát triển lại ngay chỗ tóc bị rụng. Tuy nhiên, trong trường hợp tóc bé bị rụng đi nhưng không thể mọc lại thì được gọi là rụng tóc.
Ba mẹ đừng lo lắng khi trẻ sơ sinh bị rụng tóc, chuyện thường ấy mà!
Rụng tóc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Mẹ có biết hầu hết trẻ sơ sinh đều gặp phải tình trạng rụng tóc (tóc có thể rụng một phần hoặc toàn bộ), vì thế mẹ không cần quá lo lắng đâu. Các tóc non rụng trước khi tóc trưởng thành mọc lên, đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, việc rụng tóc không phải là điều đáng lo ngại. Trẻ cũng có thể bị rụng tóc do sự sụt giảm lượng hormone khi sinh ra, tuy nhiên, vấn đề này sẽ nhanh chóng được cải thiện khi trẻ lớn hơn.
Ngoài những nguyên nhân trên thì tư thế nằm cũng có thể ảnh hưởng, làm trẻ sơ sinh bị rụng tóc đấy. Có nhiều mẹ thấy con mình bị rụng tóc ở đằng sau đầu, cứ tưởng con bị thiếu canxi nên vội mua canxi về bổ sung cho con uống. Tuy nhiên, sau khi đưa trẻ đi khám mới biết hóa ra do mẹ hay đặt bé yêu nằm, mảng da đầu cọ xát nhiều với gối (nệm) khiến con bị rụng tóc.
Rụng tóc ở những trẻ lớn hơn
Thông thường tóc sẽ rụng nhiều hơn khi tóc trẻ tiếp xúc với những hóa chất mạnh để nhuộm, tẩy,… mẹ hãy lưu ý rằng việc duỗi thẳng hoặc uốn tóc, sấy tóc với nhiệt độ rất cao cũng có thể làm tổn thương và rụng tóc của trẻ.
Bên cạnh đó, việc thắt bím tóc quá chặt, cột tóc đuôi ngựa và kẹp tóc, chải tóc khi tóc ướt cũng có thể làm cho tóc gãy rụng nhiều hơn.
Một vài nguyên nhân khác gây rụng tóc
Dưới đây là vài nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị rụng tóc, mẹ xem nhé:
Rụng tóc Telogen effluvium. Đây là tình trạng có nhiều tóc bước vào giai đoạn nghỉ ngơi hơn bình thường và dễ rụng hơn. Mẹ sẽ thấy tình trạng này rất rõ khi tóc trẻ rụng nhiều trên lược hoặc thấy một búi tóc lớn trong cống sau khi trẻ tắm.
Ngoài ra, khi trẻ bị sốt, căng thẳng, hoặc vừa trải qua phẫu thuật cũng có thể xuất hiện tình trạng này. Tuy nhiên, mẹ hãy yên tâm rằng trẻ sẽ không bị hói đâu và tóc của bé sẽ sớm trở lại bình thường trong khoảng 6 tháng thôi.
Bệnh lý về da. Một số bệnh lý về da như hắc lào hoặc chốc lở ở da đầu có thể gây rụng tóc. Mẹ cần để ý nếu bé bị rụng tóc do nguyên nhân này thì có thể sẽ kèm thêm triệu chứng ngứa da đầu nữa đấy.
Rụng tóc từng vùng. Đây là tình trạng tóc rụng thành từng mảng. Nguyên nhân gây rụng tóc từng vùng chưa được xác định, nhưng có lẽ do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công vào các nang tóc. Nó cũng di truyền trong một số gia đình, tuy nhiên, mẹ có thể yên tâm vì khoảng 95% trường hợp rụng tóc từng vùng sẽ mọc trở lại hoàn toàn.
Hội chứng nghiện giật tóc “Trichotillomania”. Một số trẻ có thói quen giựt tóc hoặc xoắn tóc khi đang căng thẳng hay lo lắng về điều gì đó. Tóc sẽ mọc lại khi không còn bị kéo, tuy nhiên, một số trẻ không thể từ bỏ thói quen này.
Vấn đề hormone. Nếu tuyến giáp của trẻ bị rối loạn hay chế độ dinh dưỡng không hợp lý có thể gây ra vấn đề rụng tóc.
Điều trị ung thư. Khi nhìn thấy một người bị hói đầu mọi người thường nghĩ ngay đến bệnh ung thư. Sự thật là ung thư không gây rụng tóc, chính những loại thuốc mạnh và phương pháp điều trị sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư (hóa trị và xạ trị) mới là thủ phạm chính giết các tế bào giúp tóc phát triển và khiến bệnh nhân bị rụng tóc. Tuy nhiên, tóc sẽ sớm mọc trở lại khi ngừng điều trị.
Cùng hạn chế tình trạng rụng tóc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nào!
Ở trẻ sơ sinh, nếu rụng tóc có liên quan đến hormone thì tất cả điều mà mẹ nên làm là chờ đợi cho đến khi tóc bé mọc lại tóc mới.
Nếu bé bị hói đầu do nằm quá lâu ở một tư thế thì mẹ hãy cố gắng thay đổi tư thế ngủ cho bé nhé. Nếu mẹ thường xuyên đặt đầu bé ở một bên nôi, thì bây giờ hãy đặt đầu bé theo hướng ngược lại, lúc này theo phản xạ tự nhiên, bé sẽ xoay đầu ra phía ngoài nôi. Việc này sẽ giúp bé thay đổi vị trí nằm thường xuyên, tránh tình trạng đầu bé ở một tư thế trong một thời gian dài.
Ngoài ra, thỉnh thoảng mẹ nên để cho trẻ nằm sấp (Tummy time) mỗi ngày nhé, vì để trẻ nằm sấp và cho phần gáy được nghỉ ngơi sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất đấy. Trong một vài tuần đầu tiên có thể cho trẻ nằm sấp từ 1- 2 phút, từ 2-3 lần mỗi ngày. Sau đó từ từ tăng dần lên khoảng từ 10-15 phút mỗi ngày.
Đối với trẻ sau 06 tháng tuổi vẫn còn mắc phải vấn đề rụng tóc thì mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và tìm phương pháp điều trị phù hợp.
Một số trẻ sinh ra có rất ít tóc làm mẹ tưởng rằng trẻ bị hói, tuy nhiên khi nhìn kĩ, mẹ vẫn có thể nhìn thấy những sợi tóc nhạt màu, mỏng và mịn. Khi trẻ một tuổi, tình trạng này có thể tự khỏi và không cần điều trị.