Trên hành trình tình yêu mẹ dành cho con – những việc bạn làm cho con bằng tình yêu của mẹ, liệu bạn gọi đó là “sự hy sinh” hay đơn giản bạn đang “tận hưởng” với cảm hứng thích thú và sự đam mê làm mẹ?
Đừng “hy sinh”, hãy tận hưởng
hành trình tình yêu của bạn
dành cho con!
Vì tình yêu và sự tận hiến tràn đầy
là con đường phúc lạc
của người mẹ thiên chức!
Có câu ca dao dân gian rất nhân văn, mà dường như người Việt nào cũng thấy thân thuộc:
“Có vàng vàng chẳng đem khoe
Có con con nói trầm trồ mẹ nghe”
Điều này, hoàn toàn dễ dàng được chia sẻ, đồng thuận khi mà trẻ còn ở tuổi nhũ nhi, ấu nhi và đồng nhi…Tuy nhiên, khi những đứa trẻ đã lớn, con cái đã lớn thì mọi việc có khác!
Trong cảm thức xã hội hiện nay, mình nhận ra một dấu hiệu: khi con cái lớn, những đứa trẻ đã thành niên và lúc này, các bậc phụ huynh ngại kể về con cái…
Lý do:
1/ Hoặc vì ngại làm tổn thương bạn bè… nếu biết con cái họ không thành công lắm trong rèn luyện trưởng thành (nhiều khi là nhìn theo chủ quan của cha mẹ thường bị mắc dính vào so sánh kiểu “con người ta”).
2/ Hoặc tránh nhắc đến vì sợ bị mang tiếng là khoe khoang, sợ bị đánh giá là “thích kể công với con cái”. Và do đó, người ta thường lựa chọn cách an toàn là im lặng… cho nó lành!
Mình cũng không phải là ngoại lệ. Khi nhận được sự khích lệ, đồng thuận của con gái và mình quyết định chia sẻ công khai những trải nghiệm trên hành trình làm mẹ, mình đã hứng chịu muôn vàn những lời đại loại như thế này: “Không có gì để nổi tiếng thì… đành ăn theo con á?” hay “Lại bắt đầu kể lể công lao” vân vân.
Tất nhiên, mình cũng nhận được sự ưu ái của rất nhiều người thiện chí, yêu mến: “Cảm phục sự hy sinh của bạn dành cho con!”; Hay: “Minh Khuê được như thế là công lao của mẹ nhiều lắm”… vân vân.
Mình ghi nhận, lắng nghe và suy ngẫm rất nhiều trước những phản ứng tâm lý trái chiều này, và nhận ra điều cốt lõi, đó là: Xã hội chúng ta, phần lớn đang ảnh hưởng đậm đà, lâu dần biến thành đương nhiên, thứ cảm hứng “hy sinh” trong quan niệm làm cha mẹ – trong những đánh giá về quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Vì đã có cảm hứng “hy sinh” thì sẽ làm xuất hiện cảm hứng “kể công” và tâm trạng “mắc nợ” của con cái đối với các bậc sinh thành. Một chuỗi diễn biến tâm lý luẩn quẩn và lặp lại, cứ lê thê như thế! Chúng là hai mặt gắn bó như hình với bóng của một cặp theo lối tư duy lưỡng cực (phân cực).
Trẻ em không phải là búp bê, một ngày nào đó, bạn nhận ra nó đã ở đó và nằm trong giường của bạn, chiếm chỗ của bạn và bạn phải buộc lòng “hy sinh” sở thích, đam mê riêng của bạn, san sẻ quyền lợi của bạn vì nó!
Con cái được sinh ra từ khao khát tiềm thức ẩn sâu trong mỗi người, thứ khát vọng cháy bỏng được làm cha mẹ. Và chúng được sinh ra vì chúng ta cần có chúng để thấy mình trưởng thành, để thấy mình bộc lộ tràn đầy và toàn vẹn đến đâu những phẩm giá Con Người.
Thế thì, chúng ta phải cảm ơn trẻ em đã cho ta cơ hội để bộc lộ hết bản thân và hiểu thấu đáo “tình yêu” thực sự là gì! Và, đó là cảm hứng Tình yêu và đam mệ – thứ cảm xúc thuần hậu và bền vững, thiêng liêng; là cảm hứng ban tặng vô điều kiện và không bao giờ mặc cả.
Trải nghiệm của riêng mình, thì chưa bao giờ coi những việc mình làm hướng tới con cái, cho dù phải làm một cách vất vả, gian nan, là sự “hy sinh” – mà đơn giản là mình muốn nhận hiểu khả năng nỗ lực của bản thân, giới hạn của bản thân tới đâu?
Đó, đơn giản là một hành trình sống và dấn thân một cách bình dị. (P/s: hy sinh là sự bỏ quên bản thân, đánh đổi giá trị tự thân như niềm vui, đam mê vân vân vì ai đó, vì điều gì đó. Đương nhiên, vì thế, hành động hy sinh về cơ bản là hành động “buộc phải”, không hào hứng, miễn cưỡng).
Thậm chí, mình không bao giờ dùng hai từ “hy sinh” trong mọi cảm thức làm mẹ.
Giả định, người mẹ làm một việc gì đó cho con mình và gọi đấy là hành động “hy sinh” vì con, liệu đứa trẻ có thể nào hoan hỷ khi thấy niềm vui của nó phải trả giá bằng “sự hy sinh” của người mẹ? Chẳng hạn, có tình huống thế này: Một buổi trưa, người mẹ trở về từ công sở, nơi làm việc để nấu bữa trưa cho đứa con đi học về. Đứa con rất vui và nói: “Mẹ ơi, vui quá vì trưa nay con được ăn cơm với mẹ!” . Có hai cách ứng xử của người mẹ:
1/ _ Ừm, mẹ phải hy sinh cuộc tụ tập hiếm hoi với bạn bè trưa nay để về nấu ăn cho con đấy! Hoặc lựa chọn:
2/ _ Hi hi, trưa nay bạn bè của mẹ có cuộc tụ tập, nhưng mẹ chọn về với con vì mẹ khoái nhất cảm giác được ngồi ăn trưa và chém gió với con!
Mình sẽ chọn cách thứ 2/ và nếu hỏi bọn trẻ, chúng sẽ thích mẹ chúng có cảm hứng theo cách thứ hai!
Trong tâm thức “làm mẹ” của người Việt, còn khá đậm đà cảm hứng “hy sinh” – đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều trẻ cảm thấy không “yêu quý” bản thân nó, liên tục tự dằn vặt, tự ty vì một nỗi mặc cảm lớn: “sự có mặt của nó trên đời này là nguyên nhân khiến cho người mẹ phải khốn khổ, vất vả..” do hàng ngày được nghe hai chữ “hy sinh” khi nhắc đến những gì cha mẹ làm cho con cái.
Theo quan điểm của mình, “Cảm hứng thích thú, đam mê làm mẹ” cần thế chỗ cho cảm hứng “hy sinh” – như thế, thì hành trình của cả mẹ và con mới thật sự hoan hỷ và tràn đầy kỷ niệm, vui vẻ, ngọt ngào, thân thương gần gũi. Vì tâm hồn đứa trẻ không bị ám ảnh bởi cảm giác “mắc nợ”
Mình tận tâm trong những công việc vì con, bởi mình nhận được từ những công việc ấy niềm vui và giá trị đích thực, cảm nhận được sự hoan hỷ toàn vẹn trong ý nghĩa làm mẹ.
Mình có “sở thích” yêu con và mình “đam mê” và luôn luôn sáng tạo trong tình yêu ấy.
Dù là mọi so sánh đều khiên cưỡng, nhưng nôm na thì điều này, cũng tương tự như ai đó “đam mê” ai đó (tình ái lứa đôi); ai đó đam mê sáng tạo nghệ thuật, ai đó đam mê kinh doanh; ai đó đam mê quyền lực; hay đơn giản ai đó đam mê làm vườn. .. vân vân.
Và, đó là LỰA CHỌN có ý thức, chủ động, có cân nhắc và họ tận hưởng đam mê của mình ở mọi khía cạnh: cả những thành công và cả những gian truân, thử thách (đương nhiên) phải trả!
Những Câu chuyện mình kể lại, dường như là môt cách để mình truyền cảm hứng đồng hành cùng con một cách sâu sắc tràn đầy với những bạn cùng tâm huyết, chứ tuyệt nhiên,không phải là nhắc đến sự hy sinh hay kể về công lao nào cả.
Trong những bài mình viết, luôn thể hiện sự chủ động, mạnh mẽ, điềm tĩnh và hãnh diện của trái tim người mẹ, chứ hoàn toàn không có cảm hứng ủy mị, cần được cảm thông an ủi vì đã “hy sinh” vì con.
Đối với mình, nhìn thấy con hạnh phúc vui vẻ là tất cả những gì khiến mình vui vẻ.
Viết đến đây, mình bỗng nhớ lại một câu chuyện ngụ ngôn rất thâm thúy và sâu sắc này:
“Lợn đến bên chị bò sữa đang gặm cỏ trên cánh đồng và hỏi:
_ Tôi không thể hiểu, vì sao họ hàng của tôi luôn hy sinh tất thảy vì bọn trẻ. Thậm chí, dâng cả tim gan của mình để chúng có bữa ăn ngon, lòng ruột làm thành những chiếc xúc xích mà bọn chúng ưa thích đến phát cuồng. Chị cho chúng sữa uống, tôi cho chúng thức ăn… nhưng chúng chỉ yêu mến và vui vẻ với chị… còn ca hát xưng tụng về chị nữa!
Chị bò sữa vẫn dường như mải mê gặm cỏ. Hồi lâu, chị ngước lên và trầm ngâm nói:
_ Có lẽ, bọn trẻ thấy tôi vẫn mỉm cười mãn nguyện sau khi đã cho chúng sữa. Đó có phải là điều khác biệt giữa chúng ta chăng? ”
Thế đấy, bạn thử nghĩ mà xem, một phẩm chất Người Mẹ là phẩm chất của tâm hồn – trái tim tràn đầy thứ tình yêu không mặc cả, tràn đầy tinh thần dấn thân, lãng mạn, sáng tạo không ngừng. Phẩm chất Người Mẹ là phẩm chất của một trí tuệ thông thái, tư duy thực tế, điềm tĩnh và luôn vững vàng.
Mới có câu mà chúng ta thường quen nghe: “Mẹ – là danh xưng, là Thiên chức tạo hóa ban cho” – ngẫm ra, thấy từng lời thật đẹp đẽ và toàn vẹn, không thể bình luận gì hơn!
Hồ Thị Hải Âu
https://www.facebook.com/longchaucusy.ho/posts/601016396710796:0