Triệu chứng của rối loạn âm vị (một dạng rối loạn ngôn ngữ) có nhiều khác biệt đáng kể tùy vào độ tuổi của trẻ em, nhưng thường là: trẻ sẽ phát triển âm nói chậm hơn so với những trẻ bình thường cùng độ tuổi, khó khăn khi đọc các phụ âm…
Triệu chứng rối loạn âm vị ở trẻ
Các triệu chứng của rối loạn âm vị có nhiều khác biệt đáng kể tùy vào độ tuổi của trẻ em. Thường rất khó để phát hiện ra dạng rối loạn ngôn ngữ này, dưới đây là một số triệu chứng và biểu hiện phổ biến:
– Trẻ sẽ phát triển âm nói chậm hơn so với những trẻ bình thường cùng độ tuổi. Tuy nhiên, nhìn chung trẻ vẫn phát triển ngôn ngữ theo cùng trình tự như các trẻ khác. Vì vậy, một câu nói được xem là bình thường ở trẻ 4 tuổi nhưng lại có thể là dấu hiệu rối loạn âm vị ở trẻ 6 tuổi.
– Với trẻ có rối loạn âm vị thì các âm vị có thể sẽ bị thay thế, biến đổi hoặc bỏ bớt. Những lỗi này khiến cho người khác khó khăn hơn để hiểu được trẻ. Chỉ các thành viên trong gia đình mới hiểu được điều trẻ muốn nói khi trẻ có rối loạn ngôn ngữ này.
– Khó khăn phổ biến ở trẻ có rối loạn âm vị là các phụ âm. Cụ thể:
- Với từ bắt đầu bằng 2 phụ âm trở lên: “Thỏ” đọc thành “Khỏ”, “Phở” đọc thành “Hở”, “Ghim” thành “Him”…
- Với từ có 1 âm nhất định, trẻ không chỉ loại bỏ bớt những âm vị mà còn phát âm không rõ ràng hoặc thay thế bằng cách sử dụng âm khác: “Quét” thành “Éc”, “Nhưng” thành “Nhưn”…
- Đôi khi, trẻ hoàn toàn loại bỏ âm cuối của một từ nhưng lại đọc đúng khi âm đó xuất hiện ở đầu hay giữa các từ khác: “Giường” đọc thành “Giườn” (không nói được âm “g” cuối từ nhưng đọc đúng âm “g” đầu từ), đọc đúng khi “g” xuất hiện ở đầu những từ khác như “Gối”, “Gạo”…
Khó khăn phổ biến ở trẻ có rối loạn âm vị là các phụ âm
Vào những thời điểm khác, toàn bộ nhóm âm có thể bị đọc sai theo cách tương tự nhau. Vì vậy trẻ cần có những cách tiếp cận đặc biệt để đọc những âm này một cách chính xác.
Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị rối loạn âm vị
Nếu nghi ngờ trẻ bị rối loạn âm vị, cha mẹ cần lưu ý những biểu hiện sau:
– Trẻ vẫn gặp khó khăn để hiểu các âm nói khi lên 4 tuổi
– Trẻ vẫn không thể nói được những âm tiết nhất định khi lên 6 tuổi
– Trẻ có xu hướng bỏ bớt, thay thế hoặc làm biến đổi những âm tiết nhất định khi lên 7 tuổi
– Có những vấn đề khi trẻ nói khiến cho trẻ cảm thấy lo lắng hoặc xấu hổ dù ở bất kì độ tuổi nào
– Trẻ sẽ luôn bày tỏ sự chán nản và khó khăn của mình theo cách chung chung, với những câu nói hoặc biểu hiện như “Con ghét đọc sách!”, “Chán quá!”,…Và nếu có thể, trẻ sẽ cố gắng mô tả những khó khăn của mình bằng lời nói như:
- “Con không biết từ nào cùng vần với từ ‘mèo’.”
- “Con không biết giữa ‘tàu’ và ‘màu’ thì có âm/ vần nào giống nhau nữa.”
- “Cô hỏi ‘Có những âm tiết nào trong từ “nghe”, vậy nghĩa là sao?”
- “Con không biết có bao nhiêu âm tiết trong tên của con.”
– Trẻ không có hứng thú với những trò chơi về từ ngữ (nối từ, tìm từ tương ứng, ghép âm…)
Bên cạnh đó, cha mẹ cần phối hợp với giáo viên để lưu ý những biểu hiện của trẻ ở trường khi nghi ngờ trẻ có rối loạn ngôn ngữ này như:
- Trẻ thường xuyên làm không đúng những bài tập về ghép âm/ vần, như: Nối các âm /m/, /è/, /o/ lại với nhau thành từ “mèo”
- Trẻ làm không đúng các bài tập về thay đổi âm vị trong từ, như: Thay âm /m/ bằng âm /ch/ trong “máy” để thành “cháy”
- Trẻ gặp khó khăn trong việc đếm những âm tiết có trong một từ
- Trẻ gặp khó khăn trong việc ghép vần, đánh vần, hay đánh vần một từ mới dựa vào âm thanh đọc của nó, ví dụ cho từ “thanh” thì trẻ không đánh vần được.