Trầm cảm khi mang thai khó có thể được chẩn đoán vì nhiều mẹ ít quan tâm đến sự thay đổi cảm xúc của mình. Mẹ cần sớm nhận biết các triệu chứng trầm cảm khi mang thai và thông báo cho bác sĩ bởi đây cũng là nhân tố khiến mẹ bị trầm cảm sau sinh.
Tuyệt đối không “lơ là” với những thay đổi cảm xúc của mình
Trong nhiều năm, các chuyên gia tin rằng các hormone thai kỳ giúp bảo vệ chống lại trầm cảm và sau khi sinh em bé, hormone giảm mạnh thì phụ nữ dễ tổn thương hơn.
Nhưng giờ đây họ tin rằng sự gia tăng nhanh chóng lượng hormone khi vừa mang thai có thể gây gián đoạn các phản ứng hóa học trong não và dẫn tới trầm cảm khi mang thai. Hormone thay đổi cũng có thể làm mẹ cảm thấy lo âu hơn bình thường. Đây là tình trạng nên được điều trị trong lúc mang thai.
Trầm cảm và lo âu có thể không được chẩn đoán vì phụ nữ mang thai thường lơ là cảm xúc của họ, xem đây là tâm trạng tạm thời thường thấy khi mang thai. Vì vậy, đừng ngần ngại kể cho bác sĩ biết khi tâm trạng của mẹ đi xuống vì rất có thể mẹ đã bị trầm cảm khi mang thai rồi đấy.
Mẹ bị trầm cảm khi mang thai
Mẹ bị trầm cảm khi mang thai, nguyên nhân do đâu?
Trầm cảm khi mang thai là tình trạng phổ biến ở các mẹ bầu, dưới đây là một số yếu tố dẫn đến bệnh trầm cảm:
- Mẹ hay gia đình có tiền sử bị bệnh trầm cảm. Điều này có thể làm mẹ dễ bị trầm cảm khi mang thai hơn.
- Quan hệ vợ chồng gặp khó khăn. Hãy đi gặp bác sĩ tư vấn tâm lý nếu đang trong tình trạng này, đặc biệt nếu mẹ đang là nạn nhân của bạo lực gia đình. Đừng nghĩ rằng khi có con thì mọi thứ sẽ được giải quyết vì có con chỉ làm gia tăng áp lực lên mối quan hệ thôi.
- Đang áp dụng các phương pháp điều trị sinh sản. Khi mẹ trải qua nhiều quá trình hỗ trợ sinh sản, mẹ có thể phải đối mặt với những tác động về mặt cảm xúc trong nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm.
- Từng bị sẩy thai. Điều này khiến mẹ lo lắng hơn trong lần mang thai này. Và nếu mẹ vừa bị sảy thai hay sảy thai nhiều lần thì có thể mẹ chưa có đủ thời gian để hồi phục cảm xúc và thể chất.
- Những vấn đề khi mang thai. Ca mang thai khó hay nhiều rủi ro nguy hiểm có thể gây tổn thương cảm xúc, đặc biệt là mẹ đang phải chịu đựng nằm một chỗ nhiều tuần hay phải trải qua nhiều cuộc xét nghiệm di truyền.
- Những áp lực trong cuộc sống như nỗi lo về tài chính, thay đổi chỗ ở, chuyển đổi công việc hay dự định ở nhà sau nhiều năm làm việc hoặc những mối bận tâm quan trọng khác về những thay đổi trong cuộc sống như ly dị, sự ra đi của một người bạn thân hay thành viên trong gia đình, mất việc…. có thể làm mẹ rơi vào trạng thái sợ hãi trầm trọng, từ đó dẫn đến tình trạng trầm cảm khi mang thai.
- Bị ảnh hưởng bởi những tác nhân trong quá khứ: mẹ có tiền sử bị lạm dụng, bạo hành về cảm xúc, thể chất, tình dụng hay bị sỉ nhục bằng lời nói có thể làm mẹ giảm thấp lòng tự trọng, bất lực hay có cảm giác bị cô lập. Khi mang thai có thể khơi gợi lại những ký ức đau buồn này này trong quá khứ.
- Các yếu tố nguy cơ khác. Nếu mẹ còn trẻ, còn độc thân mà mang thai ngoài ý muốn thì dễ bị bệnh trầm cảm hơn.
Hiểu rõ nguyên nhân trầm cảm khi mang thai để điều trị mẹ nhé
Triệu chứng trầm cảm khi mang thai
Nếu mẹ trải qua nhiều hơn ba triệu chứng trầm cảm khi mang thai được liệt kê bên dưới trong hơn 2 tuần, hãy gặp bác sĩ ngay nhé, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ cách điều trị trầm cảm phù hợp:
- Không có cảm giác vui hay thích thú nữa
- Cảm giác buồn, trống rỗng cả ngày và mọi ngày
- Khó để tập trung
- Cáu gắt hay kích động hay khóc lóc quá mức
- Khó ngủ hay ngủ mọi lúc
- Mệt mỏi cùng cực, cảm xúc này mãi vẫn không hết
- Muốn ăn cả ngày hay không muốn ăn gì cả
- Cảm thấy tội lỗi bất thường hay cảm giác vô dụng, tuyệt vọng.