Ung thư tinh hoàn là một trong những bệnh về tinh hoàn khá phổ biến, xảy ra khi tế bào ung thư phát triển ở một hoặc cả hai tinh hoàn. Hầu hết các bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Phát hiện bệnh càng sớm thì khả năng điều trị thành công càng cao.
Ung thư tinh hoàn – Ung thư chỉ có ở đàn ông
Tinh hoàn là 2 tuyến hình quả trứng nằm trong một túi da lỏng lẻo (hay còn gọi là bìu) nằm ngay dưới dương vật. Tinh hoàn được giữ trong bìu bởi một dây chứa ống dẫn tinh, mạch máu và thần kinh của tinh hoàn gọi là thừng tinh.
Hai tinh hoàn chịu trách nhiệm trong việc sản xuất tinh trùng và hormone sinh dục nam testosterone.
Cơ quan sinh sản nam
Ung thư tinh hoàn xảy ra khi tế bào ung thư phát triển ở một hoặc cả hai tinh hoàn. Độ tuổi hay mắc bệnh là từ 20-35. Hầu hết ung thư tinh hoàn bắt nguồn từ tế bào mầm (tế bào tạo ra tinh trùng) và được gọi là ung thư tế bào mầm.
Dấu hiệu ung thư tinh hoàn
Các dấu hiệu thường gặp của ung thư tinh hoàn:
- Sưng hoặc có u cục ở một hoặc 2 tinh hoàn
- Đau tinh hoàn và bìu
- Cảm giác nặng ở bìu
- Cảm giác đau âm ỉ, đè nén ở vùng bụng dưới hay vùng bẹn
Đôi khi những triệu chứng này có thể do một số bệnh khác như tràn dịch phúc tinh mạc hoặc viêm mào tinh. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, khi bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu bất thường trên, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Khi ung thư tinh hoàn đã lây lan ra khỏi tinh hoàn và tới các hạch bạch huyết hay các cơ quan khác có thể gây ra các triệu chứng như:
- Đau âm ỉ ở lưng và bụng dưới
- Mệt mỏi, đổ mồ hôi không lý do, sốt
- Khó thở, ho, đau ngực
- Nhức đầu, lơ mơ
Những yếu tố nguy cơ
Hiện nay vẫn chưa biết chính xác lý do gây ra bệnh ung thư tinh hoàn, tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, một số yếu tố nguy cơ có thể gây ung thư tinh hoàn bao gồm:
- Một tinh hoàn lạc chỗ
- Gia đình có người bị ung thư tinh hoàn
- Nhiễm HIV
- Đã từng bị ung thư tinh hoàn trước đây
- Chủng tộc người da trắng
- Thân hình cao lớn
Chẩn đoán ung thư tinh hoàn
Để tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng, bên cạnh việc đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn, bác sĩ sẽ khám và đề nghị bạn làm một số xét nghiệm để chẩn đoán. Những xét nghiệm này bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Để tìm các dấu hiệu của ung thư, vì nồng độ các chất trong máu như: AFP, HCG, LDH có thể gợi ý sự hiện diện của khối u rất nhỏ. Các khối u này khó có thể phát hiện được khi khám và làm xét nghiệm hình ảnh.
- Siêu âm: Siêu âm bìu có thể cho thấy sự hiện diện và kích thước của khối u trong tinh hoàn. Siêu âm chẩn đoán giúp phân biệt ung thư tinh hoàn với các bệnh khác như sưng do nhiễm trùng hoặc tụ dịch không liên quan tới ung thư.
- Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô tinh hoàn của bạn và soi dưới kính hiển vi để xác định chính xác bạn có bị ung thư tinh hoàn hay không.
Nếu bạn được xác định đã bị ung thư tinh hoàn, bác sĩ sẽ cần bạn làm một số xét nghiệm kiểm tra mức độ lây lan của ung thư đến các cơ quan khác để lập kế hoạch điều trị như: chụp X-quang, chụp CT và chụp MRI.
Phương pháp điều trị bệnh ung thư tinh hoàn
Hầu hết bệnh nhân ung thư tinh hoàn có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Phát hiện bệnh càng sớm thì khả năng điều trị thành công càng cao. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của ung thư, tuổi của bệnh nhân, sức khỏe nói chung và các yếu tố khác.
Hiện nay có 5 phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn đang được sử dụng, bao gồm:
- Phẫu thuật: Dùng để cắt bỏ tinh hoàn và các hạch bạch huyết. Phương pháp này được thực hiện tùy vào việc chẩn đoán và giai đoạn của ung thư. Mặc dù có thể loại bỏ hết khối u tại thời điểm phẫu thuật, nhưng một số bệnh nhân vẫn tiếp tục điều trị bằng hóa trị và xạ trị để tiêu diệt hết các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Các liệu pháp được sử dụng sau phẫu thuật sẽ làm giảm nguy cơ tái phát của ung thư.
- Xạ trị: Là phương pháp sử dụng tia xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Có hai phương pháp xạ trị là xạ trị trong và xạ trị ngoài. Lựa chọn phương pháp xạ trị nào là tùy thuộc vào loại và giai đoạn của ung thư.
- Hóa trị: Là phương pháp dùng thuốc để điều trị ung thư bằng cách giết chết hoặc ngăn cản các tế bào ung thư phát triển. Có hai phương pháp hóa trị là hóa trị hệ thống và hóa trị từng vùng. Lựa chọn phương pháp hóa trị liệu nào phụ thuộc vào loại và giai đoạn của ung thư.
- Theo dõi: Là theo sát bệnh nhân qua các đợt tái khám mà không dùng bất cứ phương pháp chữa trị nào trừ khi có sự thay đổi kết quả trong các xét nghiệm. Phương pháp này được dùng để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm sự tái phát của ung thư. Trong phương pháp này, bệnh nhân được khám và cho làm các xét nghiệm theo một lịch trình cụ thể.
- Hóa trị liệu liều cao kèm cấy ghép tế bào gốc: Là phương pháp sử dụng thuốc hóa trị liều cao kèm với thay thế các tế bào tạo máu đã bị chết trong quá trình điều trị ung thư.
Tế bào gốc (tế bào máu chưa trưởng thành) được lấy ra từ máu hay tủy xương của bệnh nhân hoặc của người hiến tặng, rồi được làm lạnh và lưu trữ. Sau khi quá trình hóa trị liệu kết thúc, các tế bào lưu trữ ở trên được rã đông và đưa vào người bệnh nhân thông qua thủ thuật cấy truyền. Những tế bào gốc này sẽ phát triển thành tế bào tạo máu mới của cơ thể.
Sớm phát hiện những bất thường
Hiện nay vẫn chưa có cách phòng ngừa bệnh ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên các bác sĩ khuyên nam giới nên thường xuyên tự khám tinh hoàn để phát hiện những dấu hiệu bất thường liên quan đến ung thư trong giai đoạn sớm nhất. Tốt nhất, bạn nên tự khám tinh hoàn sau khi tắm bằng nước ấm. Nước ấm sẽ làm dãn các lớp của da bìu, giúp bạn dễ dàng phát hiện ra bất thường ở tinh hoàn.
Bạn có thể thực hiện tuần tự theo các bước sau đây để tự khám tinh hoàn của mình:
- Đứng trước gương và quan sát xem da bìu có sưng hay không.
- Khám lần lượt từng tinh hoàn bằng hai tay. Đặt 2 ngón trỏ và 2 ngón giữa ở dưới tinh hoàn, 2 ngón cái đặt ở trên tinh hoàn.
- Lăn nhẹ nhàng tinh hoàn giữa ngón cái và các ngón còn lại. Nên nhớ rằng tinh hoàn thường trơn láng, hình quả trứng và hơi chắc. Một bên tinh hoàn có thể hơi lớn hơn bên còn lại là rất bình thường. Ngoài ra bạn có thể cảm thấy một thừng gân từ tinh hoàn chạy hướng lên trên, đây cũng là dấu hiệu bình thường.
Bằng việc khám thường xuyên, bạn sẽ biết rõ về tinh hoàn của mình và phát hiện được những thay đổi đáng lo ngại của chúng. Nếu phát hiện một khối bất thường ở trong tinh hoàn, bạn phải đi khám bác sĩ ngay.