Cũng như người lớn, vai trò của bạn bè rất quan trọng đối với sự phát triển tâm lý và tình cảm của trẻ ở mọi lứa tuổi. Vậy tình bạn có vai trò gì đối với sự phát triển của trẻ? Và những điều tích cực trẻ nhận được từ bạn bè là gì? Cùng mekhonghoanhao đi tìm câu trả lời với bài viết này nhé!
Nếu con đi học mẫu giáo về và khoe rằng trên lớp mình có một cô bạn hay cậu bạn thân thường xuyên chơi cùng đồ chơi và chia sẻ kẹo với nhau, mẹ đừng bất ngờ vì đó chính là sự khởi đầu của tình bạn mà trẻ có ở tuổi mẫu giáo đấy.
Vai trò của bạn bè với sự phát triển của bé
Khi chơi với bạn bè, các bé từ 2 – 4 tuổi (trước khi đi học) thường có những hành vi gây gổ nhưng sau đó các hành vi này sẽ giảm dần. Ở độ tuổi này, nền tảng cho tình bạn của bé được xây dựng từ những cuộc gặp gỡ hay tham gia các hoạt động tập thể. Các bé gái có khả năng phát triển quan hệ bạn bè tốt hơn bé trai vì bé gái thường hòa đồng và san sẻ tình cảm đến bạn bè của mình.
Đối với các bé trong độ tuổi từ 5 -12 thì kết bạn là một trong những nhiệm vụ quan trọng và là kỹ năng xã hội cần thiết trong cuộc đời của bé. Ở độ tuổi này, bé không còn bị ràng buộc nhiều bởi gia đình hoặc quan tâm chủ yếu cho bản thân, mà hầu hết các bé bắt đầu dựa vào các mối quan hệ bạn bè. Bé sẽ dành thời gian cho bạn bè nhiều hơn so với giai đoạn trước khi bé đến trường, sẵn sàng chia sẻ những niềm vui và nỗi thất vọng về tuổi thơ của mình để nhận được sự đồng cảm từ những người bạn.
Bé 5 -12 tuổi sẽ dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn so với các giai đoạn trước
Tình bạn của bé phát triển qua từng giai đoạn, trong đó tình bạn đầu tiên thường liên quan đến những hoạt động tập thể và các bé sẽ có sự tương đồng quan điểm với nhau. Khi bé lớn hơn một chút, tình bạn sẽ thiên về sự chia sẻ và những nguyên tắc cần thực hiện trong một mối quan hệ. Đối với các bé, bạn bè đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Bạn bè có thể là người bạn đồng hành, bạn tâm tình hoặc một người bạn đồng minh,… những người có thể chia sẻ, cho bé những lời khuyên, giúp bé ổn định tâm lý và hỗ trợ bé vượt qua những khó khăn.
Khi bước sang tuổi dậy thì, các bé thường có những thay đổi về mặt tâmlý và bắt đầu tập trung vào việc tìm hiểu bạn khác giới, tự thể hiện, chia sẻ sự quan tâm và rung động mạnh hơn với các bạn khác giới.
Sự phát triển kỹ năng xã hội và nhu cầu bạn bè của mỗi bé thường khác nhau. Trong khi một số bé sẵn sàng trải qua phần lớn thời gian của mình với các thành viên trong gia đình hoặc với một người bạn tốt duy nhất, thì một số bé khác lại dành thời gian đó cho tập thể để hình thành và duy trì nhiều tình bạn. Trung bình một bé ở độ tuổi đi học có khoảng 5 người bạn thân. Các bé cũng có thể kết bạn với anh chị em ruột, đặc biệt là trong gia đình đông anh chị em, gia đình khép kín, hoặc khi gia đình bị cô lập bởi những đứa trẻ và các gia đình khác. Lúc này, tình bạn giữa anh chị em có thể thay thế tình cảm bạn bè bên ngoài và nó thật sự cần thiết đối với bé.
Tuy nhiên, sở thích và nhu cầu tình bạn của các bé từ 5 –12 tuổi sẽ thay đổi từ năm này sang năm khác hoặc thậm chí là thay đổi mỗi tháng. Trong những năm đầu tiểu học, hầu hết bạn bè của bé luôn cùng giới nhưng đến những năm cuối của độ tuổi tầm trung, các bé bắt đầu dành thời gian quan tâm và tìm hiểu các bạn khác giới. Và trong suốt giai đoạn cuối tuổi vị thành niên, những bé này có thể bắt cặp và tìm hiểu nghiêm túc hơn.
Những điều tích cực bé nhận được từ bạn bè
Các chuyên gia tâm lý chia sẻ rằng, dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa bé cũng rất cần có bạn bè, và cha mẹ hãy quan tâm đến cả những người bạn mà bé chơi chung vì có thể bé đang đón nhận một số điều tích cực từ các nhóm bạn của mình đấy, ví dụ như:
- Cảm giác thân thuộc và được coi trọng.
- Bạn bè là những người mà bé có thể giãi bày tâm sự, khi bé cảm thấy mình không phải trẻ con mà vẫn chưa đủ lớn để đối mặt với các khó khăn.
- Tăng sự tự tin vì bé được bạn bè chấp nhận và cho gia nhập vào nhóm.
- Tạo cho bé cảm giác an toàn và nhận được sự tìm hiểu, quan tâm của mọi người trong nhóm.
- Là nơi an toàn để bé tự đánh giá các ý tưởng và giá trị bản thân.
- Là môi trường giúp bé tăng tính độc lập.
- Làm việc trong điều kiện tập thể.
- Cách làm quen bạn mới.
- Gắn kết tình cảm bạn bè trong nhóm.
- Bé học được cách cho đi và nhận lại từ những người bạn trong nhóm và thực hành điều đó với mọi người.
- Ảnh hưởng đến các quyết định trong cuộc sống của bé.