Bệnh viêm não ở trẻ em (encephalitis) xảy ra khi vi trùng xâm nhập vào não khiến não bị viêm, đây là một bệnh lý hiếm gặp nhưng hết sức nguy hiểm, vì vậy nếu nghi ngờ bé bị viêm não, mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra ngay nhé!
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm não ở trẻ em
Ở khu vực phía nam Việt Nam (bao gồm cả Thành phố Hồ Chí Minh), khảo sát cho thấy nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm não ở trẻ em được chẩn đoán nhiều nhất là virus viêm não Nhật Bản (Japanese Encephalitis Virus). Những nguyên nhân khác có thể kể đến gồm enterovirus, siêu vi sốt xuất huyết, siêu vi Herpex simplex và một số loại siêu vi khác. Trong khi đó, tại Mỹ, nguyên nhân gây viêm não ở trẻ có thể kể tới phổ biến nhất là Enterovirus và siêu vi Herpex simplex.
Triệu chứng của bệnh viêm não ở trẻ em
Khi bị viêm não, bé thường có một số biểu hiện như lú lẫn, cơ thể uể oải, sốt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, ngoài ra, một số dấu hiệu khác như căng cứng lưng và cổ, thiếu năng lượng, sợ ánh sáng cũng thường được tìm thấy ở những bé bị viêm não. Tuy nhiên, những triệu chứng được xem như là “báo động đỏ” của bệnh viêm não ở trẻ em chính là co giật, run, thay đổi tính cách, mất trí nhớ và hoang tưởng.
Chẩn đoán bệnh viêm não ở trẻ em
Để chẩn đoán viêm não, ngoài việc dựa vào những triệu chứng lâm sàng, kết quả cận lâm sàng và dịch tễ học các bệnh lý truyền nhiễm tại địa phương (cụ thể ở Việt Nam là viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết), bác sĩ có thể làm thêm một số xét nghiệm khác như thử máu, chọc dò tủy sống, chụp MRI hoặc CT. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chụp điện não đồ (EEG) để kiểm tra xem bé có bất thường nào liên quan đến viêm não hay không.
Điều trị bệnh viêm não ở trẻ em
Nếu phát hiện bị viêm não, bé cần được nhập viện ngay. Việc điều trị viêm não còn phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe của bé cũng như nguyên nhân gây bệnh. Mục tiêu của việc điều trị nhằm làm chậm hoặc đẩy lùi quá trình nhiễm trùng, kiểm soát những biến chứng gây ra do sốt (ví dụ như co giật, mất nước) và ngăn ngừa những biến chứng muộn.
Hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ ăn uống bằng ống thông để cung cấp dinh dưỡng và tránh mất nước là những phương pháp điều trị nâng đỡ có hiệu quả. Thêm vào đó mẹ cũng cần biết viêm não là bệnh lý nặng, do đó, việc điều trị không phải chỉ ngày một ngày hai, đôi khi phải mất hàng tháng trời bé mới có thể hồi phục lại được.
Phòng ngừa bệnh viêm não ở trẻ em
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh viêm não ở trẻ em là tránh để lây nhiễm các loại virus gây ra viêm não. Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng có thể giúp hạn chế sự lây lan của các loại virus gây bệnh. Ngoài ra, mẹ cần đảm bảo cho bé có một chế độ dinh dưỡng cân bằng kết hợp nghỉ ngơi và rèn luyện thể chất hợp lý để tăng cường hệ miễn dịch. Virus viêm não Nhật Bản là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm não ở nước ta, vì vậy cách tốt nhất là cha mẹ hãy đưa bé đi chủng ngừa đầy đủ. (Xem thêm Lịch tiêm chủng cho trẻ)
Ở những khu vực có mầm bệnh truyền qua theo đường côn trùng cắn (như muỗi) thì tốt hơn hết mẹ nên cho bé mặc áo dài tay, dùng thuốc chống côn trùng, tránh cho bé ra ngoài vào lúc hoàng hôn hay bình minh vì đây là thời điểm lý tưởng cho các loại côn trùng hoạt động. Xem thêm: Các cách trị côn trùng cắn cho bé mẹ cần biết